CEO Việt tại Nhật Bản: “Nên cho trẻ sớm đến trường và hành động có căn cứ khoa học”

Thảo Linh Thứ tư, ngày 19/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
“Có nên cho học sinh đi học lại hay không, vì sao học sinh chưa được đến trường” là câu hỏi không chỉ phụ huynh mà dư luận cả nước đang rất quan tâm.
Bình luận 0

Chị Nguyễn Việt Hà - CEO Kennet Edu, giảng viên thỉnh giảng ĐH Quốc gia Yokohama - đang sinh sống tại Nhật Bản, là mẹ của cậu con trai đang học lớp 5. Dưới góc độ phụ huynh, lại là một người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại Nhật Bản và cả Việt Nam, chị Nguyễn Việt Hà đã có những chia sẻ thẳng thắn qua cuộc trao đổi dưới đây với PV Dân Việt về việc nên cho học sinh đến trường, phân tích tác động tâm lý của học sinh khi phải học online quá lâu.

Theo chị Nguyễn Việt Hà, việc cho trẻ đi học lại "nên dựa trên khoa học (về số các ca chuyển nặng ở trẻ) và khảo sát nguy cơ để hành động thì hợp lý hơn là cảm tính, vì nó liên quan đến hàng triệu gia đình".

Học sinh học tập thời dịch - kinh nghiệm của Nhật Bản

Hiện nay tại Việt Nam, tùy tình hình và cấp độ dịch, các địa phương sẽ quyết định cho học sinh đi học lại hay không. Đây được coi là cách làm linh hoạt trong lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, không phải học sinh ở độ tuổi nào cũng được đến trường, trong đó, bậc mầm non ở nhiều nơi chưa mở cửa trường lớp. Thậm chí ở Hà Nội vào năm học mới, trẻ em tiểu học cũng chưa biết mặt bạn bè, thầy cô. Các chuyên gia ở Việt Nam cho rằng nên cho trẻ trở lại trường lớp sớm vì tỉ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em không cao và nếu ở nhà, hay học online sẽ có tác động tâm lý rất lớn đối với trẻ. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo trao đổi của chúng tôi với các chuyên gia về tâm lý và giáo dục tại Nhật Bản trong quá trình làm việc với các trường mầm non cho tới trung học, thì môi trường giao tiếp của trẻ càng năng động và có nhiều tương tác với môi trường xung quanh, những kỹ năng về giao tiếp cũng như phát triển não bộ sẽ tốt hơn. Rõ ràng, online đang tạo ra nhiều bước chuyển và tiện lợi hơn cho người lớn để rút ngắn thời gian di chuyển, làm việc hiệu quả xuyên không gian hay có những hỗ trợ nhanh hơn.

CEO Việt tại Nhật Bản: “Nên cho trẻ sớm đi học lại và hành động có căn cứ khoa học”  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Việt Hà - CEO Kennet Edu, giảng viên thỉnh giảng ĐH Quốc gia Yokohama. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên với trẻ em, không đơn giản như vậy. Các em là đối tượng chưa có kỹ năng về giao tiếp hoàn chỉnh, học online với tương tác các chiều rất thấp đạt hiệu quả không cao. Học sinh có thể học những "bài giảng" và "làm bài tập" ở mức yêu cầu thấp nhất nhưng các ảnh hưởng khác thì rất lớn như bí bách, thiếu vận động, sẽ dẫn đến stress và trầm cảm.

Theo đánh giá tại nhiều báo cáo, khảo sát đã được công bố tại Nhật và thực tế tôi cảm nhận từ chính con mình, học online hoặc từ xa cần yêu cầu cam kết đồng hành rất cao từ phụ huynh, mà phụ huynh cũng phải làm từ xa nên khó lòng được như mong muốn. Mặc dù trường học của Nhật không có thi cử, kiểm tra gì trong thời gian này (đối với cấp 1 công) nhưng như vậy thôi cũng đã đủ nhiều sức ép với các con, hiệu quả thấp. Số lượng cuộc gọi đến các đường dây nóng cho trẻ em nhờ trợ giúp tăng lên và tình trạng bạo lực gia đình cũng gia tăng vì stress của cả gia đình.

Không chỉ có trẻ em cấp học thấp, ngay cả sinh viên đại học phải học online nhiều cũng gây nên chứng trầm cảm và hiệu quả thấp. Lớp học của tôi tại trường đại học ở Nhật cũng thấy được vấn đề này. Các em không thể tập trung được lâu nếu cả ngày ngồi trong 4 bức tường và chỉ có giao tiếp online.

Theo tôi, nếu các ca lây nhiễm cũng không quá cao và xét thấy trẻ em cũng khó bị nặng, nếu có thể mở trường học và đảm bảo 5K được thì rất nên cho trẻ em học offline tại trường.

Thưa chị, tại Nhật, việc học của học sinh các cấp sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh? Giáo viên ở Nhật có phương pháp hay cách làm nào để thúc đẩy sự hứng khởi của trẻ khi học tập thời dịch?

- Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, trong năm 2020 khi chưa hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của Covid-19 với trẻ em, họ cho nghỉ khoảng 1-1,5 tháng, học từ xa bằng online hoặc gửi tài liệu đến nhà cho trẻ học. Các trường học online, gửi bài hoặc trả bài online và cố gắng giảm thiểu việc phụ huynh phải làm thêm quá nhiều việc.

Sau khi hiểu rõ hơn về Covid-19 và tác động với trẻ, bước tiếp theo là các trường cho học đảm bảo giãn cách. Ví dụ như lớp sẽ chia đôi để học sáng chiều, hoặc cách ngày. Như vậy trẻ vừa học offline - và một ngày mang bài về nhà học. Tuy nhiên họ cũng xác định là giảm khối lượng vì học ở nhà không thể đảm bảo. Kỳ kiểm tra năng lực học sinh cấp 1 trong năm 2020, từ 2 lần giảm xuống còn 1 lần. Trẻ cũng không ăn trưa ở trường lúc này nữa, đảm bảo an toàn và đeo khẩu trang 100%.

Sau khi mức độ ca nhiễm giảm hơn một con số nhất định và các thành phố lớn không phải là "tình trạng khẩn cấp", các con trở lại trường học bình thường, ăn cơm trong im lặng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, lớp được thông gió mỗi tiết học khoảng 10 phút đảm bảo an toàn, tóm lại vừa học và đảm bảo 5K. Nếu có ca nhiễm ở lớp nào đó thì khử khuẩn tại lớp đó và các bạn nghỉ theo yêu cầu chung vì tiếp xúc gần, tại nhà. Các lớp khác học bình thường. Các trường giáo dục các con rất kĩ về 5K, và cả về sự tôn trọng nhau, không phân biệt đối xử vì Covid-19 cũng chỉ là một loại virus cúm mà thôi.

Đó là cách nghĩ và đối ứng chung trong môi trường học đường. Tất nhiên tùy theo từng cấp học sẽ có những điều chỉnh phù hợp với sự phát triển ở trẻ, và "bị đâu làm sạch đó" với tinh thần rất bình tĩnh, để trẻ đến trường được càng nhanh càng tốt.

Tài liệu học và sự chung tay của xã hội cũng rất tốt. Với các gia đình khi học online hoặc trẻ phải nghỉ học không đến trường, trường vẫn mở các lớp trông trẻ và phụ huynh có thể đăng ký nếu trong hoàn cảnh phải đi làm không thể trông con. Dưới 10 tuổi trẻ em ở Nhật thường không được ở một mình. Các công ty phát hành sách và có bản quyền sách trẻ em mở miễn phí một số  kênh giáo dục chất lượng, cho tải miễn phí sách tranh, truyện hoặc tạp chí cho trẻ. Đài NHK cũng tăng cường chia sẻ nội dung trong kênh "NHK for School" để trẻ em nào cũng xem được các video nhân văn, chất lượng.

Cần nhận thức về phát triển và sức khỏe tinh thần của trẻ

Do học online đến gần hết kỳ học nên học sinh các bậc THCS, THPT ở Hà Nội cũng thừa nhận có tâm lý ngại đến trường, thích học trực tuyến hơn đến lớp. Theo chị, tâm lý này của trẻ có thể dễ hiểu không khi các em học ở nhà quá lâu?

- Trong thời gian đầu có thể có tình trạng này do tiện lợi hơn ít phải di chuyển, và ở nhà online tiện chơi, tương tác. Thi trực tuyến khi quen cũng rất tiện. Tuy nhiên về hậu quả lâu dài nói chung với các kỹ năng giao tiếp và các hoạt động thể chất khác rất cần cho học sinh, các trường nên đánh giá cẩn thận.

CEO Việt tại Nhật Bản: “Nên cho trẻ sớm đi học lại và hành động có căn cứ khoa học”  - Ảnh 2.

Học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) háo hức ngày quay trở lại trường hồi tháng 12/2021. Ảnh: Gia Khiêm

Chúng ta nên khảo sát là có bao nhiêu % trẻ thật sự muốn học online? Nếu được, nên để lựa chọn mở cho ai thực sự không muốn đến lớp có thể học từ xa trong một khoảng thời gian, để tránh thay đổi đột ngột với các em khó thích nghi. Nhưng theo kinh nghiệm và khảo sát từ Nhật, các học sinh càng lớn càng có xu hướng ít vận động cơ thể hơn các em học sinh nhỏ tuổi.

Mới đây, một hiệu trưởng ở Hà Nội vì quá xót ruột cho nên đã thốt lên rằng "Học sinh trốn dịch đến bao giờ?". Thầy giáo này chỉ ra, thay vì sợ dịch, trốn dịch, trong trạng thái bình thường mới, các trường ở Việt Nam nên bình tĩnh có những giải pháp để xử lý tình huống phát hiện ca mắc Covid-19 chốn học đường. Chị có đồng tình với quan điểm của hiệu trưởng?

- Tôi đồng ý với các phát biểu trên của thầy giáo, nhưng như đã phân tích phía trên, chúng ta cần thật sự nhận thức vấn đề về phát triển và sức khỏe tinh thần của trẻ em các độ tuổi của Việt Nam sâu hơn để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Không thể áp dụng cách của cấp 1 cho cấp 2, cấp 3 vì độ phát triển và ý thức nhận biết khách quan khác nhau. Có một thực tế là các gia đình sẽ khó khăn hơn nếu phải trông trẻ và cho trẻ em cấp thấp học tại nhà. Bản thân người lớn chúng ta chưa tin tưởng vào mức độ tuân thủ 5K của các con chăng? Theo tôi nhìn nhận, Nhật Bản đã làm được cho các con hiểu và lý giải nguy cơ cũng như giải pháp để chung sống với Covid-19, người lớn không quá sợ hãi để mà nhồi vào đầu trẻ em những lo lắng không cần thiết. Chúng ta còn rất nhiều những nguy cơ khác của xã hội, việc lo lắng không cần thiết hoặc quá mức đôi khi mang lại hệ lụy lớn hơn, đặc biệt với sức khỏe tinh thần của trẻ.

Hiệu trưởng trên cũng cho biết, phụ huynh hiện nay ở Việt Nam còn lo ngại cho con đến trường, sợ con phải đi cách ly, hoặc bỗng dưng bị "dính" bệnh. Chị có lời khuyên hay chia sẻ gì với các bậc phụ huynh ở Việt Nam? Theo chị, việc ngại cho con đến trường có phải đang kéo thụt lùi sự phát triển của trẻ?

- Vấn đề này là thực tế. Chuyện trẻ em đi cách ly một mình hoặc cách ly nguyên 1 lớp, 1 trường nếu có vài trường hợp dính dương tính dẫn đến các lo lắng trên. Điều này cần sự thay đổi cả vể chính sách "sống chung với Covid-19" và thái độ của chúng ta. Như tôi có đề cập ở trên, chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ 5K và bình tĩnh làm sao có thể cố gắng sinh hoạt nhịp điệu bình thường nhất mới có thể mang lại sự yên lòng cho trẻ và cả gia đình. Rõ ràng, nếu có sự kỳ thị hoặc gây phiền hà quá mức tới những người liên quan. Nếu tôi hoặc con tôi bị nhiễm bệnh thì tôi cũng sẽ cân nhắc chuyện cho con ở nhà hay đi học. Nhưng nếu có không khí thông cảm, yêu thương động viên nhau và coi chuyện mắc Covid-19 chỉ là không may thì chuyện cần cho trẻ em quay lại trường là cấp thiết!

Hậu quả của trầm cảm, các tác động tâm lý, sức khỏe tinh thần và học lực giảm sút của cả một lớp thanh thiếu niên có thể sẽ lớn hơn rất nhiều chuyện một vài trường hợp trẻ em mắc Covid-19. Chúng ta nên dựa trên khoa học (về số các ca chuyển nặng ở trẻ) và khảo sát nguy cơ để hành động hợp lý hơn là cảm tính, vì nó liên quan đến hàng triệu gia đình.

Xin cảm ơn chị vì cuộc trao đổi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem