Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2011, trong bối cảnh khó khăn Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 và khẳng định năm 2012, Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, đồng thời sẽ quyết liệt triển khai tái cơ cấu nền kinh tế với 3 lĩnh vực cải cách trụ cột là đầu tư công, tài chính ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2011, theo Thủ tướng, Việt Nam đã giảm được lạm phát liên tục trong 6 tháng, dự báo năm 2011 lạm phát ở mức 18%. Theo kết quả này, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9%. Lãi suất tín dụng của ngân hàng cũng đã có xu hướng giảm cùng với lạm phát, tỉ giá cơ bản ổn định. Việt Nam tiếp tục đi theo xu hướng này để ổn định kinh tế, đồng tiền. Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam sau 3 năm thâm hụt năm nay đã bội thu, dự trữ ngoại tệ đã tăng so với năm 2010.
Năm 2011, Việt Nam đã đảm bảo được cân đối thu chi ngân sách, nợ công an toàn, bội chi giảm còn 4,9% so với kế hoạch là 5,3%; năm 2012, Việt Nam giảm tiếp bội chi ngân sách dưới 4,8%, GDP năm 2012 giữ ở mức 6% như năm 2011 để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Các cân đối khác của nền kinh tế như năng lượng, lương thực, thực phẩm được đảm bảo; sản xuất kinh doanh được duy trì.
Tại hội nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã thông báo tới các nhà tài trợ kế hoạch cải cách ngân hàng của Việt Nam. Theo đó, mục tiêu của Việt Nam 5 năm tới là có từ 1-2 ngân hàng cạnh tranh khu vực và thế giới và có từ 10-15 ngân hàng trụ cột tại Việt Nam. Đến 2015 Việt Nam sẽ tiến tới tái cấu trúc tất cả các ngân hàng. Chúng tôi khẳng định việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ không gây đổ vỡ, rối loạn và hạn chế thấp nhất chi phí" - ông Bình nói.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cũng cho biết, năm tới Việt Nam tiếp tục phấn đấu giảm 2% hộ nghèo, giải quyết 1,6 triệu việc làm và duy trì tỉ lệ thất nghiệp thành thị là 4%; y tế giáo dục tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn là nước nghèo, thu nhập đầu người mới ở mức trung bình thấp; do vậy bên cạnh phát huy nội lực Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Tại hội nghị này, các đối tác phát triển cũng đã rất chia sẻ với Việt Nam và ủng hộ cải cách kinh tế của Việt Nam. Đại diện ADB nói: "Chúng tôi mong mỏi kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ sớm ổn định nhờ cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực" - đại diện ADB nói. Đại sứ Nhật Bản cho biết, "tài khóa 2012, Nhật Bản sẽ tiếp tục là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam, với mức ODA cam kết có thể lên tới trên 1,9 tỉ USD với hy vọng giúp Việt Nam sớm quay lại con đường phát triển bền vững".
Có thể nói, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn được các nhà tài trợ đánh giá là đối tác sử dụng hỗ trợ phát triển hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các đối tác phát triển cũng lưu ý một số vấn đề. Ông Sanray Kalra - đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, lạm phát của Việt Nam tuy giảm nhưng vẫn còn cao nhất khu vực. Việt Nam cần có chính sách mạnh hơn để giảm lạm phát. Chính sách tài chính, tài khóa phải tốt hơn để giảm chi tiêu, duy trì tỉ giá hối đoái như hiện nay và ổn định tài khóa phải là công cụ dài hạn.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.