Cha mẹ chết sớm, chị 22 tuổi nuôi 6 đứa em thơ

Hữu Anh (Dòng đời) Thứ ba, ngày 28/10/2014 10:10 AM (GMT+7)
Đều đặn hằng ngày, cứ mờ sáng Nhâm đã dậy thổi lửa nấu cơm cho 4 đứa em lót dạ tới trường rồi quần quật ra đồng làm việc, chiều lại vội vàng về nhà để đi đón các em. Sau bữa cơm tối tranh thủ khi các em học bài Nhâm lại đội đèn pin và xách xô ra đồng mò giam. Kết thúc một ngày làm việc của Nhâm không dưới 10 giờ đêm.
Bình luận 0

Đó là hoàn cảnh của em Trần Thị Nhâm ở xóm Kim Sơn xã Gia Hanh huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) - một năm sau ngày mãn tang mẹ, bố cũng ra đi  vì cơn đột quỵ để lại 7 người con và giờ đây gánh vác cuộc sống gia đình trên vai người chị cả 22 tuổi.

Cuộc sống của 7 chị em mồ côi cháu Trần Thị Nhâm hết sức khó khăn, các cháu bị bệnh không được lanh lợi khôn ngoan như người khác, việc gia đình một mình chị cả gánh vác. Đối với chính quyền địa phương cũng chỉ giúp đỡ được phần nào đó như miền thuế, các khoản đóng góp và hỗ trợ để các cháu nhỏ không phải bỏ học. Tương lai phía trước của các cháu rất gian nan thử thách” - Ông Trần Văn Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hanh 

Chưa đầy 3 năm mất cả bố mẹ và ông nội

Vợ chồng anh Trần Văn Thuân (SN 1972) và chị Phan Thị Lý (SN 1974) sinh được 7 đứa con. Hai bên nội ngoại đều nghèo khó vì vậy khi lấy nhau hai vợ chồng ở chung với ông bà nội. Cuộc sống gia đình khó khăn, sức khỏe 2 vợ chồng vốn bệnh tật thường xuyên lại đông con nên nghèo đói cứ đeo bám dai dẳng. Nhưng sóng gió và bi kịch thật sự xẩy ra với gia đình khi phát hiện chị Lý bị ung thư tụy vào năm 2011.

Vốn đã khó khăn, nay lại phải lo tiền cho vợ ra Hà Nội khám bệnh, gia đình anh Thuân như rơi vào vực sâu của sự khốn cùng. Bòn mót trong nhà không có gì đáng giá anh Thuân đã phải cắt một nửa mảnh vườn, nơi tá túc gần 10 người trong gia đình bán được 80 triệu đồng lấy tiền chữa bệnh cho vợ. Nhưng số tiền đó chỉ đủ cho 4 tháng lo thuốc thang. Hết tiền anh lại dắt vợ về bệnh viện Hà Tĩnh điều trị. Lúc này tài sản còn lại là con bò kéo cày nuôi sống gia đình cũng phải cắn răng đưa ra chợ bán. 

img Trong ba năm 7 đứa trẻ đã mất cả bố, mẹ và ông nội.

Nhưng sự khốn cùng của gia đình anh Thuân chưa dừng lại tại đó, ít tháng sau ngày vợ đổ bệnh bố anh cũng là ông nội của 7 đứa trẻ qua đời sau một thời gian dài nằm bệnh. Đang chịu tang bố thì vào năm 2012, vợ anh cũng ra đi sau hơn 1 năm chạy chữa.

Từ ngày vợ mất, tinh thần anh Thuận suy sụp, gầy yếu, một mình anh Thuân phải còng lưng nuôi 7 đứa con thơ và chắt bóp để trả khoản nợ trước đây lo chữa bệnh cho vợ. Thấy bố vất vả ngược xuôi lại bị bệnh cao huyết áp đứa con đầu Trần Thị Nhâm bàn với bố vào miền Nam làm thuê kiếm tiền cho bố để chữa bệnh và nuôi các em.

Trò chuyện với chúng tôi Nhâm cho biết: “Bố Thuân quá yếu, bệnh tật thường xuyên nên làm thuê được 1 năm em phải về quê cùng bố làm ruộng gánh vác việc gia đình. nào ngờ vào cuối tháng 8.2014 trong lần đi làm đồng về bố Thuân bệnh cao huyết áp gục giữa đường. Người dân phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng bố đã không qua khỏi. Tai ương liên tục ập xuống gia đình em, ông nội mất chưa mãn tang thì mẹ qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, hai năm sau người bố trụ cột cả gia đình em cũng ra đi bỏ lại 7 đứa con nheo nhóc đang ở tuổi ăn tuổi học bỗng chốc bơ vơ.”

Hoàn cảnh 7 đứa trẻ mồ côi cha mẹ hết sức thương tâm, rất mong các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dòng Đời cưu mang, chia sẻ bớt khó khăn. Mọi sự giúp đỡ xin vui lòng gửi về địa chỉ: Em Trần Thị Nhâm ở xóm Kim Sơn xã Gia Hanh huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay, 13 Thụy Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Tây Hồ, Hà Nội. Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ bà Lê Minh - Trưởng ban Bạn đọc, ĐT: 0913419363.

Gánh nặng cuộc đời

Từ ngày bố mẹ mất, Nhâm trở thành trụ cột của gia đình lo lắng cho 6 đứa em thơ. Hàng ngày phải thức khuya dậy sớm đôi mắt Nhâm thâm quầng hai bàn tay chai sạn vì phải bươn chải lo cho các em. Nhâm kể: “Nhà chỉ có 3 sào ruộng đất cằn không đủ gạo ăn, hàng ngày ngoài công việc đồng áng, tối về em phải xách xô ra đồng mò giam, mỗi đêm đi bắt khoảng 3 tiềng đồng hồ đến 10 giờ đêm về nhà cũng được vài cân giam (cua đồng) bán được 30-40 ngàn đồng thêm tiền đong gạo và mua con cá con mắm”. 

Anh Phạm Hùng Trường (anh họ của 7 đứa trẻ) cho biết: “Trong 7 anh em, ít tuổi nhất là cháu Trần Thùy Dung mới 4 tuổi đã sớm phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều đêm cháu khóc đòi mẹ chỉ một mình chị cả bồng ru cháu mới nín khóc, người thân và họ hàng láng xóm nhìn cảnh chị “làm mẹ” đàn em thơ không ai cầm nổi nước mắt”. 

Đã vậy, đứa em thứ 3 Trần Văn Hổ (17 tuổi) lại bị thiểu năng trí tuệ. Nhiều hôm thấy chị làm việc quần quật, Hổ cũng theo trai làng trong xóm đi làm phụ hồ, đóng gạch thuê. Nhưng nói là đi làm hỗ trợ chị nhưng không được ngày nào tròn buổi, đang làm dở chừng đổ bệnh Hổ lại đi lang thang, nhiều hôm phải nhờ làng xóm đi tìm đưa về nhà, gánh nặng lại đè nặng lên vai người chị cả. Từ ngày mẹ đổ bệnh 3 chị em đầu phải nghỉ học sớm. Sau ngày mẹ mất không lâu, 4 đứa em sau là Trần Quang Linh (15 tuổi), Trần Thúy Nga (13 tuổi), Trần Hương Tràm (10 tuổi) và Trần Thùy Dung (3 tuổi) cũng phải bỏ học. Nhìn những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học nhưng không được đến trường, bà con chòm xóm ai cũng thương cảm, ái ngại cho tương lai của các cháu. Mới đây chính quyền huyện và xã đến động viên hỗ trợ 4 cháu trở lại trường học. 

Trò chuyện với chúng tôi em Trần Thị Nhâm nói: “Năm học này 4 đứa em đã quay lại trường học, giờ các em còn nhỏ và được sự giúp đỡ của anh em họ hàng còn đỡ, chứ tới đây cũng chưa biết tính sao. Thật sự hàng ngày lo cho các em bữn ăn khỏi đói cũng quá nặng với em lắm rồi”. Nhâm còn cho biết, ở quê 22 tuổi không đi học nữa là bắt đầu lo lập gia đình, nhưng hoàn cảnh của em giờ chuyện đó chưa giám nghỉ khi các em còn bơ vơ bất vất. Nhâm vừa kể hai hàng nước mắt chảy dài trên má khiến chúng tôi không cầm nỗi lòng mình. Càng quặn thắt hơn khi trước mặt chúng tôi là ngôi nhà cũ kĩ, gạch vữa đã bong tróc lấm lem, khói hương nghi ngút, 7 đứa trẻ mồ côi với đôi mắt thơ ngây chưa đủ sức để tự bảo vệ mình đang nương tựa vào nhau sống lay lắt. 
Danh sách các nhà hảo tâm ủng hộ nhân vật trong bài báo “Nỗi đau tột cùng của gia đình có 7 người con điên”

Anh Nguyễn Xuân Nam, Chi nhánh Ngân hàng Techcombank Kim Mã (Hà Nội): 200.000 đồng; chị Nguyễn Thị Hoa, Viện Di Truyền (Viện Hàn Lâm Việt Nam): 200.000 đồng; cháu Nguyễn Trịnh Bảo Hân, lớp 6 Trường Phổ thông Diên Hồng: 100.000 đồng; anh Tống Văn Thơm, Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình: 200.000 đồng; các háu Phạm Tống Tiến Minh, lớp 1H, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi: 100.000 đồng; Phạm Tống Quang Minh, Lớp 1H, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi: 100.000 đồng; Đinh Ngọc Bảo Anh, Trường mẫu giáo Vietkids, Hà Nội: 100.000 đồng; anh Hoàng Hải, tổ 18, phường  Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội: 500.000 đồng…

Dòng Đời xin trân trọng cảm ơn các nhà hảo tâm đã chia sẻ khó khăn với gia đình bà Võ Thị Lòng, thôn Thiên Hạ, xã Vĩnh Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), nhân vật trong mục “Nhịp cầu nhân ái” trên Dòng Đời số 13. Dòng Đời sẽ chuyển số tiền trên đến tay bà Lòng và mong tiếp tục nhận sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem