Cha mẹ có lựa chọn nào ngoài cho con tham gia các trại hè kỹ năng?
Không muốn cho con tham gia các trại hè kỹ năng, cha mẹ có lựa chọn nào khác?
Châu Mỹ
Thứ hai, ngày 06/06/2022 10:40 AM (GMT+7)
Mới đầu hè, các phụ huynh đã nhận mail, nhận tờ rơi, nhận cuộc gọi... quảng cáo các chương trình trại hè "rèn luyện kỹ năng sống" cho trẻ từ khắp các trung tâm, tổ chức. Thực tế, trại hè có hiệu quả như quảng cáo? Cha mẹ có lựa chọn nào ngoài cho con tham gia trại hè?
Ngay từ giữa tháng 5, mỗi ngày tới trường đưa đón con, chị Hồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận được cả chục tờ rơi chào mời phụ huynh đăng ký cho con tham gia các trại hè với chi phí từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.
Góc nhìn khác về trại hè kỹ năng
Vợ chồng chị Hồng đều làm IT cho một sàn thương mại điện tử nên công việc vô cùng bận rộn, không có thời gian chơi cùng con. Ở quê ông bà nội vừa mất, không có ai tin tưởng để gửi con, vợ chồng chị quyết định gọi điện tới vài trung tâm có trong tờ quảng cáo để được tư vấn. Tiếp theo, chị vào nhóm chung cư mình đang sống xin ý kiến, rồi vào hàng loạt các diễn đàn làm cha mẹ để tham khảo. Kết quả chị nhận được, hầu hết là những phản hồi không mấy tích cực từ các phụ huynh.
"Tôi gọi tới trung tâm và nhận ra, khi chẻ nhỏ các chi phí chính cộng phụ phí, thì mức giá 6 -7 triệu cho một tuần diễn ra trại hè là khá bất hợp lý, dù điều kiện kinh tế hai vợ chồng lo được. Hơn nữa, nhiều phụ huynh trên diễn đàn cho rằng, có điều kiện thì cho con tham gia cho vui chứ đừng kỳ vọng gì về việc con mình sẽ có thêm kỹ năng này, kỹ năng kia", chị Hồng chia sẻ.
Chị Hồng cho biết thêm, tìm hiểu trên mạng, chị cũng thấy bé Tít - con của MC Thảo Vân từng từ chối tham gia một trại hè tiếng Anh sau một khóa du học ngắn diễn ra tận Singapore. Cậu bé tuyên bố "Sau một tháng du học hè, tiếng Anh của con cũng không khá hơn bao nhiêu".
Suy đi tính lại, cộng với tham khảo ý kiến con, vợ chồng chị quyết định tìm giải pháp khác thay vì cho con tham gia các trại hè kỹ năng.
"Trại hè thiếu nhi thực chất là một hình thức "tống các ông con, bà con" đi học thêm kỹ năng toàn thời gian, để các "ông bố bà mẹ" có thời gian đi làm. Tuy nhiên, đó chỉ nên là giải pháp với những gia đình không thể "tống" con về quê, vì theo đuổi trại hè của các trung tâm rèn luyện kỹ năng, vừa tốn kém, vừa không biết hiệu quả ra sao. Trong khi quê nhà với những trải nghiệm tuổi thơ đáng nhớ - chính là trại hè tốt nhất rèn luyện kỹ năng cho trẻ", anh Hiển - một phụ huynh trong nhóm phụ huynh lớp 5 của một trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Thạnh, nêu quan điểm .
Sau hai năm cho hai con tham gia "học kỳ quân đội" rồi "trại hè tiếng Anh", "trại hè bứt phá năng lượng"..., anh Hiển thấy vừa tốn tiền, vừa mệt mỏi.
"Muốn cho con học kỳ hè, bố mẹ phải chuẩn bị học phí lên tới vài chục triệu cho các khóa huấn luyện dài ngày. Còn các khóa ngắn hạn cũng có giá từ vài tới chục triệu. Cha mẹ vẫn phải đưa đón con hàng ngày như trong năm học. Chương trình đào tạo không áp lực nên nhiều bé chỉ tới điểm danh cho vừa lòng cha mẹ chứ không hào hứng tham gia. Các con tôi nói: chúng chỉ muốn sau một năm học hành vất vả, có được một tháng xả hơi, được "lười biếng" như coi phim, ngủ nướng, ăn những món yêu thích...", anh Hiển chia sẻ.
"Cần xác định rằng các khóa học này chỉ đạt hiệu quả 50%, còn lại là sự giáo dục của phụ huynh ở nhà. Đừng phó mặc trẻ cho các trung tâm mà nên chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho con hàng ngày"
Bà Lan Anh - Viện trường Viện phát triển Giáo dục trí tuệ Việt
Anh Lê Huy (quận 5, TP.HCM) từng cho con tham gia một "trại hè công nghệ" với kỳ vọng con sẽ yêu thích lắp ghép lego, robot. "Cả nhà căng thẳng theo con. Sáng ra, vợ chồng hò hét nhau dậy, ép con ăn sáng, "áp tải" tới trung tâm... Nhưng chỉ sau vài ngày, tôi phải cho con nghỉ vì cháu nói chỉ mê bóng đá, chạy nhảy chứ không chịu ngồi yên một chỗ hàng giờ để lắp ghép những chi tiết", anh Huy nhớ lại.
"Sau ba tuần dự một khoá hè, con tôi phản ứng bằng cách vẫn tới trại hè nhưng bất hợp tác với thầy cô và chọc phá các bạn. Tôi tiếc cả chục triệu đã đóng hết ba tháng hè nên càng ép con học. Chỉ tới khi thấy cháu phản kháng dữ dội, và được sự tham vấn từ bác sĩ tâm lý, tôi mới tỉnh ra và cho cháu ngưng học", chị Nhật Thu (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết.
Theo bà Lan Anh - Viện trường Viện phát triển Giáo dục trí tuệ Việt, việc tìm các khóa dạy kỹ năng sống cho trẻ là cần thiết trong khi trường học chính quy chưa đáp ứng được nhu cầu này. Tuy nhiên, trước khi cho con tham gia những khóa học này, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ thông tin cũng như nguyện vọng của con.
Không muốn cho con tham gia trại hè, bố mẹ có những lựa chọn nào?
Ngoài việc cho con về quê trải nghiệm mùa hè nông thôn cùng ông bà, cô chú và các bạn đồng trang lứa, hiện trẻ con thành phố có nhiều lựa chọn để có một mùa hè bổ ích.
Các chùa lớn trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận hiện đều có những khóa tu kéo dài từ một tuần tới một tháng cho các bé từ 7 - 16 tuổi. Chương trình tu học ngoài bồi dưỡng cho trẻ những kiến thức dễ hiểu về Phật học, còn khéo léo giáo dục chúng về lòng biết ơn hay sự buông xả.
Ngoài giờ tu tập, các bé cũng được tham gia mọi hoạt động vận động ngoài trời như đốt đèn hoa đăng, phóng sinh, các trò chơi dân gian, các cuộc thi văn nghệ, biểu diễn... Hiện các khóa tu có rất nhiều sinh viên và các bạn trẻ văn phòng tham gia làm tình nguyện viên, sẽ quản lý giờ giấc sinh hoạt, nề nếp cũng như tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ.
Kinh phí dành cho khóa tu đều từ quỹ của nhà chùa và đóng góp từ các mạnh thường quân. Mỗi khóa tu, những chùa lớn đều có thể có sức chứa cho chừng 600 cháu, ăn, ngủ, sinh hoạt tại chỗ. Cha mẹ không cần phải tốn bất kỳ kinh phí nào cho con.
"Sở dĩ chúng tôi nỗ lực tổ chức các khóa tu mùa hè, một phần để các cháu có sân chơi, phần khác muốn các con từ nhỏ đã có những hiểu biết đúng đắn kiến thức Phật học, vì hiện không phải Phật tử nào cũng tu đúng và hiểu đúng về Phật", ni cô một ngôi chùa lớn tại quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh ở TP.HCM cũng có thể chọn cho con tham gia các "Học kỳ hè quân đội" do các đơn vị Đoàn - Hội tổ chức. Đây là những chương trình phối hợp với một số đơn vị quân đội, có thời gian vừa phải, học phí cũng không quá cao và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Trẻ có thể vừa trau dồi được kiến thức kỹ năng xã hội, phá bỏ tính nhút nhát, xây dựng sự tự tin, nề nếp và trách nhiệm với bản thân, gia đình...
Ngoài ra, phụ huynh còn có những lựa chọn khác là cho con tham gia các khóa học cấp chứng chỉ về vẽ truyện tranh hoạt họa trên giấy và trên máy tại các Học viện hoạt họa. Những khóa học này thường kéo dài 3 tháng với học phí lên tới vài triệu. Học sinh có hai hình thức, học online và học trực tiếp. Giảng viên sẽ dạy những kiến thức cơ bản về cách xây dựng câu chuyện, mạch kịch bản, cách tạo hình nhân vật và chuyển động của nhân vật... Với nhiều trẻ tuổi mới lớn, đây thực sự là nơi để các con thể hiện đam mê với truyện tranh và hoạt họa.
"Con rất mong đợi tới khóa học hè năm nay vì sau khi tham gia khóa đầu, con mới biết mình thích vẽ thôi chưa đủ, phải vẽ đúng tỷ lệ trước đã", Lam Linh (8 tuổi), học viên của Học viện truyện tranh CMAV cho biết.
Hè năm ngoái, chị Ngô Thái (ngụ quận 2) chi hàng triệu đồng cho con trai mua nguyên liệu và tham gia một khóa học làm bánh để chiều theo sở thích của con.
"Sau một mùa hè, nhiều hôm cả nhà phải "ăn bánh trừ cơm", chưa kể, dọn bếp mệt nghỉ, vì cháu làm bánh, cả nhà è cổ ra dọn phụ. Nhưng sau ba tháng hè, tôi mừng vì làm bánh khiến cháu rèn luyện được tính cẩn thận, kiên nhẫn, sạch sẽ... điều mà trước đây cháu không hề có. Có tay nghề, có chứng chỉ, nên giờ cháu có thêm thu nhập từ việc tranh thủ làm bánh bán trên mạng hay bán cho các bạn cùng lớp", chị Thái vui vẻ cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.