Chăm 400 con lợn rừng, lợn mán, mệt bở hơi tai mà có tiền cục

Thứ năm, ngày 07/12/2017 19:30 PM (GMT+7)
Chị Hoàng Thị Thảo, thôn 9, xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chia sẻ, việc chăm sóc đàn lợn rừng, lợn mán 400 con khiến chị nhiều lúc mệt bở hơi tai, nhưng mà thu nhập lại có tiền cục...
Bình luận 0

Ban đầu, gia đình chị Hoàng Thị Thảo, thôn 9 chỉ có số vốn ít ỏi để chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, chăn thả cá nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đến năm 2015, được sự động viên của chính quyền xã, gia đình chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi 400 con lợn lai lợn rừng, lợn đen (lợn mán) thương phẩm.

img

Chị Hoàng Thị Thảo, xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đang cho đàn lợn rừng, lợn mán ăn thân cây chuối. 

Đến nay, trang trại của gia đình chị Hoàng Thị Thảo rộng trên 1 ha, vừa nuôi lợn rừng, lợn mán kết hợp nuôi gà thả vườn và 3 ao cá 1.000 m². Trong vườn, bờ ao chị Thảo còn trồng trên 100 gốc bưởi Diễn...Dự tính năm nay, trừ chi phí, gia đình chị Hoàng Thị Thảo thu được trên 400 triệu đồng tiền lãi từ chăn nuôi và cây ăn quả. "Nguồn thu nhập chủ yếu đến từ đàn lợn rừng, lợn mán 400 con. Chăm đàn lợn này nhiều khi tôi mệt bở hơi tai. Chỉ riêng việc chặt chuối, thái chuối đủ cho chúng ăn cũng mất khối thời gian...", chị Thảo thổ lộ. 

Chị Hoàng Thị Thảo cho biết thêm: Có được trang trại như hôm nay là nhờ tích lũy được kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi qua các buổi tập huấn của xã tổ chức. Cán bộ khuyến nông xã thường xuyên đến trao đổi kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh giúp chị có thêm kiến thức đầu tư làm ăn hiệu quả.

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và nguồn lao động, những năm gần đây, Đảng ủy, UBND xã Tân Long (Yên Sơn) đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tại xã đã xuất hiện nhiều triệu phú từ làm kinh tế trang trại.

Ông Bùi Duy Lưu, thôn 16 có 4 ha tre mai lấy măng, 3 ha đất đồi trồng chuối, mỗi năm thu từ măng và chuối trên 300 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, gia đình còn có 10 ha rừng sẽ cho thu hoạch vào cuối năm 2017, thu khoảng gần 1 tỷ đồng. Ông Lưu cho biết: Làm kinh tế trang trại cần nhất là tư duy dám nghĩ, dám làm, nếu không thì khó làm được.

Hiện tại, xã Tân Long có 6 trang trại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài những trang trại tổng hợp, xã còn nhiều trang trại chuyên canh cây ăn quả, trồng rừng như: Trang trại trồng cây ăn quả, trồng rừng của anh Lý Đức Thắng với 2 ha bưởi Diễn, 5 ha rừng tại thôn 7; trang trại trồng rừng hơn 30 ha sắp được khai thác của anh Vũ Mạnh Hùng, thôn 16... Các trang trại chuyên canh có doanh thu mỗi năm từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Minh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long khẳng định, xã có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trang trại nhưng hiện nay vẫn chưa khai thác hiệu quả, số lượng trang trại còn ít. Khó khăn nhất với nhiều hộ dân có dự định làm trang trại trên địa bàn xã là tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Thời gian tới, UBND xã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại phù hợp với điều kiện mỗi gia đình.

Phạm Duy (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem