Tuy nhiên vấn đề Biển Đông lại trở thành trọng tâm của hội nghị lần này khi Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và hung hăng tấn công lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ.
Chủ đề “Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng” của hội nghị lần này rất ngẫu nhiên trở nên phù hợp với tình hình hiện nay trên Biển Đông, là đòi hỏi các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết để có các biện pháp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, cũng như phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Tại các cuộc họp, các lãnh đạo ASEAN đều bày tỏ quan ngại sâu sắc với diễn biến này và cho rằng đây là hành động nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.
(Ảnh: VTV)
Vì vậy, tiếp theo việc các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông hiện nay vào hôm qua, ngày 11.5, 10 nhà lãnh đạo cũng phản ánh mối quan tâm này trong Tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Tuyên bố Nay Pyi Taw khẳng định: “Các lãnh đạo ASEAN đồng ý đẩy mạnh hợp tác để tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.
Các lãnh đạo “đặc biệt kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế và không dùng vũ lực, đồng thời chấm dứt các hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình và sớm tiến tới một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) như phản ánh trong Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN”- tuyên bố viết.
Thúy Đăng (tổng hợp) (Thúy Đăng (tổng hợp))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.