Chăm sóc lúa đông xuân ĐBSCL

Thứ ba, ngày 17/01/2012 08:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để đảm bảo năng suất và hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân, việc sử dụng loại phân bón và cách bón phân vô cùng quan trọng.
Bình luận 0

Dù áp dụng loại phân đơn hay phân hỗn hợp (N-P hoặc N-P-K), bà con nên tính toán bón 3 đến 4 lần và đảm bảo lượng nguyên chất đạm (N), lân (P2O5), kali (K2O) không vượt quá mức khuyến cáo của IRRI cho vùng ĐBSCL như sau:

- Vụ ĐX: (75-100kg/ha) N + (30-50kg/ha) P2O5 + (30-50kg/ha) K2O;

- Vụ hè thu: (60-85kg/ha) N + (24-40kg/ha) P2O5 + (30kg/ha) K2O.

Đối với mức tối đa có thể giảm căn cứ vào phát triển của cây lúa, dựa vào bảng so màu lá lúa và sự quản lý nước cũng như lũ lụt bồi đắp phù sa hàng năm. Vì vậy, việc áp dụng bảng so màu lá lúa rất quan trọng để hạn chế thừa phân đạm làm cho lúa dễ nhiễm sâu bệnh và tốn nhiều tiền mua phân bón.

Ở vụ lúa ĐX rất dễ xảy ra dịch rầy nâu và bệnh đạo ôn, nên bà con phải đặc biệt quan tâm cách phòng, chống. Để phòng dịch rầy nâu, bà con tuyệt đối không phun thuốc trừ sâu trong vòng 40 ngày đầu sau sạ để bảo vệ hệ thiên địch, chỉ phun thuốc khi mật số sâu hại tới ngưỡng phòng trừ quy định. Việc phun thuốc phải tuân thủ 4 “đúng”: Đúng thuốc (chọn thuốc đúng đối tượng sâu hại), đúng liều lượng, đúng lúc (phun khi mật số sâu hại phát triển nhiều hơn mật số thiên địch) và đúng cách (phun trúng vào nơi có sâu rầy sinh sống như rầy ở gốc lúa, sâu ở trên lá hay trên thân).

Khi thật cần thiết, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau đây để phòng trừ rầy nâu: Applaud 10BHN, Actara 25WG, Bassa 50ND, Mipcin 25BHN và Trebon 10ND. Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis và nấm Beauveria, Metarhizium… Tuyệt đối không dùng thuốc cấm và hạn chế sử dụng theo quy định của Bộ NNPTNT, không dùng thuốc có gốc Acetamiprid để phòng trừ rầy từ giai đoạn lúa trổ.

Riêng bệnh đạo ôn (còn gọi là bệnh cháy lá do nấm gây ra), bệnh xuất hiện và gây hại ở tất cả các giai đoạn của cây lúa. Bệnh thường tấn công trên lá, đốt thân, cổ lá và cổ gié. Bệnh đặc biệt thích hợp với điều kiện thời tiết khí hậu mát lạnh, có sương mù như trong vụ ĐX hiện nay. Do đó, bà con cần thăm đồng thường xuyên 5 - 7 ngày/lần để phát hiện bệnh kịp thời. Khi thấy có một vài vết bệnh xuất hiện, sử dụng thuốc hóa học Tricyclazole hay Probenazole để phun. Ngoài ra, những kỹ thuật khác như quản lý nước, thu hoạch… bà con áp dụng theo đúng phương pháp canh tác 3 giảm, 3 tăng và 1 phải, 5 giảm trong sản xuất lúa cũng giúp hạn chế được bệnh.

(Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem