Đặc biệt xu hướng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng lớn và đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này ở nước ta.
Nhu cầu tăng cao
Kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi và của nữ giới là 76,3 tuổi. Hiện nay, số người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm 11,9%, người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,9%. Dự báo khoảng 20 năm nữa, người trên 65 tuổi sẽ chiếm 14% dân số.
Việc xây dựng các trung tâm chăm sóc ban ngày tại địa bàn các xã theo hướng xã hội hóa để người cao tuổi ở những vùng khó khăn cũng có điều kiện được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, chi phí hợp lý.
Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua hệ thống y tế lão khoa từ Trung ương đến một số bệnh viện tuyến xã. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn nhiều hạn chế như: Thiếu trang thiết bị, trình độ tay nghề ở tuyến dưới chưa đáp ứng được việc chữa trị những căn bệnh đặc trưng của người cao tuổi.
Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người cao tuổi. Hệ thống chăm sóc dài hạn của nước ta hiện chưa được thiết lập để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…
Ông Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết người cao tuổi ở nước ta đều mắc ít nhất 1-2 bệnh mãn tính, nhưng đa số chưa có thói quen khám bệnh định kỳ nên khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, việc chữa trị vì thế rất khó khăn.
Bên cạnh đó, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Người phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động, làm giảm khả năng cung cấp chăm sóc không chính thức (do người thân như vợ/chồng, con, cháu... thực hiện) cho người cao tuổi. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ những khó khăn, thách thức của giai đoạn "già hoá dân số" để thích ứng tốt với giai đoạn này.
Mặc dù, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội này mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận rất nhỏ. Đồng thời, yếu tố già hóa dân số còn chưa được chú ý, lồng ghép trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo cho người cao tuổi có cuộc sống vật chất đầy đủ và tinh thần phong phú.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Trường, để làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi trong thời gian tới, cần truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi.
Đồng thời, nước ta cần phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng theo các cấp độ khác nhau. Trong đó, các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng thông qua mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên và nhân viên chăm sóc được đào tạo cần được mở rộng địa bàn, đối tượng cung cấp. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tập trung cần được xây dựng thí điểm, từng bước nhân rộng. Mạng lưới chuyên ngành lão khoa cần được củng cố theo nguyên tắc gắn kết dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ.
Các loại hình câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe, văn hóa, giải trí của người cao tuổi ở cộng đồng cần được phát triển rộng khắp theo hướng xã hội hóa, có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước; xây dựng, ban hành bộ tiêu chí xã, phường thân thiện với người cao tuổi...
Ông Nguyễn Xuân Trường cũng cho rằng, Việt Nam cần cải cách hệ thống hưu trí; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác, trong đó phải đặc biệt chú trọng đến nhóm người cao tuổi thuộc các gia đình nghèo và cận nghèo...
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 , trong đó tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; đáp ứng hơn nữa nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi ở nông thôn, vùng khó khăn.
Thực hiện chương trình này, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, đơn vị sẽ phối hợp, đưa các nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở các địa bàn nông thôn, vùng khó khăn để người cao tuổi nhận được tư vấn và thông tin về chăm sóc sức khỏe, từ đó tự chăm sóc, biết cách phòng tránh các biến chứng của bệnh không lây nhiễm…
Các CLB cũng góp phần đào tạo, tập huấn cho các tình nguyện viên về tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, nhất là dành cho người cao tuổi không có khả năng đi lại, khó di chuyển đến nơi khám bệnh tư vấn, hỗ trợ họ chăm sóc sức khỏe, có thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành riêng người cao tuổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.