Tăng cường chăm sóc để người cao tuổi khỏe hơn

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 15/10/2020 10:33 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được đặt ra cấp bách hơn. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2025 - 2030.
Bình luận 0

Hơn 55% người cao tuổi sức khỏe yếu

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2019 cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 12% dân số. Trong đó có 1.918.987 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 17% tổng số NCT); có 4.776.994 NCT nam (chiếm 41,9%); 7.294.100 NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%). Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước.

Tăng cường chăm sóc  để người cao tuổi khỏe hơn  - Ảnh 1.

Chăm sóc sức khỏe cho NCT ở xã Kỳ Tân (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: M.N

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình cho biết, Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 có 4 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy Đảng, gia đình, xã hội với việc chăm sóc NCT; thứ 2, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở địa phương cũng như chăm sóc, điều trị cho NCT phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm; thứ 3, tăng cường khám chữa bệnh NCT; thứ 4, xây dựng môi trường xã hội thân thiện với NCT và phát huy vai trò của NCT trong giai đoạn mới.

Đáng chú ý, số lượng NCT được chăm sóc sức khỏe còn quá ít, mới chỉ có hơn 1,57 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Nhìn chung, NCT Việt Nam vẫn chưa thực sự khỏe mạnh như mong muốn. Báo cáo năm 2006 cho thấy, số NCT tự đánh giá về sức khỏe bản thân là khá tốt chỉ chiếm 5,7%, có 22,9% đánh giá sức khỏe kém. Điều tra về NCT năm 2011 cũng chỉ ra rằng, hơn 55% số NCT đánh giá sức khỏe bản thân là yếu và rất yếu. Khi con người gia đi, các chức năng của cơ thể sẽ suy giảm, chủ yếu là các chức năng cơ bản như nghe, nhìn, vận động hoặc ghi nhớ.

Ông Đàm Hữu Đắc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam cho biết, đa phần NCT gặp các vấn đề về sức khỏe, thế nhưng việc chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế, nhất là NCT ở nông thôn.

Bác sĩ Hoàng Thị Dung - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Tân - xã nghèo thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa, cho biết, trước đây việc chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp nhiều khó khăn. Sức khỏe NCT nhìn chung chưa được quan tâm. Nguyên nhân là do ý thức của người dân trong việc thăm khám sức khỏe còn kém, cộng với việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, y tế còn nhiều khó khăn. Mặt khác, cũng chưa có chương trình chăm sóc sức khỏe tổng thể nào cho NCT được triển khai ở địa phương.

"Từ năm 2018 đến nay, khi xã được hỗ trợ xây mới trạm y tế khang trang, người dân và NCT mới lui tới khám chữa bệnh. Tuy nhiên số người già tới khám chữa bệnh vẫn còn ít, do tâm lý tiếc tiền, ngại khám chữa bệnh vì nghĩ bệnh người già, khám cũng vậy" - bác sĩ Dung cho hay.

Hiện nay, do Kỳ Tân là xã nghèo, nên 100% số người dân trên địa bàn xã được cấp phát thẻ BHYT. "Nếu không có thẻ BHYT chắc tỷ lệ người dân tới cơ sở y tế để khám chữa bệnh còn ít nữa. Lý do là bởi họ ngại, họ sợ tốn kém. Trừ khi bệnh quá nặng phải cấp cứu thì họ mới tới thôi" - bà Dung cho hay Dung thông tin.

Mục tiêu 70% NCT được khám sức khỏe 1 lần/năm

Chủ động chuẩn bị đón nhận xã hội có dân số già

"Theo tôi không chỉ quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NCT mà cần tính toán quan tâm, chăm sóc toàn diện cho NCT từ sức khỏe thể chất tới tinh thần. Tức là cần thực hiện chính sách già hóa dân số chủ động hay nói cách khác là chủ động ứng phó với sự già hóa của dân số. Để làm được điều này, bản thân NCT cũng cần chuẩn bị tốt về tâm lý, kinh tế ngay từ khi còn trẻ. Về phía Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp. Tất cả cần phải được tính toán, chuẩn bị sẵn sàng cho một xã hội có dân số già".

GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội

Chuẩn bị tốt sức khỏe, kinh tế ngay từ lúc trẻ

"Không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, tôi cho rằng từng người dân cần chủ động chuẩn bị cho cuộc sống khi về già. Ngoài việc chuẩn bị kinh tế, mỗi người dân cần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần để đối mặt với tuổi già. Phải xem đây là vốn tài sản thì mới có thể rèn luyện, tích cóp từng ngày. Với những người đang chuẩn bị bước vào độ tuổi là NCT, đặc biệt là NCT ở khu vực nông thôn thì càng phải lưu tâm. Nếu khó khăn chưa có BHXH thì cần phải đóng BHXH tự nguyện để về già có thu nhập, đảm bảo cuộc sống lúc tuổi già".

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

T.A (ghi)

Để chăm sóc tốt hơn cho NCT, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế) cho biết, chương trình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT (người từ đủ 60 tuổi trở lên), bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe NCT vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030.

Số NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% vào năm 2025, đạt 100% vào năm 2030; NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

100% số NCT không có khả năng tự chăm sóc sẽ được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của NCT có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% vào năm 2025, 100% vào năm 2030...

Chương trình triển khai trên toàn quốc; ưu tiên tập trung tại các tỉnh, thành phố và địa bàn có tỷ lệ NCT cao hơn bình quân chung của cả nước; vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Đánh giá cao tính nhân văn của chương trình, nhưng bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) cho rằng, việc thực hiện một số mục tiêu như: Phổ cập BHYT cho NCT; thực hiện xây dựng các cơ sở chăm sóc NCT ở cấp quận, huyện (đạt 20% vào năm 2025) sẽ gặp khó khăn. Một số mục tiêu về khám sức khỏe định kỳ; hình thành các câu lạc bộ NCT tự giúp nhau... có thể thực hiện được.

"Lý do là bởi hiện nay các văn bản, cơ sở chính sách hướng dẫn cũng như chế độ khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng NCT tư nhân còn rất ít. Vì vậy chưa thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa" - bà Ngọc Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem