Di dân kiểu... thần tốc
Những ngày qua, khi chính quyền rầm rập đưa người, xe cộ vào vận động… chạy lũ, hàng trăm người dân ở Đăk Nên vẫn chưa tin nước lũ có thể làm hại họ. Bởi hàng chục năm qua có bao giờ nước lũ bén mảng được tới chân cầu thang nhà. Họ đâu biết rằng, khi Thủy điện Đăk Đrinh tích nước sẽ có hơn 200 nóc nhà với gần 1.000 người của xã Đăk Nên bị nhấn chìm. Chuyện đó người ta đã tính từ cách đây hơn 5 năm.
>>Góp ý về các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất<<
|
Cuối tháng 8, lòng hồ Thủy điện Đăk Đrinh sẽ tích nước nhưng đến nay khu tái định cư vẫn đang xây dựng dang dở.
|
Nhưng mãi đến tháng 2 năm nay, người ta mới bắt đầu thực hiện những động tác đầu tiên cho việc xây dựng chỗ ở mới cho dân. Tháng 7, Kon Tum bước vào trọng điểm mùa mưa lũ. Cuối tháng 8, đập Thủy điện Đăk Đrinh tích nước, trong tháng 9 sẽ phát điện. Thế nhưng khi có cảnh báo của các bộ, ngành, chính quyền Kon Tum mới hốt hoảng ra quân di dời dân…
Họ tính, trong vòng 20 ngày, hơn 600 người sẽ dỡ nhà, di chuyển người và tài sản trên dưới 10km rồi dựng lại xong 217 căn nhà. Chưa nói đến chuyện phải vận động từng người để di dời, thì với khối lượng công việc như trên đã là quá khổng lồ cho ngần ấy người trong chừng đó thời gian. Còn mưa lũ có thể ập đến bất kỳ lúc nào...
Cầu trời đừng mưa
Về việc chậm trễ xây dựng khu tái định cư cho dân xã Đăk Nên, ngày 11.7, ông Đặng Thanh Long - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum nêu nguyên nhân là trong 3 năm liền, tỉnh Kon Tum và chủ đầu tư Thủy điện Đăk Đrinh (4 đơn vị tham gia) không tìm được tiếng nói chung trong công tác đền bù, tái định cư cho người dân. Năm 2011, khi Tập đoàn Dầu khí VN tham gia làm chủ đầu tư dự án thì việc an cư cho dân mới được thống nhất. Song lúc ấy, công tác quy hoạch, đánh giá tác động môi trường vẫn chưa hoàn thành. Thế nên, đến đầu năm 2013 công tác xây nhà tái định cư cho dân mới được triển khai.
Chiều 11.7, ông Nguyễn Thanh Lợi - Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết, sau 4 ngày ra quân đã di dời được 16/217 hộ dân. Nếu với tiến độ như hiện tại, phải mất gần 2 tháng nữa công tác di dời dân mới được hoàn thành.
Cũng theo ông Long, từ năm 2011 tỉnh này đã có báo cáo T.Ư đề nghị chưa cho ngăn dòng Thủy điện Đăk Đrinh khi công tác tái định cư cho người dân trong vùng lòng hồ chưa được hoàn thành. Thế nhưng chẳng hiểu sao tiến độ nhà máy vẫn được thực hiện.
Ông Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cũng cho rằng lỗi trong việc này là do các chủ đầu tư cũ... Sáng 11.7, đại diện UBND huyện và chủ đầu tư đã cam kết sẽ phối hợp đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư; nhanh chóng thông tuyến con đường tránh ngập trong vòng 10 ngày nữa, đồng thời có phương án để hỗ trợ người dân nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Còn người dân Đăk Nên thì đang cầu trời đừng mưa cho đến khi có chỗ ở mới ổn định.
Duy Hậu (Duy Hậu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.