Bà Hà cho biết:
- Luật Thi đua khen thưởng có hiệu lực từ 1.7.2004, trong đó Điều 101 có quy định là ngoài các hình thức khen thưởng của Nhà nước thì các tổ chức cá nhân cũng có thể có các hình thức tôn vinh khen thưởng, biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc. Ai cũng thích được khen, đôi khi chỉ là một lời động viên khích lệ cũng là quý chứ không nhất thiết phải được tặng thưởng huân huy chương. Việc các tổ chức cá nhân có nhiều hình thức tôn vinh, trao giải thưởng này, cúp kia cũng là với mục đích tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích.
Vào những năm 2008, 2009, Ban Thi đua Khen thưởng nhận thấy có tình trạng “thương mại hóa” trong việc trao nhận giải thưởng, cụ thể chúng tôi có nhận được phản ánh từ doanh nghiệp là họ phải nộp tiền thì mới được nhận giải nọ giải kia. Vì thế năm 2009 chúng tôi đã đề nghị các bộ ngành đánh giá về việc tổ chức các lễ trao giải thưởng...
Tổng hợp các báo cáo lại thì đúng là có rất nhiều giải thưởng, khoảng gần 100 giải của tất cả các ngành, địa phương, lĩnh vực... Tất nhiên có rất nhiều giải thưởng mang ý nghĩa tích cực, động viên các cá nhân, đơn vị xuất sắc. Nhưng bên cạnh đó cũng có những giải tổ chức tràn lan, năm nào cũng làm, gây sức ép đối với các doanh nhân, doanh nghiệp.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định (QĐ) 51 về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. QĐ này có mấy ý quan trọng như: Những giải thưởng cấp Nhà nước, quy mô toàn quốc thì phải xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cho phép mới được thực hiện. Thứ hai là các đơn vị không có chức năng nhiệm vụ thì không được tổ chức trao giải. Để tránh sự chồng chéo, trùng lắp, chúng tôi cũng đề nghị các bộ, ngành gom các giải với nhau, đơn vị bộ ngành chỉ nên có từ 2 – 3 giải.
Thứ ba, QĐ cũng quy định thời gian tổ chức mỗi giải cấp toàn quốc là từ 3 – 5 năm/lần chứ không phải năm nào cũng tổ chức.
Và điều quan trọng nhất là trong tất cả các giải thưởng này, không được phép thu tiền, kinh phí của các đơn vị, cá nhân được xét chọn giải. Kinh phí do đơn vị tổ chức phải tự lo. Cuối cùng, QĐ này cũng quy định rõ là những đề án, giải thưởng nào chưa được Thủ tướng phê duyệt thì không được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông.
Và kết quả sau khi có QĐ 51, số lượng các giải thưởng có giảm đi nhiều không, thưa bà?
- Phải khẳng định là sau khi có QĐ 51, việc tổ chức các giải thưởng được hạn chế đáng kể. Cụ thể năm 2010 chỉ có 7 giải (cấp Nhà nước) được tổ chức, năm 2011 có 17 đề án trình lên nhưng chỉ có 13 được đồng ý. Năm 2012 có 7 đề án thì chỉ có 4 được đồng ý. Năm 2013 có 5 giải thưởng thì Thủ tướng chỉ cho phép tổ chức 2 và năm nay, chỉ có duy nhất một giải được phép tổ chức. Các giải thưởng này đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng.
Đây là quy trình rất nghiêm túc, hạn chế việc giải thưởng tràn lan. Tôi cũng thường xem TV ở nhà và đôi lúc phát hiện có những giải lạ là gọi điện ngay cho anh em để xác minh xem giải này có xin phép hay không. Nếu không thì phải tìm ra đơn vị tổ chức và có ý kiến ngay. Tuy nhiên, cũng có tình trạng khi hỏi thì họ nói rằng đó không phải là lễ trao giải mà chỉ là buổi gặp gỡ, tôn vinh nên cũng không phải tuân theo QĐ 51.
Một lý do nữa để các giải thưởng cũng bớt đi là do thực tế khách quan vài năm qua, kinh tế cũng bị ảnh hưởng nhiều nên các doanh nghiệp không còn mặn mà với việc trao giải thưởng nữa.
Đúng là QĐ 51 đã hạn chế được đáng kể tình trạng giải thưởng tràn lan ở quy mô quốc gia. Tuy nhiên, thực tế là vẫn có nhiều đơn vị tổ chức theo kiểu “lách luật”, nhiều giải vẫn cố tình thu tiền của doanh nhân, doanh nghiệp tham gia theo điều tra của Báo NTNN trong loạt bài “Doanh nghiệp khiếp sợ... giải thưởng”, thưa bà?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Trần Thị Hà
Tới giờ QĐ 51 vẫn hiệu quả, nếu làm theo đúng cũng quá tốt rồi. Sau đây tôi sẽ có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu kiểm tra rà soát lại, nhất là với những đơn vị không được phép mà vẫn tổ chức giải thưởng.
- Có thể khẳng định là QĐ 51 được triển khai có hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, thực tình nhiều đơn vị cũng muốn tôn vinh hàng năm, nhưng theo QĐ 51 phải từ 3 – 5 năm mới được tổ chức, họ cho rằng như vậy là hơi lâu nên có thể hàng năm duy trì theo kiểu gặp gỡ, giao lưu, như vậy theo tôi cũng không có gì sai, cũng không phải lách luật. Còn chuyện các đơn vị tổ chức giải có thu tiền hay không thì các đề án khi trình Thủ tướng Chính phủ đều đảm bảo thực hiện theo quy định của QĐ 51. Còn phản ánh cụ thể từ phía các doanh nghiệp rằng bị ép buộc nộp tiền thì chúng tôi không nhận được.
Để tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, Ban đã có các văn bản, công văn gửi về đề nghị các địa phương lựa chọn các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu thì Ban Thi đua Khen thưởng các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu kỹ QĐ 51 để thực hiện cho đúng quy định. Phải tìm hiểu xem giải thưởng đó được Nhà nước cho phép chưa.
Ngoài ra, cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền cho các doanh nhân, doanh nghiệp biết được những giải thưởng gì được Chính phủ cho phép thì mới tham gia một cách tự nguyện chứ không phải ép buộc. Và họ cũng phải biết được khi tham gia sẽ không phải đóng góp gì về vật chất. Họ phải tự nguyện chứ không có ép buộc. Công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Còn qua phản ánh của báo NTNN, tôi sẽ yêu cầu các phòng ban chuyên môn xem xét, kiểm tra và tăng cường tìm hiểu, nắm bắt thêm thông tin từ phía doanh nghiệp, doanh nhân, nếu thực sự có những đơn vị trao giải không đúng quy định thì phải chấn chỉnh kịp thời theo quy định.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.