Chân dung tân Phó Chủ tịch 46 tuổi phụ trách UB Giám sát Tài chính Quốc gia

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 29/08/2019 13:06 PM (GMT+7)
Ông Vũ Nhữ Thăng, tân Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã có 24 năm công tác trong ngành Tài chính. Trong đó, tới 16 năm ông Vũ Như Thăng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Như Thăng thời điểm giữ vị trí Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính

Mới đây, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm ông Vũ Nhữ Thăng giữ chức Phó Chủ tịch, phụ trách ủy ban. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến dự và trao quyết định cho ông Vũ Nhữ Thăng.

Bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBGSTCQG Vũ Nhữ Thăng cho biết, ý thức được những nhiệm vụ, trọng trách được Chính phủ giao là hết sức nặng nề, tập thể cán bộ, lãnh đạo ủy ban sẽ có kế hoạch cụ thể để thực hiện trong thời gian tới.

Đồng thời, ông hứa sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, cùng với tập thể cán bộ, lãnh đạo ủy ban tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, thực hiện tốt công tác phân tích, đánh giá, dự báo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, ông Vũ Nhữ Thăng cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo của Bộ Tài chính đã đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn, tạo cơ hội học tập, trau dồi kinh nghiệm cho ông trong suốt thời gian công tác tại Bộ.

img

Ông Vũ Như Thăng, khi đó là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC (SFOM) diễn ra tại Ninh Bình

Ông Vũ Nhữ Thăng sinh ngày 29/9/1973, là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân, thạc sĩ Luật tại Đại học Tổng hợp Luân Đôn (Anh), tiến sĩ khoa học tại Đại học Nagoya (Nhật Bản).

Nhiệm vụ đầu tiên được Phó Thủ tướng giao cho ông Vũ Như Thăng và các lãnh đạo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia là phối hợp với Bộ Nội vụ kiện toàn cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của UBGSTCQG bằng một nghị định của Chính phủ, thay vì bằng Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiện nay, để từ đó thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phó.

Trước khi được trao quyết định bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch, phụ trách Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Vũ Nhữ Thăng giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính.

Trong 24 năm công tác trong ngành Tài chính, ông có 16 năm đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đơn vị qua các vị trí là Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính.

Trong thời gian công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), ông Vũ Như Thăng từng có nhiều lần tiếp xúc với các cơ quan báo chí, truyền thông tại các hội nghị, hội thảo và cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức.

Trong đó, nhiều thông tin xung quanh vấn đề hội nhập tài chính quốc tế, thu hút vốn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do đã được ông Thăng chia sẻ tới báo chí.

Còn nhớ, trong một hội thảo tổ chức vào tháng 8/2015 với chủ đề “Hoạt động ODA tại Việt Nam – 20 năm nhìn lại”, TS. Vũ Nhữ Thăng, khi đó là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đã khẳng định: Nguồn vốn ODA rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp trong khi nhu cầu phát triển lớn.

Tuy nhiên, hạn chế mang tính tổng hợp nhất trong quản lý và sử dụng ODA là năng lực hấp thụ nguồn vốn ODA chưa đạt yêu cầu. Việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA chưa kịp thời, khiến giải ngân bị chậm. Bên cạnh đó, việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi căn cứ nhiều vào nhu cầu, danh mục các chương trình dự án đề xuất mà chưa đặt trong mối quan hệ với khả năng trả nợ, mối quan hệ giữa hiệu quả chương trình dự án với hiệu quả quản lý nợ công và an toàn nợ công.

TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, định hướng chính sách sử dụng nguồn vốn ODA cần có những thay đổi phù hợp. Đối với ODA vốn vay, cần tập trung nguồn vốn này cho cân đối NSNN để tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội và các dự án thuộc lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của ngân sách nhà nước. Vốn ODA vay kém ưu đãi sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình, dự án tầm cỡ quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ.

Đồng thời, đảm bảo vốn đối ứng trong nước để dự án ODA được giải ngân cao và nhanh nhất, ưu tiên cân đối nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết và thực hiện theo đúng tiến độ. Quá trình xây dựng dự án ODA cần rà soát và xác định nhu cầu vốn đối ứng và khả năng cân đối các nguồn NSNN. Cần thực hiện nguyên tắc phải cân đối được đủ nguồn vốn đối ứng mới ký kết chương trình, dự án với các nhà tài trợ nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem