Chặn đường thực phẩm bẩn đến mâm cơm ngày tết

Hồng Nhân Thứ bảy, ngày 23/01/2021 06:00 AM (GMT+7)
Hàng loạt vụ việc sản xuất, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém thậm chí là thực phẩm giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Làm sao để chặn được luồng thực phẩm khi Tết Nguyên đán đang đến gần?
Bình luận 0

Phát hiện, xử lý liên tiếp vi phạm

Thời gian gần đây, nhiều lô hàng thực phẩm bẩn như thịt gia súc, gia cầm thối, thịt hết hạn, mỡ động vật không đảm bảo vệ sinh, rượu giả... bị lực lượng liên ngành các tỉnh phát hiện, bắt giữ.

Chặn đường thực phẩm  bẩn đến mâm cơm ngày tết - Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm cha chất lượng hàng hoá tại Hà Nội. Ảnh: I.T

Cụ thể, ngày 19/1, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, vừa phát hiện một chiếc xe tải vận chuyển 2 tấn nầm lợn đã bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ. Cục QLTT Lạng Sơn đã phối hợp công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ôtô tải biển kiểm soát 89C 124.86 do ông Nguyễn Như Hiếu (SN 1972, trú tại thôn Cảnh Lâu, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) điều kiển.

"Chúng tôi hy vọng khi cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm. Chỉ như vậy mới đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại".

Ông Nguyễn Đình Khoa

Tại Hà Tĩnh, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng tỉnh này liên tục chặn đứng nhiều vụ sản xuất, vận chuyển thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... tấn công thị trường tết.

Trước đó, ngày 12/1 vừa qua, đội QLTT số 4 kiểm tra cơ sở kinh doanh giò chả do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ ở phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh), có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm tra phát hiện 443kg mỡ lợn đã qua sơ chế, toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ngày 29/12/2020, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng phát hiện tại nhà ông Dương Duy Hồng (thôn Tân Tiến, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) đang có hành vi làm giả trà xanh nhãn hiệu "Trà xanh Tân Cương - Thái Nguyên". Lực lượng chức năng đã thu giữ 1 máy dập để làm giả nhãn hiệu và gần 600kg chè không rõ nguồn gốc. Ngày 25/12, Công an phường Trần Phú (TP.Hà Tĩnh) kịp thời phát hiện 160kg trà xanh phơi khô không rõ nguồn gốc; trong đó, 65kg chưa đóng bao, 95kg đã đóng bao mang nhãn hiệu "Trà xanh Tân Cương".

Chặn đường thực phẩm  bẩn đến mâm cơm ngày tết - Ảnh 3.

Chặn đường thực phẩm bẩn đến mâm cơm ngày tết - Ảnh 4.

Ngày 23/12/2020, Đội QLTT số 26 và Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP.Hà Nội) đã triệt phá cơ sở dùng rượu nhập lậu sang chiết, giả mạo xuất xứ thương hiệu nổi tiếng tại phường Phúc La (quận Hà Đông) để bán trong dịp tết.

Số liệu từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh đã bắt giữ, xử lý 3.779 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép, hàng giả, gian lận thương mại. Trị giá hàng hóa vi phạm 4,5 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.594 vụ, tổng trị giá tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền phạt bổ sung, truy thu thuế 6.040,06 tỷ đồng.

Cần xử lý tận gốc

Theo lực lượng QLTT Hà Tĩnh, bên cạnh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu như các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, dịp cuối năm các đối tượng vi phạm còn tập trung vào mặt hàng sản phẩm như quần áo thời trang, thuốc tân dược, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đình Khoa - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Tĩnh nói: "Để góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng, vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng. Người tiêu dùng là kênh thông tin, phản ánh, tố giác với lực lượng chức năng để kịp thời xử lý những hành vi kinh doanh hàng giả. Thời gian gần đây, chúng tôi xử lý liên tiếp nhưng vụ thực phẩm, rượu, quần áo là nhờ nguồn tin của người dân. Khi lực lượng kiểm tra mỏng, địa bàn rộng thì chính người dân là nguồn tin quan trọng của chúng tôi để xử lý những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó người dân, các doanh nghiệp cần vào cuộc, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng chống các hành vi làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ".

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT TP.Hà Nội thông tin, hàng giả không chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ mà một số cơ sở trong nước còn mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói. "Cục QLTT Hà Nội đã sớm xây dựng kế hoạch và hiện đang phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường tại nhiều điểm tập kết, kho hàng trên địa bàn thành phố và các tuyến giao thông trọng điểm" - ông Kiên cho biết.

Để "chặn đường" thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng: "Lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra xử lý các cơ sản xuất có dấu hiệu làm giả, bán thực phẩm, rượu kém chất lượng. Đồng thời mức phạt phải tăng nặng, mang tính răn đe. Để hiệu quả nhất, QLTT phải có phối hợp với công an kinh tế, công an địa phương cùng điều tra, tìm hiểu khi có đơn thư tố giác của người dân. Làm như vậy mới hiệu quả. Lực lượng QLTT kiểm tra xử phạt hành chính, và lực lượng công an sẽ xử lý nghiêm mình hơn để răn đe và xử lý tận gốc".

Còn ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương) thì cho biết: "Để hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm. Mặt khác, cơ quan chức năng cần công khai mọi vi phạm để người dân biết, khuyến khích trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đấu tranh với vi phạm. Khi có sự phối hợp của các cơ quan chức năng cũng như sự đồng thuận của người dân, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái chắc chắn sẽ có hiệu quả cao hơn...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem