Đầu tư chăn nuôi VietGAP
Khởi sự từ năm 2005, đến nay đã gần 15 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, gia cầm, giờ đây anh Nguyễn Văn Lâm đã có trang trại khá lớn ở trong khu chăn nuôi tập trung của xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) và trang trại đã được cấp chứng nhận chăn nuôi an toàn VietGAP.
Công nhân chăm sóc đàn gà tại trang trại của anh Lâm ở Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
"Điều thuận lợi khi chăn nuôi ở khu tập trung ngoài khu dân cư là không chỉ hạn chế dịch bệnh mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn thế nữa, chúng tôi còn chủ động đầu tư và rất thuận lợi cho việc giao dịch, vận chuyển thức ăn, vật tư ra vào trang trại...”.
Anh Nguyễn Văn Lâm
|
Với diện tích trang trại 12.000m2, anh Lâm đã tính toán hợp lý để đảm bảo tính tiện lợi và hiệu quả. Các chuồng trại chăn nuôi lợn và gà đẻ trứng đều được anh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Chính việc làm này đã giúp trang trại của anh giảm được nhân công mà vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Dù đã chăn nuôi nhiều năm nhưng anh Lâm vẫn luôn chịu khó tìm tòi chịu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi lớn, song anh chỉ thuê 4 - 5 lao động thường xuyên, khi cao điểm có thể huy động thêm lao động tại chỗ để tiết kiệm nhân công, giảm chi phí. Các chuồng nuôi trong trang trại đều có hệ thống máng ăn, máng uống tự động. Chất thải được xử lý bằng hệ thống hầm biogas, mọi quy trình đều đảm bảo kỹ thuật, với chi phí thấp nhất.
Anh Lâm cho biết, hàng tháng nguồn thu từ cá, lợn, gia cầm và một số cây ăn quả trong trang trại đạt vài chục triệu đồng. "Điều thuận lợi khi chăn nuôi ở khu tập trung ngoài khu dân cư là không chỉ hạn chế dịch bệnh mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn thế nữa, chúng tôi còn chủ động đầu tư và rất thuận lợi cho việc giao dịch, vận chuyển thức ăn, vật tư ra vào trang trại mà không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân" - anh Lâm nói.
Nằm giáp ranh với vùng chăn nuôi mới xảy ra dịch cúm A/H5N6 tại xã Việt Thống, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), nhưng trại gà của gia đình ông Phạm Minh Trường ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) lâu nay được coi như một "pháo đài", dịch bệnh bất khả xâm phạm. Từ hệ thống chuồng trại đến thiết bị phục vụ đàn gà đều được chủ trang trại này đầu tư rất bài bản, quy mô.
Ông Trường cho biết, trung bình mỗi năm ông liên kết với một công ty chăn nuôi 3 - 4 lứa gà thương phẩm, mỗi lứa khoảng 1 vạn con, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Để tránh được dịch bệnh trong nuôi gà, ông Trường đã tốn khá nhiều tiền đầu tư hệ thống chuồng trại, thiết bị chăn nuôi, toàn bộ máng ăn, máng uống đều tự động. Thức ăn cho gia cầm hằng ngày được nhập từ cơ sở có uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trang trại tuyệt đối không sử dụng thức ăn ẩm mốc, kém chất lượng hoặc từ cơ sở không rõ nguồn gốc.
"Riêng nguồn nước uống cho gia cầm, tôi cũng đầu tư lắp một hệ thống lọc riêng hiện đại, đảm bảo sạch 100%. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên bổ sung khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa, các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột, sau khi vận chuyển hoặc khi tiêm chủng vaccine để tăng sức kháng bệnh cho gia cầm” - ông Trường chia sẻ.
Theo ông Trường, để chăn nuôi an toàn, không còn cách nào khác là phải theo hướng an toàn sinh học. Các biện pháp phòng dịch, sát trùng chuồng trại, tiêm vaccine cho đàn vật nuôi cũng phải tiến hành định kỳ và thường xuyên. Bên cạnh việc đầu tư chăn nuôi hiện đại, vào những ngày có dịch bệnh này, gia đình ông Trường còn hạn chế tối đa người ra vào chuồng trại, trừ người nhà, người ngoài không được tiếp cận khu vực chăn nuôi.
Phòng chống cúm gia cầm hiệu quả
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, để phòng chống bệnh cúm gia cầm, một trong những phương pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiêm phòng vaccine theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Khi tiêm phòng xong cần cho gia cầm ăn uống tốt để nâng cao sức đề kháng, nâng cao hiệu quả kháng thể, tạo miễn dịch tốt cho con vật.
Song song với đó, cần phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi 1-2 lần/tuần bằng các loại hoá chất như Chloramin B, Benkocid, Iodine... Dùng vôi bột rắc xung quanh khu vực chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh, khu vực có người qua lại...
Việc dùng vôi bột còn có tác dụng hạn chế và ngăn chặn côn trùng và gia súc qua lại làm lây lan dịch bệnh giữa các chuồng nuôi, các khu vực chăn nuôi. Đây là biện pháp khử trung tiêu độc đơn giản, dễ làm nhưng hiệu quả rất cao, người chăn nuôi nên thực hiện tốt phương pháp này.
Ông Sơn cho biết, với hệ thống thoát nước thải, có thể dùng vôi bột cho vào bao tải để ở hệ thống nước thải chảy qua. Đây là biện pháp rất tốt để khử trùng, tiêu độc ngăn chặn mầm bệnh.
Bên cạnh đó, bà con nên tiến hành thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi để ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học nhằm tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau mỗi đợt chăn nuôi phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng 2-3 tuần nhằm phá vỡ vòng luân chuyển của mầm bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.