Những con trăn lớn nhất trong chuồng đã hơn 40kg.
Khởi nghiệp từ một con trăn giống mua giá rẻ của người bạn vào năm 1997, ban đầu ông định nuôi giải trí cho vui chứ kinh tế nhà ông lúc bấy giờ chủ yếu từ nghề biển. Trăn sinh sản lứa đầu tiên 35 con, thấy trăn tốt, ông Phong giữ lại nuôi, nhân giống và ngày càng cho nguồn thu ổn định khi hàng năm xuất bán khoảng 100 con trăn thương phẩm và 200 con trăn giống, thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Cách ông Lê Thanh Phong “bắt mạch”, xem bệnh cho trăn.
Trăn thuộc lớp bò sát và là đối tượng mang lại giá trị kinh tế cao, để nuôi trăn thành công đòi hỏi người nuôi phải am hiểu sâu về kỹ thuật chăm sóc. Theo ông Lê Thanh Phong, tùy vào trọng lượng trăn để phân phối thức ăn cho thích hợp.
Trăn từ 1 - 5kg cho ăn mỗi lần từ 1 - 1,4kg thức ăn, đối với trăn có trọng lượng từ 6 - 10kg cho ăn mỗi lần từ 1,5 - 2kg thức ăn. Trăn rất thích khí hậu ấm, ẩm, dễ dàng chịu được nhiệt độ nắng nóng, nhưng rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Trong quá trình nuôi, ông Phong cũng bị tổn thất kinh tế do trăn bị bệnh tim, phổi nặng.
Có chút am hiểu về cây thuốc nam, ông Phong nấu thuốc cho trăn uống, không ngờ trăn khỏi bệnh, mau lớn. Nguồn thức ăn cũng được ông Phong “cải cách”, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, thay vì cho ăn chuột, vịt, ông đổi sang cho ăn cá biển, cá tạp, vẫn đảm bảo được trọng lượng.
Trăn thương phẩm sau 6 - 7 tháng nuôi là có thể xuất bán.
Nhiều người đến tham quan mô hình nuôi trăn của ông Phong không khỏi ngạc nhiên vì chuồng trăn nằm ngay trong nhà song không phát ra mùi hôi. Dưới đáy chuồng, ông đào một hố bằng với diện tích chuồng, có độ nghiêng, lót cao su, để khi tắm trăn hay rửa chuồng không bị đọng nước trong nhà.
Tận dụng đất quanh nhà trồng một số cây thuốc nam thông dụng, ông Phong chia sẻ: “Hàng ngày tôi đều quan sát, “bắt mạch” từng con để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị cho phù hợp”. Với cách trị bệnh độc đáo, hiệu quả này, ông Phong được nhiều người nuôi trăn các nơi đến nhờ tư vấn. Đến nay, anh em của ông, các con, cháu họ trong gia đình đều nuôi trăn theo kiểu… lạ này và đã thành công.
Gần 60 tuổi, không còn nhiều sức làm nghề biển, ông Phong giao nghiệp biển cho các con, còn ông hàng ngày làm “thầy” trị bệnh cho… trăn nhà và giúp người nuôi trăn nhiều nơi. Ông Phong phấn khởi khi vừa bán được giá lứa trăn để đón tết, tích lũy một ít, dự định sau tết đầu tư thêm chuồng, để nuôi lứa trăn mới.
Lê Quyên (Báo Đất Mũi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.