Thái Nguyên: Chàng "hot boy" kỹ sư 9x và niềm say mê với nông sản sạch
Thái Nguyên: Chàng "hot boy" kỹ sư 9x và niềm say mê với nông sản sạch
Nguyên Ngọc
Thứ bảy, ngày 14/11/2020 15:53 PM (GMT+7)
Xuất phát từ niềm say mê với nông sản sạch, chàng kỹ sư nông nghiệp sinh năm 1992, Hoàng Đình Lập (xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến, Định Hóa, Thái Nguyên) đã mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất rau, quả an toàn ngay trên mảnh đất quê hương. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Hoàng Đình Lập được lựa chọn tham gia chương trình thực tập sinh tại Israel. Tại đây, em được đào tạo thêm tại Trung tâm Đào tạo nông nghiệp Quốc tế Arava với các giáo sư hàng đầu về nông nghiệp của Israel; đồng thời trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất của các trang trại trồng rau sạch theo công nghệ cao. Sau 1 năm vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ đất nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới, năm 2015, Hoàng Đình Lập trở về nước với mong muốn đem những kiến thức đã tích lũy được áp dụng vào thực tế sản xuất tại quê nhà.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, đến nay, mô hình trồng rau, củ, quả an toàn của Hoàng Đình Lập đã cho hiệu quả kinh tế cao nhờ giá thành sản phẩm cao hơn từ 20-30% so với các sản phẩm truyền thống. Theo tính toán, mỗi vụ, mô hình trồng rau an quả an toàn của Lập cho thu lãi trên 300 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên, do còn trẻ, lại thiếu vốn sản xuất nên khởi đầu của chàng kỹ sư trẻ vô cùng chật vật. Khó khăn bủa vây khiến em đã có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Thế nhưng, sự khao khát, đam mê đã thôi thúc em tiếp tục cố gắng. Gom góp tiền dành dụm được sau 1 năm bươn chải nơi xứ người, Lập đã thuê được hơn 6.000m2 đất nông nghiệp rồi thuyết phục gia đình đứng ra thế chấp vay ngân hàng 100 triệu đồng để em đầu tư thực hiện mô hình trồng rau quả an toàn.
Trước khi bắt tay vào sản xuất, Lập tiến hành cải tạo đất rồi tự thiết kế và mua thiết bị, vật tư về lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động với chi phí rẻ bằng 50% so thị trường.
Chàng trai 9X chia sẻ: "Dự định ban đầu của em là xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động". Tuy nhiên, do kinh phí xây dựng nhà lưới khá lớn (khoảng 650-700 triệu đồng) nên em chỉ có thể đầu tư tự lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất ngoài trời, chi phí chỉ tốn khoảng 50 triệu đồng.
Mặc dù sản xuất ngoài trời sẽ phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết song nếu chăm sóc tốt, cây trồng sẽ cho năng suất không kém so với sản xuất trong nhà lưới. Sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, cuối năm 2017, Lập bắt tay vào trồng vụ dưa chuột bao tử đầu tiên. Giống dưa chuột bao tử mà Lập chọn gieo trồng là dưa chuột Xuân Yến với ưu điểm là sinh trưởng khỏe, đề kháng tốt với các loại sâu bệnh, thời gian thu hoạch sớm, năng suất cao, chất lượng quả thơm ngon.
Đa dạng nông sản sạch
Toàn bộ quá trình sản xuất từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch đều được Lập áp dụng nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng hay bất kì một loại hóa chất nào. Đặc biệt, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động được lắp đặt đến từng gốc cây giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước sử dụng và nhân công lao động; đồng thời, giúp cây dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng, từ đó làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Nhờ đầu tư có bài bản, vụ sản xuất đầu tiên, Lập đã thu hoạch trên 5 tấn dưa chuột bao tử. Do sản phẩm dưa chuột bao tử an toàn đang được được thị trường rất ưa chuộng nên toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch đều được các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch trên địa bàn thu mua hết. Với giá bán 20.000 đồng/kg (cao gấp 1,5 lần so với giá bán dưa chuột tại địa phương), sau khi trừ chi phí, mô hình dưa chuột bao tử của Lập cho thu lãi trên 60 triệu đồng/vụ.
Sau thành công bước đầu, Lập tiếp tục thuê thêm hơn 4.000m2 đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, ngoài dưa chuột bao tử, Lập còn trồng thêm 1.500m2 dưa hấu; 5.000m2 dưa lê Hàn Quốc; gần 1.000m2 dưa lưới Chu Phấn và dưa lưới Phụng Tiến. Đây đều là những giống dưa mới, có chất lượng cao được cung ứng từ các trung tâm giống cây trồng có uy tín tại Việt Nam. Lập chia sẻ: Đối với sản xuất nông sản an toàn, bên cạnh quy trình chăm sóc thì nguồn cây giống cũng quyết định rất nhiều đến chất lượng và hiệu quả kinh tế. Vì vậy, tất cả nguồn cây giống đều được em nghiên cứu và lựa chọn rất kỹ trước khi đưa vào sản xuất.
Theo tính toán, mỗi vụ, mô hình trồng rau, quả an toàn của Lập cho thu hoạch khoảng 6 tấn dưa chuột bao tử; 3 tấn dưa hấu; 10 tấn dưa lê Hàn Quốc; 1 tấn dưa lưới Chu Phấn và dưa lưới Phụng Tiến… Mô hình sản xuất rau ăn quả an toàn của Lập cho thu lãi trên 300 triệu đồng/vụ.
Được biết, mới đây, chàng kỹ sư 9X Hoàng Đình Lập đã vận động 7 hộ gia đình tại địa phương góp vốn và đất sản xuất để thành lập hợp tác xã sản xuất nông sản sạch an toàn ATK Định Hóa với mục tiêu tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình sản xuất rau quả an toàn theo hướng công nghệ cao. Hợp tác xã dự định sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.000m2 nhà lưới để áp dụng quy trình sản xuất khép kín nhằm tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết. Tuy nhiên, để thực hiện được dự định này, hợp tác xã đang thiếu nguồn kinh phí và rất cần thêm sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng, cũng như sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương.
CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.