Chàng rể Tây có chiều cao "khủng" 2,12m và 14 lần ăn tết Việt
Chàng rể Tây có chiều cao "khủng" 2,12m và 14 lần ăn tết tại Việt Nam
Minh Huệ (thực hiện)
Thứ ba, ngày 01/02/2022 11:00 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên ăn tết tại Việt Nam vào năm 2008, tính đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần là anh Gabor Fluit, sinh năm 1979, quốc tịch Hà Lan đã có 14 lần ăn tết Việt Nam. Đối với anh Gabor, Tết cổ truyền của người Việt rất nhiều ý nghĩa, có nhiều món ăn ngon, đặc biệt là mọi người có nhiều thời gian bên gia đình...
Như duyên nợ, trong 1 lần đi du lịch Việt Nam khi còn là sinh viên, anh Gabor Fluit quen một cô gái sinh ra tại TP. Cam Ranh (Khánh Hoà), và sau này cô gái người Việt bé nhỏ đó đã trở thành vợ anh.
Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Gabor Fluit cho biết: Ban đầu, vợ chồng tôi sinh sống tại Hà Lan. Khi đó, tôi đang làm giám đốc một số chi nhánh của Ngân hàng ABN Amro. Mỗi ngày đi làm về, vợ tôi học được gì từ tiếng Hà Lan thì dạy lại cho tôi từ đó bằng tiếng Việt. Ở quê vợ, không ai biết tiếng Anh nên tôi ráng học. Cứ vậy mà dần nói được tiếng Việt.
Năm 2007, Gabor nhận lời mời gia nhập Tập đoàn De Heus Hà Lan và trở thành Tổng Giám đốc điều hành De Heus Việt Nam. Cùng năm đó, anh và vợ về Việt Nam sinh sống. Đến năm 2015, anh Gabor chính thức trở thành Tổng Giám đốc điều hành De Heus châu Á, có trụ sở chính tại TP.HCM.
Anh có thể kể về lần đầu tiên ăn Tết Nguyên đán tại quê vợ?
-Đó là khoảng cuối năm 2008, đầu năm 2009, lần đầu tiên tôi biết tổ chức tiệc Tất niên là gì. Lúc đó, De Heus Việt Nam còn nhỏ bé, chúng tôi đã tổ chức một số buổi tiệc để có cơ hội tri ân các nhà cung cấp, khách hàng, đối tác thân thiết cũng như cảm ơn các nhân viên. Trước đó, vào tháng 11/2008, De Heus mua lại một số nhà máy thức ăn chăn nuôi nội địa, nhiều nhân viên chưa quen với môi trường làm việc mới. Chính vì vậy chúng tôi đã quyết định tổ chức tiệc Tất niên trong nội bộ khá lớn.
Có thể nói, không khí Tết kéo dài suốt từ giữa tháng 12 âm lịch đến giữa tháng Giêng. Lần đầu tiên trong đời, tôi ăn tết kéo dài cả tháng trời. Bởi ngay sau những buổi tiệc ở công ty, tiệc gặp mặt đối tác, ngày 27-28 âm lịch, chúng tôi lên đường về quê vợ để đón cái Tết Nguyên đán đầu tiên ở Việt Nam.
Ở Hà Lan cũng như nhiều quốc gia châu Âu đón năm mới vào dịp Tết Dương lịch, và chỉ được nghỉ 1 ngày. Trong khi tại Việt Nam, tết kéo dài cả tuần lễ đến 9-10 ngày.
Lần đầu tôi ra mắt họ hàng 2 bên nội ngoại ở quê vợ, ai cũng trầm trồ, tò mò khi thấy 1 chàng rể Tây cao quá trời đất (2,12 mét) và nói tiếng Việt trơn tru. Đặc biệt lại là giọng miền Trung, chứ không phải giọng Hà Nội, hay Sài Gòn như nhiều ông Tây khác. Cái này là tôi học vợ, cô gấy quê gốc ở Phú Yên mà.
Cái tết đầu tiên ở quê vợ, tiệc tùng liên tục. Song tôi thấy rất vui, bắt đầu biết uống rượu nhiều. Ở Hà Lan chúng tôi uống bia nhiều hơn, khi làm việc tại Sài Gòn cũng vậy, còn ở miền Bắc thường uống rượu không à!
Điều gì làm anh thấy ấn tượng nhất khi ăn Tết ở Việt Nam?
Ấn tượng nhất về Tết Nguyên đán, đó là người Việt chuẩn bị rất kĩ cho dịp này.
Nhà cửa phải dọn dẹp sạch sẽ, trang trí thật nhiều hoa đẹp, và mua sắm rất nhiều thứ, từ quần áo tới bánh kẹo, thực phẩm, làm nhiều loại bánh… Và tôi thấy ngạc nhiên là ai cũng rất vui để làm những công việc đó. Mọi người vừa sắp xếp nhà cửa gọn gàng, vừa trò chuyện cùng nhau rất vui vẻ.
Vợ tôi giải thích, Tết cổ truyền của người Việt rất quan trọng, mọi người đi làm xa đều muốn trở về gia đình để sum họp. Tất cả phiền muộn, lo lắng giận hờn đều gác lại. Cả năm ai cũng bận rộn rồi, bây giờ có thời gian dành cho nhau, ngồi ăn chung, cùng nhau đi thăm từng nhà, chúc nhiều điều tốt đẹp...
Vào mỗi dịp Tết, mẹ vợ tôi thường làm các món bánh tét, bánh xèo, thịt kho tàu và rất nhiều món ăn độc đáo của miền biển. Đặc biệt, mẹ vợ làm thịt kho tàu rất ngon. Bà thường kho 1 nồi lớn, mấy ngày tết hễ ai đói bụng thì cứ thế lấy ăn.
-Thật sự đồ ăn ở Việt Nam ngon hơn nhiều so với ở Hà Lan, và khó chế biến. Tôi thấy đồ ăn ở Hà Lan không có gì đặc biệt, cá ngon thì phải ăn tươi sống, rồi khoai tây chiên thì ở đâu cũng có. Từ ngày sống ở Việt Nam, tôi thích ăn món Việt hơn. Thậm chí như mắm tôm, lúc đầu khó ăn vì có mùi rất đậm, nhưng ăn rồi thì thấy rất ngon.
Ăn Tết ở quê vợ với nhiều bữa tiệc như vậy, anh Gabor có bị "chuốc" rượu say không?
-Cơ bản không khí Tết Nguyên đán ở Việt Nam rất vui. Đó cũng là cơ hội để tôi có thời gian tiếp xúc khách hàng, gần gũi nhân viên công ty, sum họp gia đình, bao gồm cả gia đình nhỏ lẫn gia đình lớn họ hàng.
Ở Hà Lan, chúng tôi không bao giờ nhậu vào ban ngày mà chỉ tổ chức vào buổi tối. Tuy nhiên sau nhiều năm ăn Tết tại Việt Nam, tôi đã quen với những bữa tiệc tất niên và đã biết "giữ mình" để vẫn đủ sức làm việc (cười).
Ví dụ khoảng 2 tuần trước kì nghỉ Tết, tôi sẽ bố trí công việc, để lịch trống nhiều hơn để tiếp xúc khách hàng. Tôi luôn nhắc mình phải giữ sức khoẻ tốt, không uống quá đà.
Vì đặc thù làm điều hành, tôi đi rất nhiều nơi, nhưng buổi tối khi kết thúc công việc tôi vẫn cố gắng dành thời gian tập thể dục. Ăn nhậu nhiều vậy mà không tập thì dễ mập lắm! (lại cười).
Anh Gabor có theo đạo không? Anh làm thế nào để hoà hợp với những phong tục tập quán có nhiều khác biệt ở quê vợ?
-Tôi theo đạo Tin lành, nhưng vì quá bận rộn nên ít có thời gian đi nhà thờ, còn gia đình vợ thì theo đạo Phật. Nhưng từ khi quen nhau, chúng tôi đã thống nhất không ai phải theo ai. Sống tốt với nhau, đó là điều quan trọng nhất, vì đạo nào cũng dạy con người sống tốt, tôn trọng với mọi người trong gia đình, anh em họ hàng...
Sau nhiều năm làm rể ở Việt Nam, tôi cũng làm quen với việc thắp hương, cầu nguyện như người theo đạo Phật. Dịp Tết Nguyên đán, tôi cùng gia đình vợ đi lễ chùa. Còn vợ tôi, vào những dịp lễ đặc biệt bên đạo Tin lành, cô ấy vẫn luôn đi cùng tôi. Hay với con cái, tôi cũng dạy theo cách của mình.
"Bây giờ người trẻ xài điện thoại quá nhiều, dù trò chuyện cùng nhau song có người vẫn cúi mặt vào điện thoại. Tôi không thấy vui, vì thế nhiều lúc ngồi cùng gia đình, tôi thường đề xuất bỏ điện thoại sang 1 bên, dành thời gian trò chuyện cùng nhau" - anh Gabor Fluit.
Năm 2021 vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đảo lộn nhiều mặt kinh tế, xã hội, người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Vậy De Heus có những chính sách gì để hỗ trợ người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, thưa anh?
-Mặc dù doanh thu, lợi nhuận của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song De Heus vẫn duy trì chế độ thưởng cho nhân viên. Bộ phận nào cũng có thưởng tuỳ theo kết quả chung của công ty và bản thân sự đóng góp của người đó, gồm lương tháng 13 và thưởng riêng.
Trong thời gian dịch Covid-19 căng thẳng, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi cũng có sự quan tâm riêng cho những nhân viên phải ở lại mấy tháng liền trong nhà máy. Thậm chí, có người đã phải thực hiện "3 tại chỗ" trong suốt 6 tháng liên tiếp, rất cực.
Chúng tôi cám ơn họ, bởi nhờ có họ De Heus mới tiếp tục duy trì sự ổn định của chuỗi sản xuất thực phẩm, bao gồm các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ, chế biến… Chúng tôi cố gắng quan tâm để không có ai bị thiếu ăn vì Covid.
Hay như đối với 14 nhà máy mới mua lại của Masan, chúng tôi vẫn giữ mọi chế độ như bình thường và từng bước điều chỉnh, để làm sao đời sống nhân viên ngày càng tốt hơn.
Nhân dịp Tết Nhâm Dần, anh có thể chia sẻ điều mình mong muốn trong năm mới?
-Điều tôi cầu mong nhất chính là sức khoẻ. Dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều người bị mất người thân, họ hàng, hơn lúc nào hết cá nhân tôi và ai ai cũng cầu chúc có sức khoẻ.
Kết thúc năm cũ, tôi mong mọi điều xui xẻo qua đi và đón một năm mới may mắn, sức khoẻ, bình an. Tôi hay nói với nhân viên rằng, cố gắng tuần nghỉ tết hãy tranh thủ thời gian, ngừng hẳn công việc, không mở email, điện thoại, để đầu óc thoải mái. Sau tết chúng ta sẽ có cảm giác tràn đầy năng lượng, khoan khoái bước vào năm mới.
Tôi cũng chúc các công ty khác ở khu vực châu Á dồi dào sức khoẻ, công việc thuận lợi. Dù họ không ăn tết như ở Việt Nam, nhưng 1 năm cũng nên nghỉ hẳn 1 tuần để dành thời gian cho bản thân và gia đình.
Xin cảm ơn anh. Kính chúc anh cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khoẻ, an khang thịnh vượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.