Chàng SV Bách Khoa thành ông chủ trang trại “đệ nhất” xử lý môi trường

Bùi Hồng Liên Thứ ba, ngày 24/02/2015 06:20 AM (GMT+7)
Xuất thân là sinh viên khoa Cơ khí, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ông Nguyễn Văn Lộc (Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) đã từng trải qua rất nhiều nghề như quân nhân, công nhân, giáo viên, nhà kinh doanh... trước khi bén duyên với nghề tay trái “chăn lợn”. Trang trại của ông được ghi nhận là 1 trong 14 trang trại “đệ nhất” về xử lý môi trường.
Bình luận 0

Tưởng chừng “chăn lợn” chỉ là nghề tay trái của vị doanh nhân này, ấy thế mà mỗi năm nhờ vào công việc tay trái ấy, ông Lộc thu về trên 3 tỷ đồng. Mua đất để làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình vào dịp cuối tuần, trong một lần họp lớp, ông giáo Lộc gặp một cậu học trò cũ trong quân đội và nghe kể về câu chuyện làm giàu từ nghề chăn lợn, vốn máu kinh doanh cộng với niềm đam mê từ nhỏ với nông nghiệp, ông quyết định thay đổi ý tưởng ban đầu của mình, biến khu nghỉ dưỡng trở thành trang trại chăn nuôi hơn 700 con lợn nái trên diện tích 10ha. 

img

Ông Nguyễn Văn Lộc - chủ trang trại chăn nuôi heo nái nhập ngoại siêu nạc, siêu sạch để xuất khẩu.

Nhờ có ý tưởng đó mà mô hình chăn nuôi lợn nái nhập ngoại siêu nạc, siêu sạch để xuất khẩu của ông Lộc qua gần chục năm hoạt động được xem là một trong những trang trại điển hình của miền Bắc (mô hình chăn nuôi công nghiệp, khép kín và tự động từ khâu chọn con giống, xây dựng chuồng trại, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nhất là khâu phòng, chống dịch bệnh cho lợn nái). 

img

Trang trại rộng rãi, sạch sẽ, thông thoáng đảm bảo quy chuẩn chăn nuôi.

Là một người thầy, một doanh nhân có điều kiện kinh tế nhưng ông Lộc không chịu yên phận hưởng sự an nhàn mà quyết định bất ngờ là chuyển từ kế hoạch làm khu du lịch nghỉ dưỡng để lên núi làm nông dân. Chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, chỉ là từ lời khuyên của một cậu học trò nhưng ông vẫn dám bỏ 5 tỷ đồng vào trang trại. “Mới đầu cũng lo lắm, như ngồi trên đống lửa, nhưng vì niềm đam mê với nông nghiệp và muốn khẳng định mình nên tôi vẫn quyết làm. Nếu không mạo hiểm sao có được thành quả như bây giờ” - ông Lộc nói. 

Đất chẳng phụ công người, một trang trại quy mô, hiện đại mọc lên trên vùng đất núi đồi hoang hóa. Ngay năm đầu tiên, anh chị vui mừng vì thu lãi cả tỷ đồng. Thành công đã tiếp sức cho người đàn ông giàu nghị lực thực hiện kế hoạch dài hơi, xây dựng trang trại nuôi lợn khép kín một trong những trang trại điển hình nhất miền Bắc. 

Muốn chăn nuôi bền vững, phòng và trị bệnh được coi là khâu tiên quyết. Chia sẻ bí quyết phòng trị bệnh, ông Lộc cho hay: "Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh trong chăn nuôi an toàn sinh học, khâu chọn giống phải được kiểm duyệt chặt chẽ, kĩ càng. Ngay từ con giống phải được làm sạch từ đời cụ, kỵ, ông bà cho đến con thương phẩm. Có hai dạng phòng bệnh là phòng bệnh từ xa và phòng bệnh tại chỗ". 

img

Mỗi một con lợn nái đều được theo dõi tình hình sinh sản một cách nghiêm ngặt.

Nói về phòng bệnh từ xa, ông Lộc cho biết, dù là công nhân trong trang trại hay người ngoài đều phải qua phòng sát trùng mới được vào trong và được giám sát bằng thiết bị hình ảnh. Các khâu khử trùng, sát trùng, ăn ở của công nhân đều phải được đảm bảo và có quy trình nhất định. Đặc biệt, khách ở ngoài phải trải qua 48 tiếng sinh hoạt trong trang trại thì mới được vào tham quan khu sản xuất. Toàn bộ thực phẩm sinh hoạt đều phải được kiểm duyệt chặt chẽ, chỉ được phép mang thịt lợn sống trong trang trại ra, chứ không được phép mang thịt lợn sống ở ngoài vào chế biến. Chuồng lợn sạch sẽ, có quạt mát, đèn điện, lợn uống nước sạch có vòi bú tự động, ăn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn, lợn được nằm trên sàn thoáng mát. Đây là những chú lợn giống Mỹ tuyển chọn từ Thái Lan và được công nhân chăm sóc nuôi dưỡng kỹ lưỡng. Lợn mới đẻ có đèn sưởi, hệ thống cửa ra vào, cửa sổ kín gió.

Từ khu chuồng trại này, lợn giống chất lượng cao được cung cấp cho cả một vùng rộng lớn toàn miền Bắc. Nhờ vậy mà trang trại của ông luôn vô sự trước dịch bệnh. Hiện mỗi tháng, ông xuất 1.500 con lợn giống, mang về hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương. Trang trại của ông đã trở thành mô hình kiểu mẫu và được bà con nông dân trên toàn quốc về tham quan, học hỏi . Ông trở thành “kỹ sư chăn nuôi” tận tâm hướng dẫn cách xây dựng trang trại.

img

Phòng khử trùng cho công nhân và khách khi muốn vào khu sản xuất.

Không giống như nhiều người cũng đầu tư trang trại nuôi lợn, ông Lộc chọn hướng đi khác: “Ngay từ bắt đầu, tôi đã quan tâm đến vấn đề môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trang trại gây ô nhiễm, người dân phản đối thì không thể làm ăn được. Môi trường tốt, chất lượng sản phẩm mới đảm bảo mới có thể phát triển lâu dài” - ông Lộc nói.

Ngoài cách thức nuôi heo công nghệ cao, khi đến tham quan trang trại của ông Lộc, khách sẽ nhận thấy có một vài điểm khác biệt so với các trang trại khác nhờ có quy trình xử lý môi trường khoa học và được xem như một trong 14 trang trại có quy trình xử lý môi trường "đệ nhất" cả nước, được hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới và Viện Chiến lược Tài nguyên môi trường.

Với những đóng góp tích cực cho xã hội, ông nông dân suýt soát tuổi 60 đã được vinh danh anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Việt Nam làm kinh tế giỏi và được tặng Bằng khen. Hiện tại, ông còn đang là ủy viên Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam. đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Hà Nội.

Hàng năm, trang trại của ông Lộc đều có báo cáo đánh giá tác động dến môi trường gửi lên các cấp, các ngành có liên quan và đều được đánh giá đạt chuẩn. Nhờ có chiến dịch phòng bệnh hơn chữa bệnh mà đến thời điểm hiện tại sau gần chục năm chăn nuôi, trang trại của ông chưa một lần nào bị bệnh dịch xâm nhập.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem