Trên một
chiếc tháp 1,5m2 có thể trồng vài chục loại rau khác nhau, mỗi
tháng cho năng suất từ 15 đến 20kg rau sạch... là ưu điểm lớn của
mô hình trồng rau mà anh Hồ Đức Cảnh (29 tuổi, Hà Nội) đang áp
dụng.
Mô
hình tháp rau - mô hình trồng được số lượng lớn cây trên một diện
tích nhỏ và đặc biệt là không cần bón phân.
Chủ nhân của mô hình này chia sẻ với chúng tôi, cách đây 4
năm, anh làm việc trong ngành điện tử, thu nhập khoảng 15
triệu/tháng. Với một chàng trai mới "chân ướt chân ráo" ra trường,
đó là mức lương đáng mơ ước.
Trong một vài lần đi làm từ thiện tại các bệnh viện, anh được
tận mắt chứng kiến cuộc sống đau đớn của các bệnh nhân ung thư. Anh
bắt đầu lo lắng cho bản thân và gia đình khi nghĩ về thực phẩm
thiếu an toàn trên mâm cơm hàng ngày.
"Hai bác của tôi cũng mất vì bệnh ung thư... Bố mẹ tôi dặn
dò con cái, đi chợ thì cố lựa đồ sạch mà mua nhưng biết thế nào là
sạch, là an toàn. Trong khi đó, nhà tôi ở phố, đất ở còn chật chội
nói gì đến đất trồng rau. Tôi luôn trăn trở, phải có cách trồng
được rau sạch ăn chứ không lẽ ngồi yên chờ chết", anh
Cảnh chia sẻ.
Anh
Hồ Đức Cảnh chia sẻ về mô hình tâm đắc
Năm 2014, sau thời gian dài suy nghĩ, anh Cảnh quyết định bỏ
việc, đi học thêm về nông nghiệp công nghệ cao. Sau một năm tìm
hiểu, học hỏi, anh chính thức bắt tay vào trồng thử
nghiệm.
Ban đầu, anh Cảnh trồng rau sạch theo phương pháp truyền thống:
trồng bằng thùng xốp, chậu nhựa... Tuy nhiên, hiệu quả thu
được không cao, hơn nữa còn mất khá nhiều công sức phơi đất,
thay đất, trộn phân bón... Sau đó, anh chuyển hướng, đầu tư trồng
rau sạch theo phương pháp thủy canh nhưng rau củ vẫn không đạt
chất lượng như mong muốn.
Thất bại liên tiếp, anh Cảnh chán nản đến mức muốn bỏ cuộc.
Trong thời gian tìm công việc mới, anh vô tình biết đến mô hình
tháp rau sạch.
"Tôi thấy người ta liệt kê đủ thứ ưu điểm của mô hình này
như: năng suất cao, tiết kiệm diện tích, không tốn công chăm sóc...
Cũng hoài nghi lắm vì hai phương pháp lần trước đủ cũng ưu điểm này
ưng điểm nọ mà vẫn hỏng đó thôi. Nhưng tôi vẫn quyết định
thử", anh Cảnh chia sẻ.
Một số hình ảnh về vườn rau độc đáo của anh Cảnh:
Tháp rau của anh được thiết kế khá đặc biệt, gồm các lỗ hốc xung
quanh được dùng để đặt cây, một ống nhựa ở giữa để phân hủy rác,
chân tháp ba kiềng để tháp đứng vững...
Một tháp nhựa 1,5m2 có thể trồng được hơn 60 cây rau, trong
đó, cách phân chia thích hợp nhất là 54 loại rau ăn lá trồng trong
các hốc và 2 đến 3 cây ăn quả trồng trên bề mặt
tháp.
Anh Cảnh cho hay, trồng cây trên tháp có nhiều cách, hoặc gieo
hạt trực tiếp, hoặc trồng bằng cây con. Anh lưu ý, nếu gieo hạt
trực tiếp, khi cây cao khoảng 3 - 5cm cần tách ra trồng riêng,
ngoài ra, cây cần được trồng vào buổi chiều để tránh ánh nắng quá
gắt.
"Trong ba đến năm ngày đầu tiên, khi cây còn nhỏ, cần giúp
cây tránh nắng để không bị cháy lá và chết. Sau năm, bảy ngày, thân
cây đã chắc khỏe, rễ đã bám đất thì có thể để dưới nắng bình
thường", anh Cảnh chia sẻ.
Khi tưới nước cho rau, chỉ cần tưới từ trên mặt tháp để nước
ngấm dần xuống đáy tháp, không cần tưới vào từng hốc cây, trừ khi
muốn cung cấp thêm nước cho cây mới trồng.
Anh Cảnh cho hay, mỗi tháp rau 1,5m2 có thể cho thu hoạch từ 15
đến 20kg rau sạch/tháng. Riêng tháp đã ổn định về mặt trao đổi chất
có thể cho năng suất tương đương với 10 chậu nhựa kích thước
lớn.
Vận hành theo cơ chế tự nhiên: lá cây rụng xuống đất, côn
trùng sẽ ăn lá cây tạo thành phân hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng cho
đất trong tháp, lõi tháp xử lý rác làm nhiệm vụ biến rác thành
phân hữu cơ - mô hình tháp rau sạch được xem là mô hình hiệu quả và
sáng tạo.
Trên một tháp nhựa có thể trông hàng
chục loại rau khác nhau.
Những loại cây ăn quả thường được
trồng trên bề mặt tháp.
Rau xà lách tươi tốt, mơn mởn xung
quanh tháp nhựa.
Chỉ cần trồng rau trên một tháp
nhựa, anh Cảnh đã cung cấp đủ rau ăn cho cả nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.