Chàng trai đam mê thiết kế cổ phục Việt: Sẽ tổ chức show diễn trang phục cổ từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ

Chinh Hoàng - Mai Ánh Chủ nhật, ngày 08/05/2022 11:24 AM (GMT+7)
Đam mê cháy bỏng với việc phục dựng trang phục Việt cổ, anh Nguyễn Trọng Tín (quận 12, TP.HCM) từ một ảo thuật gia “lấn sân” sang nghề thiết kế trang phục cổ theo các giai đoạn lịch sử Việt Nam. Sản phẩm của anh chủ yếu phục vụ cho giới nghệ sĩ sân khấu kịch.
Bình luận 0

Anh Tín không chỉ thiết kế trang phục cổ dành cho giới nghệ sĩ kịch, cải lương. Anh còn có niềm mong ước cháy bỏng kể từ khi chập chững bước vào nghề này, là được chính tay mình thiết kế, tổ chức show diễn trang phục cổ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ.

"Từ thất bại đến thành công với nghề này, tôi luôn mong ước sẽ có một show diễn thời trang cổ từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ. Hiện, trong thời gian này tôi cùng một số nghệ sĩ kịch, cải lương đang lên kế hoạch, thiết kế và sẽ vận hành show diễn này", anh Tín mở đầu câu chuyện với phóng viên.

Tay ngang vào nghề thiết kế trang phục cổ

Trước khi đến với thiết kế cổ phục anh Tín từng là một ảo thuật gia lưu diễn khắp sân khấu ở Sài Gòn. Trong một lần vào vai diễn Natra biểu diễn ảo thuật, anh nhận thấy cổ phục có sức hút đặc biệt đối với mình.

Chàng trai đam mê thiết kế cổ phục Việt: Sẽ tổ chức show diễn cổ phục từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ - Ảnh 1.

Từ ảo thuật gia chuyển sang nghề thiết kế, phục dựng trang phục cổ mang tính lịch sử văn hóa Việt anh Tín đã có thời gian nhiều năm trầy trật với nghề. Ảnh: Mai Ánh

Vậy nên, từ cuối năm 2017, anh Tín quyết định rẽ hướng sang học nghề thiết kế cổ phục sân khấu khi chưa được đào tạo qua một trường lớp nào. Anh Tín chủ yếu sáng tạo và học hỏi trên mạng, sách lịch sử về cổ phục Việt Nam.

Khi mới chập chững bước vào nghề này, anh Tín chia sẻ, làm tới đâu hư tới đó vì không có kinh nghiệm và độ tỉ mỉ của các công đoạn trong việc thiết kế cổ phục đòi hỏi phải lăn tăn từng chi tiết một. 

Không nản lòng bởi sự đam mê, sau ngần ấy năm anh Tín đã thành công và có những khách hàng cố định chủ yếu là giới nghệ sĩ sân khấu kịch, cải lương như: Vũ Luân, Kim Tử Long, Bình Tinh...

Chàng trai đam mê thiết kế cổ phục Việt: Sẽ tổ chức show diễn cổ phục từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ - Ảnh 2.

Trong một lần anh Tín chụp hình chung với giới nghệ sĩ sân khấu kịch. Ảnh: NVCC

Kể lại quá trình mới bước vào nghề và đi đến thành công như ngày hôm nay anh Tín bộc bạch: Thời gian ban đầu, anh làm hậu kỳ cho sân khấu kịch trên địa bàn TP.HCM, sau đó nhận làm trang phục cổ cho những lứa thiếu nhi biểu diễn kịch ở sân khấu. Dần dần cơ hội đến với anh nhiều hơn khi anh được nhiều người biết đến nhờ làm cổ phục cho những vở diễn cải lương.

"Những sản phẩm ban đầu khách hàng đặt cho tôi, tuy hơi ái ngại vì tay nghề còn non nớt của mình, nhưng tôi vẫn nhận làm và xem như thử thách bản thân", anh Tín nhớ lại.

Theo anh Tín, trong quá trình hơn 5 năm đến với nghề, hiện lượng khách tìm đến anh để nhờ thiết kế cổ phục không nhiều nhưng luôn ổn định đủ để anh làm ngày làm đêm không lúc nào ngơi tay. Vì mỗi khách sẽ đặt hàng với số lượng lớn đủ để dùng trong một bộ phim, một vở diễn kịch. "Lần gần đây nhất, tôi vừa thiết kế 10 bộ đồ phục vụ cho vở diễn của chú Vũ Luân", anh nói.

Anh Tín chọn thiết kế cổ phục một phần vì đam mê, một phần muốn chọn hướng đi ngược lại với những nhà thiết kế thời trang trẻ trên thị trường. Và hơn hết trong những gam màu cổ phục do chính tay anh thiết kế anh muốn khơi gợi lên tính lịch sử, văn hóa sắc phục cổ Việt Nam.

Khi bắt tay vào làm những trang phục cổ, anh Tín luôn suy nghĩ đến những người nghệ nhân hồi xưa và luôn đặt câu hỏi vì sao thời kỳ đó không có máy, không công nghệ như bây giờ nhưng sản phẩm do họ làm thủ công rất đẹp, tình tiết. 

"Chính những nghệ nhân xưa đã giúp tôi có động lực, khơi gợi các tình tiết để tôi hoàn thiện những thiếu sót đến với nghề này. Khi nhìn các diễn viên, nghệ sĩ bận trang phục của tự tay mình thiết kế diễn lại các trích đoạn lịch sử, tôi cảm thấy tự hào", anh Tín cười hồn hậu.

Phục dựng nhưng phải tôn trọng văn hóa, lịch sử dân tộc

Để phục dựng lại một bộ trang phục cổ Việt anh Tín cho rằng, trước hết cần phải tôn trọng văn hóa, lịch sử của dân tộc. Đến với nghề này, khi học hỏi các tư liệu điều nhầm lẫn nghiêm trọng nhất và làm mất đi bản sắc văn hóa người Việt chính là nhầm lẫn giữa cổ phục Việt – Trung. Anh bảo: "Đây là điều tối kị, cần kĩ lưỡng trong các tình tiết không sẽ nhầm lẫn".

Chàng trai đam mê thiết kế cổ phục Việt: Sẽ tổ chức show diễn cổ phục từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ - Ảnh 4.

Chàng trai đam mê thiết kế cổ phục Việt: Sẽ tổ chức show diễn cổ phục từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ - Ảnh 5.

Cũng theo anh Tín, tác phẩm của anh ra đời luôn thể hiện sự tôn trọng dấu ấn văn hóa sắc phục cổ Việt qua các giai đoạn lịch sử. Ảnh: Mai Ánh

Anh Tín chia sẻ thêm: Hiện phong trào cosplay các nhân vật lịch sử ngày càng phát triển, giới trẻ thích thú khi được mang cổ phục. Tuy nhiên có nhiều cổ phục bị biến chất do gắn thêm phụ kiện của Trung Quốc, nhiều người nhầm lẫn cổ phục Việt - Trung.

Nhớ lại một kỉ niệm sâu sắc với nghề anh Tín tâm sự: "Tôi vẫn còn nhớ rõ như in, có một đoàn làm phim tìm đến yêu cầu thiết kế trang phục cổ thời nhà Lê. Để làm đúng theo yêu cầu của khách hàng, tôi nhờ đại diện của đoàn này mô tả lại trang phục và gửi mẫu để mình tham khảo. Sau khi nhận mẫu tôi từ chối thiết kế ngay vì trang phục họ gửi sai giai đoạn lịch sử và có sự nhầm lẫn với cổ phục Trung Hoa".

Chàng trai đam mê thiết kế cổ phục Việt: Sẽ tổ chức show diễn cổ phục từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ - Ảnh 6.

Anh Tín trong một lần đi mua nguyên vật liệu để chuẩn bị đơn đặt hàng trang phục cổ cho khách hàng. Ảnh: Mai Ánh

"Khi nhận làm đồ cho cả đoàn phim mình sẽ có tiền, thậm chí nhiều tiền, nhưng mẫu họ gửi sai với trang phục lịch sử. Người xem phim rất khắt khe với trang phục của diễn viên, nếu trang phục mà bị chỉ trích sẽ ảnh hưởng tới người thiết kế là tôi, sau đó sẽ ảnh hưởng tới cả đoàn phim. Và còn những điều săm soi tồi tệ khác…", anh Tín nói.

Để thiết kế cổ phục đúng với thời kỳ lịch sử theo anh Tín không hề dễ dàng. Anh phải tìm đọc tài liệu của những nhà thẩm định lịch sử, phải mất nhiều thời gian và công sức đi qua nhiều giai đoạn như: Tìm mẫu, thẩm định mẫu, lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, vẽ, cắt, may… Trong đó, khó khăn nhất là khâu tìm nguyên liệu, phải tốn nhiều thời gian, có khi mất đến mấy ngày hoặc mất cả 1 tuần. Thách thức lớn đối với người thiết kế cổ phục đối với anh Tín là làm trang phục lịch sử có những họa tiết, phụ kiện.

Đối tượng khách hàng chính của anh Tín đa phần là các nghệ sĩ cải lương. Họ đặt những trang phục phù hợp với những tiết mục mà họ biểu diễn. Khi câu chuyện dần kết thúc, một lần nữa anh lại nhắc đến ước mơ ấp ủ từ lâu của mình: "Tới đây sẽ tổ chức show diễn cổ phục thời Lạc Long Quân, Âu Cơ…".

Chi phí cho một bộ cổ phục, anh Tín cho biết, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Ví dụ khách muốn bộ trang phục cần yêu cầu cao, mẫu khó kinh phí cũng sẽ cao hơn những bộ đơn giản. Trung bình giá bán một bộ dao động từ vài triệu đến vài chục triệu, giá thuê đồ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem