Chuyện cảm động ở tổ hợp dệt thổ cẩm của người phụ nữ Sa Pa

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 14/12/2019 19:00 PM (GMT+7)
Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, địa phương đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân, chị Thào Thị Sung, 36 tuổi ở xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, Lào Cai) đã vươn lên xây dựng mô hình tổ hợp dệt thổ cẩm. Mô hình của chị không chỉ giúp bản thân thoát nghèo mà giúp cho hàng chục lao động khác ở địa phương thoát nghèo.
Bình luận 0

Không muốn nhìn thấy người Mông khổ

Nhìn gương mặt phúc hậu, dáng vẻ tần tảo,ít ai biết rằng Thào Thị Sung chỉ mới 36 tuổi. Cách đây 11 năm, gia đình chị nghèo lắm, chỉ toàn ăn rau sắn qua ngày. Không chấp nhận cái khổ, Thào Thị Sung quyết tâm cầm những chiếc túi, chiếc áo thổ cẩm của mình vừa dệt đi chào bán cho khách du lịch.

img

Chị Thào Thị Sung dạy nghề cho các em học sinh và chị em phụ nữ trong bản Tả Phìn làm nghề. Ảnh: Thuỳ Anh

Tình cờ ngày ấy, chị gặp được cán bộ của chương trình giảm nghèo, giúp chị kết nối được với một doanh nghiệp đang cần người làm sản phẩm du lịch. Năm 2015, chị được phía công ty hỗ trợ một chiếc máy khâu. Nhận thấy nhu cầu sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp rất lớn, chị Thào Thị Sùng đã vận động người dân trong thôn cùng vào làm sản phẩm.

“Để có nơi cho chị em tập hợp làm việc, tôi đã dùng 50 triệu đồng tích cóp được suốt bao năm để xây một căn nhà nhỏ trang bị khung cửi, lanh, rồi vận động chị em phụ nữ ở địa phương thành lập Câu lạc bộ Thổ cẩm số 1 ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn” – chị Sùng kể.

Kể từ đó, chị Sùng và người dân nơi đây tập trung thêu thùa, may vá, làm ra các sản phẩm thủ công, đồng thời cũng là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm cho khách du lịch.

Nhớ lại những ngày cuộc sống còn khó khăn, thôn bản thiếu điện, thiếu nước, người dân đói khổ, chị Sùng tâm sự: “Mình không muốn nhìn thấy cảnh người Mông mình khổ mãi. Không muốn nhìn thấy bọn trẻ phải chạy theo chèo kéo khách du lịch để bán hàng, hay phải đi bới rác kiếm sống nên muốn giúp mọi người có công ăn việc làm ổn định, để có một cuộc sống tốt hơn”.

Từ ước mơ giản dị ấy, chị Thào Thị Sung đã tìm mọi cách để chào bán sản phẩm của câu lạc bộ. Từ việc bán trực tiếp cho khách du lịch tại nơi sản xuất, bán online, bán hội chợ… Thay vì chỉ làm một vài sản phẩm truyền thống như quần, áo, khăn thì nay tổ hợp của chị đã cho ra đời tới gần 40 loại sản phẩm, đa dạng về màu sắc, mẫu mã.

“Chị em trong tổ hợp được công ty tư vấn hỗ trợ về kiến thức sản xuất hàng hóa, cách thiết kế sản phẩm thời trang. Thêm vào đó còn được tư vấn về các mặt hàng thị trường đang có nhu cầu nên việc sản xuất của tổ hợp rất hiệu quả. Chị em chủ động được trong khâu sản xuất, các sản phẩm làm ra đều được bán hết” – chị Sùng nói.

Năm 2016, chị Sùng tham gia chương trình “Sáng kiến giảm nghèo” và sáng kiến mở tổ hợp dệt thổ cẩm giúp người nghèo của chị đã được vào vòng chung kết. Ngay sau đó, chị được một công ty tư vấn giảm nghèo hỗ trợ tư vấn, bảo trợ nhập các sản phẩm thổ cẩm. Cơ hội làm sản phẩm may thêu thổ cẩm của những người dân nghèo ở Tả Phìn cũng khởi sắc từ đó.

img

Chị Thào Thị Sung chụp ảnh cùng với khách du lịch thăm quan tổ hợp sản xuất thổ cẩm. Ảnh: Thuỳ Anh

Thành công ngoài mong đợi

Sau hơn 10 năm gây dựng, khởi nghiệp, đến nay tổ hợp dệt thổ cẩm của chị Sung đã được nâng cấp lên thành tổ hợp sản xuất. Từ chỗ chỉ có 3-4 thành viên, tới nay tổ hợp đã có hơn 60 thành viên, bao gồm cả già trẻ, gái trai.

“Ngoài sản xuất thổ cẩm, lanh và các sản phẩm dệt, chúng tôi còn được hỗ trợ để làm du lịch cộng đồng. Dự tính tới đây tôi sẽ cùng bà con xây dựng các homestay để đón khách du lịch, làm cả dịch vụ ăn uống kết hợp lưu trú để khách trải nghiệm văn hóa và tự tay làm các sản phẩm thổ cẩm…” – chị Sung nói.

img

Chị Thào Thị Sùng dạy trẻ em cách thêu túi, mũ thổ cẩm. Ảnh: Thuỳ Anh

Để duy trì nét văn hóa của dân tộc, đồng thời có tiền đề để phát triển kinh tế, hiện nay chị Thào Thị Sùng còn làm việc với các trường trên địa bàn nhằm đưa bộ môn thêu ren, dệt thổ cẩm của người Mông vào trường học.

“Tôi hy vọng, qua hoạt động này các em sẽ hiểu rõ và thêm yêu nghề dệt thổ cẩm của ông cha, từ đó góp phần gìn giữ, phát triển nghề dệt” – chị Sùng nói.

Hiện nay, tổ hợp thổ cẩm của chị Thào Thị Sùng đã bắt đầu sản xuất ổn định, mang lại giá trị kinh tế, lợi nhuận khá cao. Bình quân, lợi nhuận thu về đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng. Từ thu nhập này, có tới 5 hộ dân trong tổng số thành viên của tổ hợp đã vươn lên thoát nghèo. Con cái của họ được học hành ổn định, đời sống bớt khó khăn.

Các sản phẩm của tổ hợp hiện không chỉ được phân phối ở địa bàn huyện Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mà còn được phân phối qua các công ty tới người tiêu dùng Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Ngô Trường Thi – Chánh Văn phòng quốc gia Giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) đánh giá: “Rất nhiều sáng kiến giảm nghèo đã được áp dụng, phát triển và nhân rộng tại địa phương. Đó không chỉ là những mô hình phát triển kinh tế tốt mà còn là cách làm hay để bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của dân tộc. Sáng kiến của Thào Thị Sùng được đánh giá rất cao và cần phải được hỗ trợ để phát triển, nhân rộng”.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem