Nuôi cá rồng-cá quý hiếm-cá sách đỏ Việt Nam trong ao làng mà chàng trai Đồng Nai giàu lên
Chàng trai Đồng Nai nuôi cá quý hiếm trong ao làng, bất ngờ nhất là điều gì?
Thứ sáu, ngày 28/05/2021 13:01 PM (GMT+7)
Chàng trai trẻ Trần Thanh Nghị (sinh năm 1989) vẫn mạnh dạn nuôi thử nghiệm và nhân giống một số dòng cá rồng ngay trong trang trại nhỏ tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Cá rồng (Arowana) là loài cá nước ngọt quý hiếm được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam. Từ năm 1969, loài cá này được IUCN (Liên hiệp Bảo vệ thiên nhiên quốc tế) bảo vệ. Đây không chỉ là loài có giá trị độc đáo về mặt khoa học mà thú chơi cá rồng đã trở thành một trào lưu khắp thế giới và ngày càng thịnh ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, cá rồng thiên nhiên còn rất ít, đa số cá nuôi làm cảnh đều là thế hệ F2. Việc lai tạo giống cá này không dễ và hầu như cá rồng nuôi cảnh tại Việt Nam đều từ nguồn nhập khẩu. Nhưng chàng trai trẻ Trần Thanh Nghị (sinh năm 1989) vẫn mạnh dạn thử nghiệm nhân giống một số dòng cá rồng ngay trong trang trại nhỏ tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Nuôi cá rồng-“Thú chơi sang”
Học quản trị kinh doanh nhưng Nghị lại chọn làm trong ngành bất động sản. 2 năm sau, chàng trai trẻ này lại xuất ngoại học về ẩm thực tại Malaysia, một trong những xứ sở nổi tiếng về sản xuất giống cá rồng.
Những năm du học là khoảng thời gian anh có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về loài cá vua này. Về nước không lâu, Nghị bị tai nạn giao thông nặng nên quyết định theo đuổi công việc mình thật sự đam mê là nuôi cá rồng và kinh doanh cá rồng.
“Con cá rồng đầu tiên tôi nuôi là con thanh long và bị cuốn hút ngay bởi vẻ đẹp của nó. Với tôi, niềm đam mê này không có điểm dừng nên đàn cá cứ tăng dần; bể cá đặt từ ngoài sân đến phủ đầy phòng khách, lên lầu, xuống bếp rồi vào cả phòng ngủ. Nhiều lúc tôi không đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà chăm cá, tỉa vây, chăm chút vẻ ngoài cho chúng” - Nghị kể.
Cá rồng là loài có rất nhiều điểm đặc sắc, từ ngoại hình, cách chúng bơi, màu sắc… đòi hỏi người nuôi phải luôn tìm hiểu. Nghị cười vui bảo rằng, những loài thú cưng khác đều có bác sĩ thú y mỗi khi chúng gặp vấn đề về sức khỏe. Nhưng cá thì không, người nuôi luôn phải tự giải quyết. Và kinh nghiệm là những điều đến từ sự mất mát.
“Đó có lẽ cũng là một lực hấp dẫn của dòng cá này đối với tôi. Cảm giác “cứu” được chúng từ bàn tay của thần chết cũng như lúc nhìn chúng ra đi trong sự bất lực. Hoàn cảnh đó, cảm giác đó là động lực giúp tôi không ngừng trau dồi kiến thức về cá rồng” - anh chàng mê cá này chia sẻ.
Nuôi cá quý ở “ao làng”
Nghị chia sẻ: “Cá nuôi trên bể kính thường gặp phải một số lỗi làm cho cá bị giảm giá trị. Tôi nghĩ đến việc tạo môi trường tự nhiên cho đàn cá cảnh của mình sinh trưởng và phát triển”.
Qua tìm hiểu, Nghị thấy có những thông tin về dòng cá rồng đã tồn tại ở Việt Nam là ở lưu vực sông La Ngà, Trị An của Đồng Nai hoặc xuất hiện rải rác tại vùng thượng nguồn Vườn quốc gia Cát Tiên.
Nguồn nước chảy ra từ những mạch ngầm trên đất Trảng Bom khá tương tự nguồn nước sông thiên nhiên. Cá rồng là loài cá nhiệt đới nên thích hợp sống trong nước có nhiệt độ khoảng 30°C. Nghị đã đo nhiệt độ nước để biết về sự thay đổi độ ấm - lạnh giữa ngày và đêm, giữa các mùa trong năm không quá cao nên khá phù hợp cho cá rồng sinh sống.
“Ở đây hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi nên tôi đã thả thử nghiệm một số con cá rồng vào nuôi trong ao đất nhà” - Nghị nói vui.
Nghị lập trang trại xanh trên diện tích đất rộng 7,5 hécta xưa là khu mỏ khai thác đá. Ngoài 2 hécta ao nuôi cá, anh cho phủ xanh đất trống bởi cây ăn trái, cây gỗ lâu năm để tạo tiểu khí hậu xanh mát quanh năm.
Ban đầu mục tiêu của anh là thả cá vào ao nuôi, đạt size lớn rồi bán vì loài cá rồng thuộc loại khó tính trong sinh sản. Nhưng sau 4 năm thả cá rồng vào ao thiên nhiên, khoảng 4 tháng gần đây, ao cá của Nghị đã thấy xuất hiện những lứa cá rồng nhỏ.
Điều này chứng minh cho việc có thể sản xuất con giống cá rồng ở Việt Nam chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu như trước. Anh tính đến chuyện mở rộng đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất giống cá quý này cung cấp ra thị trường.
Phát triển nguồn cá rồng giống
“Trong sản xuất con cá rồng giống, tôi để thuận theo tự nhiên. Tôi cho nuôi chung các giống cá rồng với nhau để chúng tự chọn lựa khi kết đôi. Dù có thể ra những con giống lai tạo giữa các dòng khác nhau nhưng quan trọng là bước đầu tiên tạo ra được con giống” - Nghị tâm sự.
Trong ao nuôi cá cảnh, anh còn thả thêm một số con giống cá thịt để chúng làm sạch nguồn nước. Ý tưởng của chàng trai trẻ luôn sẵn sàng thử nghiệm cái mới này là cho nuôi xen canh giữa cá cảnh và cá thịt trong ao có sự chọn lọc kỹ về tập tính của từng loài.
Điều quan trọng vẫn là kiểm soát được nguồn nước để tạo môi trường phù hợp cho loài cá rồng sinh sống. Mô hình này hiệu quả có thể nhân rộng cho nông dân và cùng một diện tích ao, người nuôi sẽ có 2 nguồn thu từ cá cảnh và cá thịt.
Trước đây, chỉ những “đại gia” mới đủ điều kiện để chơi cá rồng và họ thường thuộc lớp người khá đứng tuổi. Nhưng nay, phong trào nuôi cá rồng ở Việt Nam đang dần trẻ hóa. Người trẻ hiện nay chơi rất nhiều, rất mê loài cá này. Theo Nghị, tiềm năng thị trường của cá rồng còn rất lớn không chỉ với người chơi trong nước mà cả ở thị trường xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.