Bộ trưởng Lê Minh Hoan vào Bình Thuận bàn cách tìm đầu ra cho trái thanh long

Bùi Phụ - Ngọc Ánh Thứ hai, ngày 21/02/2022 16:22 PM (GMT+7)
Ngày 21/2, tại Bình Thuận, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.
Bình luận 0

Hội nghị tìm đầu ra cho thanh long

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng nhiều sở ban ngành và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;  đại diện tỉnh Tiền Giang, Long An cùng các doanh nghiệp...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan vào Bình Thuận tìm đầu ra cho trái thanh long - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long. Ảnh CTV

Tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NNPTNT gợi ý, trước tình hình khó khăn trong xuất khẩu thanh long như hiện nay, các đại biểu cần nêu và hỏi về cách tiếp cận thị trường; làm sao để hạn chế rủi ro về thị trường và nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực sẽ thành công…

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt ( Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2021, cả nước có trên 64.000 ha thanh long, sản lượng 1.386.000 tấn; 3 tỉnh sản xuất thanh long chính là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. 

Những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá thanh long trong nước giảm sâu, chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Tùng, hiện nay Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, nên thông quan hàng hóa qua cửa khẩu chậm. Chi phí vận chuyển đường bộ và đường biển tăng mạnh, làm tăng giá thành khi xuất khẩu, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nông dân sản xuất thanh long. 

Thực tế chỉ có những vùng, những đơn vị nào liên kết sản xuất, tiêu thụ tốt thì mới tiêu thụ ổn định. 

Trong quý I/2022, ước sản lượng thanh long các tỉnh trồng lớn phía Nam khoảng 247.000 tấn, trong đó tháng 2 khoảng 67.000 tấn và tháng 3 khoảng 63.000 tấn. Hiện nay, một số nông dân đã tạm dừng sản xuất rải vụ thanh long để tránh rủi ro...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đồng tâm hiệp lực, đầu ra trái thanh long sẽ thành công - Ảnh 1.

Sơ chế thanh long ở Bình Thuận. Ảnh BTO.

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có gần 34.000 ha thanh long, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Trong đó có gần 14.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 335 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. 

Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp được 396 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay, tình hình thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Do đó, giá thanh long đang giảm sâu bởi các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng. Giá mua thanh long ruột trắng tại vườn xuống thấp...

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp, HTX sản xuất, xuất khẩu thanh long trong tỉnh Bình Thuận cũng nêu những trăn trở trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, chế biến thanh long. 

Từ đó, đặt ra bài toán về thị trường tiêu thụ hiện nay do chi phí vận chuyển tăng cao, cung vượt cầu…

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết bài toán tiêu thụ thanh long hiện nay cũng như hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới. Theo đó, để giải quyết vấn đề trước mắt, các đại biểu cho rằng, Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan cần đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho bà con nông dân.

Bộ cũng cần có kế hoạch, xây dựng phương án lựa chọn phương thức xuất hàng chính ngạch qua đường biển, đường sắt nhằm giảm ách tắc tại đường bộ.

Phải đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, để giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản cần có sự hỗ trợ, kết nối từ Trung ương, các bộ, ngành liên quan về nhận định tình hình, dự báo thị trường đến việc hoạch định chính sách, cơ chế hướng dẫn, bộ tiêu chí sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan vào Bình Thuận tìm đầu ra cho trái thanh long - Ảnh 4.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại hội nghị. Ảnh CTV

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề xuất Bộ NNPTNT cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia, từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước.

Đồng thời, xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ thanh long trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch, phát triển. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng cập nhật thông tin, chính sách tiêu thụ ở các nước để kịp thời phổ biến đến địa phương; định hướng tăng cường công tác chế biến, giải quyết tình trạng ứ đọng hàng khi gặp khó khăn khi tiêu thụ; đầu tư kho lạnh tại các cửa khẩu để lưu trữ hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, tổ chức lại sản xuất thanh long và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn nữa trong bối cảnh tình hình như hiện nay”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để phát triển bền vững, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, các địa phương phải thống kê, nắm chắc diện tích, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; từng bước nâng cao giá trị trái thanh long; từ đó chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

"Thanh long là câu chuyện điển hình nhưng chúng ta còn nhiều nông sản khác cũng đang nằm trong thách thức vô cùng lớn từ thị trường bên ngoài cũng như thách thức bên trong sản xuất, liên kết, hợp tác. Vì vậy các địa phương, các ngành hàng cần xây dựng hệ sinh thái riêng trên từng ngành hàng, từng loại nông sản...", ông Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đồng tâm hiệp lực, đầu ra trái thanh long sẽ thành công - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến thăm Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Bình An, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: BTO

Trước đó, ông Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến thăm Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Bình An, xã Thuận Quý và Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, xã Hàm Mỹ.

Tại Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Bình An, ông Lê Minh Hoan và đoàn đã đi thăm quan khu sản xuất công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích khoảng 80 ha. Theo chủ trang trại, doanh nghiệp hiện có 70 ha thanh long, 5 ha nho và 5 ha dưa lưới và trong mấy năm qua đã đầu tư nhập khẩu 26 giống nho để trồng thử nghiệm. Hiện có 6 giống nho thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng của Bình Thuận để phát triển diện tích.

Thăm khu sơ chế thanh long xuất khẩu của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, ông Lê Minh Hoan đã hỏi thăm tình hình sản xuất, tiêu thụ và phát triển thị trường xuất khẩu thanh long của doanh nghiệp này.

Được biết, Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn của tỉnh Bình Thuận. Hàng năm, doanh nghiệp xây dựng được chuỗi cung ứng bền vững tại các thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Mỹ, Canada và từng bước mở rộng xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Hiện nay, thanh long Hoàng Hậu đã và đang đẩy mạnh thêm thị trường nhiều nước trên thế giới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem