Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mô hình trồng chuối lùn, sâm bố chính, bưởi và nuôi lợn hữu cơ mà anh làm đang là điểm sáng ở huyện biên giới A Lưới.
Người đầu tiên đưa cây chuối lùn về bản
Năm 2009, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Hải Teo trở về địa phương lập gia đình và làm kinh tế. Anh bảo, gia đình hồi ấy còn nghèo lắm, người dân quanh năm trồng lúa, ngô, sắn… sống nhờ vào "mẹ rừng".
Anh Teo chia sẻ, những ngày đầu về quê, anh gặp nhiều khó khăn, loay hoay với suy nghĩ "nuôi con gì, trồng cây gì" để sống, thoát nghèo và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Sau nhiều lần được đi tham quan, tận mắt chứng kiến nhiều người đã thành công với mô hình trồng chuối, cuối năm 2018 anh Teo đã có một quyết định táo bạo khi đưa cây chuối lùn về Quảng Nhâm để trồng.
"Ban đầu ai cũng nói làm gì có chuyện chăn nuôi mà không có mùi hôi, không ô nhiễm môi trường, không bị dịch bệnh… Có ai biết trồng trọt và chăn nuôi là một mô hình khép kín, đầu vào của thứ này là đầu ra của thứ kia… Nhưng từ khi mô hình của tôi bắt đầu có hiệu quả thì nhiều hộ đã tin tưởng và làm theo".
Anh Nguyễn Hải Teo
Thấy cậu con trai hàng ngày cầm theo cơm nắm lên nương từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà, bà Nguyễn Thị Đợi (mẹ anh Teo) không khỏi sốt ruột, lo lắng bởi không biết những "ước mơ" đưa gia đình thoát nghèo của người con với cây chuối lùn liệu có thành công hay lại "ôm" thêm cục nợ.
Nhớ lại thời điểm ban đầu, anh Teo bảo quyết định của mình gây bất ngờ cho người dân trong bản và cho ngay cả các thành viên trong gia đình. "Trồng chuối và thoát nghèo từ làm nông nghiệp thì ở Quảng Nhâm chưa ai làm được nên nhiều người không tin, rồi ngăn cản, điều này càng làm tăng thêm động lực thôi thúc tôi vượt lên những nghi ngại đó…" - anh chia sẻ.
Để phát triển vườn chuối quy mô và đúng kỹ thuật, anh Teo đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi và vét sạch số tiền tiết kiệm của gia đình, với tổng hơn 500 triệu đồng để mua giống, đúc cột, làm hàng rào kiên cố… để trồng chuối theo đúng quy trình khoa học kỹ thuật. Sau 10 tháng trồng "cây cũng không phụ lòng người", những cây chuối lùn đầu tiên bắt đầu cho trái ngọt.
Anh Teo cho biết, để chuối đạt năng suất và chất lượng cao, nải đẹp, đều, to và ngọt thì công tác chăm sóc, nhất là bón phân luôn phải chú trọng, thực hiện kỹ càng. Nhờ đó, mỗi buồng cho trọng lượng hơn 30kg, anh bán sỉ được trên 100.000 đồng. Tất cả chuối sau thu hoạch đều được hợp tác xã thu mua, nên đầu ra ổn định.
Tiền thu hoạch chuối vụ đầu anh Teo tiếp tục đầu tư trồng tiếp thêm 2.000 gốc. Sau hơn 5 năm gắn bó với cây chuối lùn, vườn chuối của anh luôn phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao và thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Hiện số nợ mà anh vay để đầu tư trồng chuối đã được trả, không nhưng thế, anh còn đầu tư mở rộng quy mô vườn tược, trồng thêm bưởi da xanh, sâm bố chính và nuôi lợn hữu cơ...
Với việc tiên phong đưa cây chuối lùn về A Lưới, anh Teo là hình mẫu giúp nhiều bà con đồng bào học tập, làm theo. Theo đó, phong trào trồng chuối đã lan rộng khắp toàn huyện với hơn 400ha. Năm 2019, thương hiệu chuối lùn già A Lưới được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Cho lợn ăn thảo dược, rau rừng
Từ đầu xã Quảng Nhâm rẽ vào con đường nhỏ chừng 2km là trang trại 2ha của gia đình anh Teo. Lúc chúng tôi đến, anh Teo đang chăm chút cho đàn lợn bằng cách cho ăn thảo dược và một số loại rau rừng, cạnh chuồng lợn là hàng chục gốc bưởi da xanh đang cho trái sai trĩu trịt, vườn chuối xanh mướt.
Cười tươi, anh Teo cho biết, năm 2020 anh được UBND huyện A Lưới và Tập đoàn Quế Lâm tin tưởng, lựa chọn để thí điểm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ. Tham gia mô hình, anh được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật và thực hành chăn nuôi lợn hữu cơ; các công đoạn chế biến thức ăn ở tổ hợp, xây dựng chuồng trại, cách phòng chống dịch bệnh; cách chọn nái, phối tinh…
Có kiến thức trong tay, anh Teo được Tập đoàn Quế Lâm ký hợp đồng liên kết. Từ đây, vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện A Lưới để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn 250m2 theo mẫu nuôi lợn nái, lợn thịt, trang thiết bị hệ thống quạt phun sương… Tháng 8/2021, Tập đoàn Quế Lâm đã chuyển giao 8 lợn nái và 60 lợn thịt cho gia đình anh nuôi và cấp giấy chứng nhận hữu cơ.
"Chăn nuôi lợn hữu cơ yêu cầu thời gian dài hơn, đòi hỏi tính kiên trì, không ăn xổi như nuôi công nghiệp, nhưng thành quả thì bền vững và ít rủi ro về dịch bệnh, giá cả. Hơn nữa, mô hình chăn nuôi này không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, không sử dụng chất tăng trọng vật nuôi, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, lợn không sử dụng nước tắm… nên an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng" - anh Teo cho biết.
Sau hơn 2 năm nuôi lợn hữu cơ, gia đình anh Teo xuất bán được hơn 5 tấn lợn hơi, sản xuất trên 100 lợn giống. Lợn con xuất đạt 13-15kg/con, lợn thịt phát triển tốt. Quy trình chăn nuôi được anh thực hiện nghiêm túc, nhất là việc chăn nuôi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không để dịch bệnh xảy ra…
"Thằng Teo chẳng mấy khi ở nhà, ăn ngủ ở vườn suốt, có thời gian lại đi rừng lấy rau về cho lợn. Vợ đi dạy về còn phụ thêm chồng. Thứ bảy, chủ nhật hai đứa làm việc quần quật…" - mẹ anh Teo cho hay.
"Không có thứ gì bỏ đi"
Ông Hồ Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, xã có đến 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Pa Kô và người Tà Ôi. Xã được sáp nhập từ hai xã đặc biệt khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, với hơn 300 hộ nghèo và cận nghèo.
Xã Quảng Nhâm nằm bên dòng sông Tà Rinh nên lâu nay ngô là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của đồng bào, nhận thức còn hạn chế nên quá trình sản xuất vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, đất đai ngày càng bạc màu.
Những năm gần đây, diện tích trồng ngô của người dân gặp nhiều sâu bệnh như sâu keo tàn phá cả cánh đồng, gây thiệt hại khoảng 30%, làm giảm thu nhập của bà con nông dân. Ngoài ra do điều kiện thời tiết, khí hậu đặc trưng của vùng miền núi A Lưới mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 8 hàng năm nên việc trồng ngô 2 vụ rất khó thực hiện do không phơi được.
Lấy mô hình nông nghiệp tuần hoàn của anh Teo như ví dụ điển hình cho chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Ngọc cho biết, từ nguồn phân chăn nuôi lợn, anh Teo tiếp tục sử dụng để bón lại cho chuối và bưởi da xanh nên "không có thứ gì bỏ đi" và giúp nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường.
Sau hơn 2 năm làm nông nghiệp tuần hoàn, bây giờ anh Teo đang là chủ của một tổ hợp chăn nuôi, trồng trọt khép kín lớn nhất xã Quảng Nhâm. Nhờ đưa công nghệ vi sinh vào đệm lót, chất thải chăn nuôi trở thành nguồn phân bón hữu cơ, vừa tiết kiệm được tiền đầu tư, vừa giải được bài toán môi trường, anh đã thu lãi từ 500.000 – 800.000 đồng/con lợn. Ngoài ra, diện tích bưởi da xanh, sâm bố chính, chuối lùn được bón phân hữu cơ làm từ chất thải chăn nuôi lợn cũng ít bị sâu bệnh hơn so với trước. Nhờ đó, mỗi năm anh Teo thu lãi 120 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.