Chàng trai tật nguyền viết đơn bằng máu đòi lại công bằng

Chủ nhật, ngày 06/12/2015 08:25 AM (GMT+7)
20 năm qua, thấy người mẹ khốn khổ đi đòi lại công bằng song không ăn thua, người con trai tật nguyền này đã viết 10 lá đơn thư bằng máu ở tay mình.
Bình luận 0

Trước những trận đòn roi liên miên của người bố vũ phu cùng người dì ghẻ độc ác, anh Trần Văn Hà (Nghệ An) luôn sống trong thấp thỏm cùng mẹ viết những đơn thử gửi các cơ quan chức năng để đòi lại công lý, đòi lại quyện lợi đích đáng của mình.

Nằm một chỗ trên giường, thân hình co quắp, bản thân Hà không thể tự hoạt động cũng như sinh hoạt bình thường do bị dị tật bẩm sinh vì bệnh xương thủy tinh hành hạ. Tuy nhiên, nỗi đau bệnh tật của Hà không lớn bằng nỗi đau bị chính người bố đẻ của mình ruồng rẫy, bạo hành. Kí ức về người bố độc đoán, về người mẹ lam lũ chịu thương chịu khó ám ảnh Hà đến suốt cuộc đời.

Cuộc đời bất hạnh của người đàn bà 20 năm lấy chồng để "ăn đòn"

Nhóm phóng viên tìm đến khối 1, Thị trấn Quỳnh Hợp, Nghệ An để tìm hiểu thực hư câu chuyện này. Tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Lâm (SN 1968), trong căn nhà cấp 4 lụp sụp, vá víu khắp nơi. Nói là căn nhà thì hơi quá thực chất nó chỉ là một túp lều tranh nho nhỏ đang siêu vẹo đón lấy những đợt gió rét của mùa đông nơi vùng núi nghèo Nghệ An.

Trong chén trà ấm, bà Lâm trải lòng với những ký ức kinh hoàng, thi thoảng bà khẽ rùng mình vì nhớ lại ký ức những trận đòn roi, từ mấy mươi năm trước đang sống lại theo lời kể của bà.

img

Hình ảnh của Hà quằn quại trong những lá đơn không có hồi âm.

Bà Lâm kết hôn vào năm 1986 cùng ông Trần H. (SN 1959), người địa phương. Họ đến với nhau bằng hai bàn trắng.

Từ lúc kết hôn, bà Lâm phải sống trong cảnh cay đắng vì thói vũ phu của chồng. Bà Lâm kể lại: "Có những lần ông H đánh ác lắm, cầm gậy gỗ mà phang lên người thôi. Có lần tôi chửa đứa đầu, ông H đánh tôi một trận suýt nữa là tụt thai, khủng khiếp lắm".

Những ký ức khủng khiếp mà bà Lâm kể lại khiến ai trong chúng tôi đều hãi hùng. Chúng tôi phải xin phép cắt lời bà vì không thể chịu đựng được nỗi đau thể xác mà bà Lâm miêu tả lại. Bà đã chịu đựng suốt 20 năm trời như vậy, mà ngày nào cũng "ăn đòn" đều như "ăn cơm".

Năm 1997, không thể chịu đựng được nỗi đau thể xác bà ly hôn với ông H, nhận mọi thứ thiệt thòi về cho mình. Lúc đó bà mới 30 tuổi với ba người con 1 trai, 2 gái. Nhưng người con giữa là anh Trần Văn Hà thì bị dị tật bật sinh do bệnh xương thủy tinh. Bà đành ngậm ngùi để con cho chồng chăm sóc với ước mơ con mình được sống trong đầy đủ, không phải tha phương giống mẹ.

Bố đánh 5 phần, dì ghẻ đánh 10 phần

Năm 1999, ông H kết hôn lần hai với bà Đ.T. H. cũng ngụ tại gần đó. Sau đó bà H. sinh ra 2 người con trai nên đứa con tật nguyền như Hà bị ghẻ lạnh, bị đánh đập, bị chà đạp lên nhân phẩm và danh dự.

Tiếp lời trong nước mắt, bà Lâm kể lại: "Lúc ly hôn, ông H lập giấy tờ khống để chiếm hết tài sản về cho mình. Trong đó ông H viện lí do nuôi cháu Hà bị tật nguyền để chiếm 3/4 tải sản, để lại cho cô cùng 2 người con gái 1/4 còn lại".

img

  Bà Nguyễn Thị Lâm cùng con.

"Tôi cứ tưởng cháu sống với bố cháu sẽ bớt khổ ai ngờ để Hà ở đó là sai lầm của cả cuộc đời tôi. Những lần thăm con thấy con tàn tạ trong cơn mưa roi vọt của dì ghẻ mà khiến tôi đau như từng khúc ruột. Hà vốn thiện thòi vì tàn tật rồi, nay cháu bị đánh liên miên như vậy thì không có tôi bảo vệ cháu sống làm sao" - bà Lâm khóc từng hồi khi xoa lưng đứa con đã qua cái tuổi 25 mà nặng vẻn vẹn có 20 kg đang nằm co quắp trên giường.

Hổ dữ không ăn thịt con, nhưng không đúng trong trường hợp của gia đình nhà Hà. Hà kể lại, đã có ít nhất 3 lần ông H định giết chết Hà rồi. May mắn thay có người can ngăn được nên anh mới sống được đến bây giờ.

"Bố đánh 1, thì dì ghẻ đánh 10. Bà ta thêm bớt vài câu là bố lại đánh nữa. Những lúc như đó, tôi chỉ gào thét trong tuyệt vọng xin bố tha thứ trong khi tôi chẳng biết vì sao mình bị đánh nữa. Vì tôi vô dụng, tàn tật nên tôi bị đánh hay sao?", Hà thở dài.

img

  Cận cảnh lá đơn gửi báo chí.

Hành trình đi đòi lại công lý

Hà cho chúng tôi xem những bức tâm thư là câu chuyện mà theo em chưa công bằng, oan khuất khi bản án của Tòa án huyện Quỳ Hợp đã đẩy mẹ anh là bà Nguyễn Thị Lâm vào cảnh khốn khó, không lối thoát.

Hà chia sẻ: "Năm 1998 bố mẹ em ra tòa ly hôn, đồng thời có một số tài sản chủ yếu là đất đai thì cũng kê khai để Tòa án phân chia. Việc phân chia tài sản của Tòa án không công bằng khiến mẹ con em thiệt thòi, lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Mẹ một mình nuôi ba đứa con, lại phải nhọc nhằn hơn khi phải gánh lên vai đứa con tật nguyền như em…?”.

Cả một chặng đường dài hơn 20 năm trời, Hà đã phải chứng kiến mẹ viết đơn thư đi cầu cứu khắp nơi để có thể tìm lại quyền lợi, để có thể được thụ hưởng những tài sản mà do chính mồ hôi, công sức mẹ làm nên.

"Những bước chân của mẹ ngày càng nhiều hơn trên đường đi tới công lý, trên đường đi tới từng cơ quan chức năng để kêu cứu. Nhưng, mọi thứ vẫn không được làm rõ, sự thiệt thòi vẫn phải mang gánh lên đôi vai gầy của mẹ cùng với ba người con nhỏ" - Hà nói.

img

  Túp lều siêu vẹo của 4 mẹ con nhà bà Lâm.

Tháng 9/2015, bà Lâm chính thức được nuôi Hà. Từ lúc bà Lâm đón anh về là từ năm 2006 tới lúc bà chính thức được pháp luật ủy quyên nuôi anh, bà Lâm phải tất bật mưu sinh để cho những đứa con của mình có cái ăn, cái mặc.

Nhưng bản thân Hà là người tàn tật, được nhà nước trợ cấp hàng tháng hơn 1 triệu đồng. Tính thời điểm tháng 9/2015, số tiền là 24 triệu 630 ngàn đồng đều bị ông H chiếm đoạt.

Nhiều lần ra tòa, bà H yêu cầu ông H phải trả số tiền đó. Ông H không trả. Bà Lâm cay đắng kể lại: "Chúng tôi có lên tòa yêu cầu ông H trả lại số tiền mà ông chiếm đoạt của Hà trong khoảng thời gian đó nhưng tòa bác bỏ hết. Không những vậy, tòa án Quỳnh hợp còn làm ngơ cho ông H đe dọa giật mình cho chúng tôi chết ở trước tòa. Rất nhiều tài sản mà chúng tôi lúc còn là vợ chồng làm ra đều bị ông H chiếm toàn bộ".

img

  Hà vẫn âm thầm chịu đựng những nỗi đâu mà bố và dì mang lại

Bản thân bà Lâm phải nuôi 3 đứa con trong cảnh nghèo túng, trong khi ông H có nhà lâu, xe hơi, của ăn của để, giàu có nhưng không "thí" cho các con ông 1 đồng nào.

Bà Lâm ngậm ngùi: "Hiện tại ông ta đang rao bán hết tài sản để đi vào Bình Dương tránh kiện tụng với gia đình chúng tôi".

Chính vì thế, được biết Hà đã quyết định cắt ngón tay, lấy máu để đính kèm 10 lá đơn thư gửi các ban ngành tìm lại công bằng cho mẹ suốt 19 năm qua.

Kể về những bức thư được viết bằng máu, Hà chia sẻ: "Em phải làm vậy để xã hội đòi lại công bằng cho mẹ con em. Chứ 20 năm, mẹ em ròng rã đi tìm công lý nhưng không ăn thua", Hà nói giọng cầu khẩn khi rất mong mọi thứ của mình được trả lại cho mình.

Tiểu Lâm (Người đưa tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem