Khi bạn bè vui háo hức nhập trường thì có nhiều bạn trẻ trượt đại học lại chênh vênh chưa biết đâu là hướng đi tốt cho bản thân. Họ đắm chìm trong buồn bã, đau khổ với sự thất bại đầu đời, xấu hổ với bạn bè, người thân...
Dẫu biết rằng, đại học sẽ giúp bạn đặt chân đến gần hơn với những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ của mình. Nhưng những người không đỗ đại học, họ vẫn có vô vàn sự lựa chọn khác, khi họ biết được bản thân thích làm gì, có điểm mạnh nào...
Vì thế, cánh cổng tương lai vẫn luôn rộng mở đón chào những người có ý chí, luôn nghĩ tích cực và có định hướng rõ ràng cho chính mình.
|
Thanh Phúc - chàng giám đốc trẻ tài năng
Học sinh cá biệt của trường
Câu chuyện không học đại học vẫn thành công không chỉ có ở những cái tên đình đám thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs… Có những người trẻ, dù từng trượt đại học thảm hại nhưng vẫn thành công theo cách họ mong muốn nhờ vào sự nỗ lực không ngừng.
Trần Thanh Phúc (sinh năm 1992, quê Bắc Giang, cựu sinh viên trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Hà Nội) là một trong số đó. Chia sẻ về những năm học phổ thông của mình, anh chàng không ngừng nhắc đến từ “tệ hại”. Thế nhưng, hiện tại, anh đã trở thành giám đốc của 3 doanh nghiệp với doanh thu hơn 7 tỷ/năm.
Điều gì đã tạo ra bước tiến vượt bậc như vậy? Thanh Phúc nói: “Con cá chỉ bơi được dưới nước chứ không thể leo cây. Cái quan trọng nhất ở mỗi người trẻ là phải biết đặt sở trường của mình ở đúng chỗ”.
Anh chàng từng là học sinh cá biệt của trường với kết quả học tập thảm hại
Suốt những năm cấp 2, cấp 3, Thanh Phúc học hành bết bát, ngoại trừ Thể dục, tất cả các môn học của anh đều dưới 6 phẩy. Có năm, anh chỉ đạt học sinh kém vì điểm học kỳ môn Văn là 3.5 điểm, cộng thêm hàng loạt lần phạm lỗi như đốt pháo, đánh nhau, ngủ gật trong lớp, trốn học…
“Mình bị liệt vào danh sách đen của trường. Mấy ngày đầu, cô giáo còn gọi điện về thông báo cho gia đình nhưng sau thì chán chẳng gọi nữa. Kiến thức văn hóa của mình gần như bằng không”, Phúc kể.
Tốt nghiệp cấp 3, anh vẫn làm hồ sơ rồi khăn gói ra thành phố thi đại học. Anh chọn hẳn trường Đại học Quốc gia Hà Nội với suy nghĩ: “Đã trượt thì trượt cho danh giá”. Và anh trượt thảm hại khi tổng ba môn khối A chỉ đạt 7 điểm.
Trượt đại học, Phúc chẳng có bất cứ dự định gì cụ thể cho tương lai. Anh muốn được đi du học Canada để một bước thay đổi mình nhưng bị bố mẹ phản đối vì đã quá mất niềm tin vào cậu con trai ngỗ ngược. Điều duy nhất Phúc xác định khi đó là… phải giàu.
“Những năm 2007 - 2008, bố mẹ mình bị lừa đến phá sản nên dù phổ thông học hành chẳng ra gì mình vẫn xác định sau này phải giàu và tỉnh táo. Mà để làm được hai điều đó thì phải giỏi nhiều thứ, từ kiến thức cho đến kỹ năng. Mình quyết tâm dù không đi học đại học, cao đẳng hay trung cấp thì kiểu gì cũng phải ra Hà Nội hoặc vào TP.HCM làm việc”, Phúc chia sẻ.
Thanh Phúc không để mình chìm nghỉm trong sự thất bại
Thay vì hoang mang bởi trượt đại học, Thanh Phúc dành thời gian nhìn lại chính bản thân xem mình có gì và muốn gì. Từ khi 6 tuổi, Phúc đã tiếp xúc với máy tính, sau này lại nghiện chơi game nên biết khá nhiều về công nghệ. Anh xác định, công nghệ thông tin là lĩnh vực phù hợp nhất.
Phúc tìm hiểu các trường đào tạo công nghệ thông tin và quyết định xin vào học ngành thiết kế website của trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Hà Nội. Đó cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của chàng trai Bắc Giang.
Giám đốc trẻ có hoài bão lớn
Sở trường được đặt đúng chỗ giống như “cá gặp nước”, Thanh Phúc có bước tiến dài trong 2,5 năm học cao đẳng. Anh học với niềm đam mê và yêu thích thực sự chứ không còn cảm giác bó buộc, chán nản như trước kia. Thành tích học tập tốt, ngay từ kỳ 2 của năm học đầu tiên, anh chàng đã được chọn làm trợ giảng cho các thầy cô.
Chàng trai Bắc Giang học được 4 điều tâm đắc: Phát triển kinh doanh cần có quy trình mới dễ kiểm soát; Nói làm sao để người kém nhất cũng hiểu được; Tìm vấn đề, hiểu bản chất và giải quyết để không lặp lại; Tư duy logic… Những điều đó là bước đệm quan trọng cho các quyết định của anh sau này.
Thanh Phúc có hoài bão lớn trong lĩnh vực quảng cáo
Ra trường, Thanh Phúc xin làm nhân viên kinh doanh tại một công ty sự kiện để lấy kinh nghiệm. Nửa năm sau, anh xin sang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo.
Cuối năm 2017, Phúc mở công ty sự kiện đầu tiên và tổ chức một show ca nhạc điện tử lớn nhất Bắc Giang với sự tham gia của hơn 3000 người. Giữa năm 2018, Phúc mở một công ty quảng cáo riêng tại Bắc Giang và đầu năm 2019, anh cùng bạn bè khởi nghiệp dự án cho thuê vị trí quảng cáo ngoài trời, sân bay, cụ thể là sử dụng ứng dụng trên điện thoại để tìm kiếm vị trí cần thuê… Những công ty Phúc quản lý đang cho doanh thu 7,2 tỷ đồng/năm.
“Mình thấy càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp mọc lên, cần quảng cáo nhưng lại không nắm được cách thức hiệu quả. Mà tất cả những gì mình đang làm đều liên quan đến quảng cáo nên nảy ra ý tưởng kêu gọi các nhà đầu tư để thành lập hệ sinh thái quảng cáo, mục đích là để tư vấn, triển khai chiến dịch quảng cáo tổng thể cho các doanh nghiệp vừa và lớn”, Phúc nói.
Tư duy và công việc Phúc đang làm khiến bố mẹ anh phải bất ngờ. Bởi lẽ, khó có thể tin cậu con trai “phá gia chi tử” năm nào lại trở thành người có hoài bão lớn đến vậy.
Phúc cười chia sẻ: “Có lẽ, ở những năm tháng đó điều cuối cùng mình vớt vát lại được là ước mơ làm giàu. Mình không để cho bản thân bị cuốn đi bởi cái yếu kém và sự thất bại. Mình nghĩ, người trẻ rất cần xác định rõ việc bản thân muốn làm và muốn làm được thì cần những kỹ năng gì rồi tập trung trau dồi, trải nghiệm”.
Đương kim vô địch Olympia đã xuất sắc thế nào trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.