Chánh án TAND Tối cao: Dân không tin thẩm phán sơ cấp nên nhất định kháng cáo
Chánh án TAND Tối cao: Dân không tin thẩm phán sơ cấp nên nhất định kháng cáo
Quỳnh Nguyễn
Thứ năm, ngày 09/11/2023 19:25 PM (GMT+7)
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông đọc rất nhiều đơn kiện của người dân, với yêu cầu vụ án của họ phải do thẩm phán cao cấp, trung cấp xử, họ không tin thẩm phán sơ cấp xử, họ cho rằng trình độ không đáng tin cậy nên xử xong họ nhất định phải kháng cáo, khiến vụ án kéo dài.
Thảo luận tại tổ về Dự luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chiều 9/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu nhiều quan điểm về "triết lý" sửa luật lần này.
"Người dân có quyền biết vì sao họ bị xử thua"
Sau khi khẳng định ngành tòa án đã làm nhiều việc để "mong muốn nâng tầm nền tư pháp nước nhà", Chánh án nhắc lại ý kiến của ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) hôm thảo luận tại Quốc hội về kinh tế - xã hội khi đề cập đến giải thích luật hay giải thích cách áp dụng luật và nói đó là hai câu chuyện khác nhau.
"Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử chúng ta làm từ xưa tới giờ. Trong vụ án điều tra viên, kiểm sát viên ý kiến khác nhau, nhưng tòa án tuyên bản án căn cứ vào điều luật nào, bản án phải giải thích vì sao anh áp dụng điều này mà không phải áp dụng điều kia. Người dân có quyền biết vì sao tòa tuyên họ thua kiện, vì sao bị cáo bị tuyên án 5 năm mà không phải 10 năm", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Việc giải thích áp dụng luật vì vậy không phải là tăng quyền mà là tăng trách nhiệm của thẩm phán, giải thích để người dân tâm phục, khẩu phục.
"Nhiệm vụ này không thay thế được giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng không thay thế được Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao", Chánh án khẳng định.
Về thu thập chứng cứ, Chánh án cho hay không nước nào trên thế giới cho tòa thu thập chứng cứ. Việc thu thập chứng cứ thuộc về các cơ quan tố tụng cả hình sự lẫn dân sự. Trong nguyên tắc tố tụng, khi tranh tụng thì tòa đứng giữa bảo đảm công bằng, khách quan, không nghiêng về bên nào.
"Nếu đứng về một bên sẽ thiếu khách quan, không lẽ tòa án lại đi thu thập chứng cứ có lợi cho cơ quan nhà nước, bất lợi cho người dân?", Chánh án nói và nêu quy định trong dự thảo về việc tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ cho người yếu thế.
Dự luật cũng dự kiến bỏ quy định tòa án khởi tố vụ án tại tòa để bảo đảm tính chất trung tâm xét xử của tòa án. Việc tòa án khởi tố vụ án tại tòa trên thực tế cũng không hiệu quả. "Chúng ta lựa chọn mô hình tố tụng suy đoán vô tội, nếu chứng cứ không đủ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo thì tòa trả điều tra bổ sung một lần, nếu sau đó việc điều tra bổ sung vẫn không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội thì tuyên vô tội", Chánh án nói.
Về quy định chế định thẩm phán, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, luật hiện hành đang quy định thẩm phán cấp huyện gọi là thẩm phán sơ cấp; thẩm phán cấp tỉnh là thẩm phán trung cấp, thẩm phán ở tòa án cấp cao là thẩm phán cao cấp, thẩm phán ở TANDTC là thẩm phán tối cao "Điều này gây ra những điều cực kỳ khó khăn cho công việc chúng tôi", ông Bình bày tỏ.
Chánh án TAND Tối cao nêu ví dụ, một huyện nào đó ở Bắc Giang rất nhiều việc, muốn điều một thẩm phán ở tòa tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ, giải quyết cho nhanh thì không làm được vì ông thẩm phán trung cấp không xử các vụ sơ cấp.
"Tôi đọc rất nhiều đơn kiện của người dân, họ yêu cầu vụ án phải do thẩm phán cao cấp, trung cấp xử, họ không tin thẩm phán sơ cấp xử, cho rằng trình độ không đáng tin cậy… nên xử xong họ nhất định phải kháng cáo, khiến vụ án kéo dài", ông Bình nói.
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nhiều thẩm phán sơ thẩm kiến thức, kinh nghiệm còn hơn cả thẩm phán cao cấp, nhưng mang mãi danh thẩm phán sơ cấp.
"Tôi nói thay tâm tư, nguyện vọng của gần 6.000 thẩm phán sơ thẩm, từ khi vào ngành, rèn luyện như thế đến khi về hưu nhưng suốt đời làm thẩm phán sơ cấp, không được hưởng chế độ gì cả.
So sánh với lực lượng vũ trang ít nhất người ta lên thiếu tá, trung tá, thượng tá, còn ở tòa án là như vậy nên không động viên được anh em. Anh em rất tâm trạng về việc này, không khuyến khích được cán bộ chuyên tâm phấn đấu theo chuyên môn, trở thành các chuyên gia, thẩm phán giỏi", ông Bình nói và cho biết, việc sửa luật lần này đặt ra vấn đề để thẩm phán có các bậc, để họ phấn đấu theo chuyên môn, góp phần giải tỏa tâm trạng cho các thẩm phán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.