Chắp và vá

Thứ tư, ngày 29/06/2011 15:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất ngờ nhất xung quanh nguy cơ phải phá 3 chiếc cầu vượt để làm đường sắt trên cao là sự không bất ngờ của không chỉ những nhà khoa học. Với tầm nhìn thiển cận và quy hoạch manh mún thì 3 chiếc cầu, trị giá 5 nghìn tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng, có lẽ chỉ là một ví dụ cho sự bất cập, và lãng phí đã kéo dài nhiều năm và sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Bình luận 0

Không bất ngờ bởi cái gọi là quy hoạch giao thông thủ đô thực chất chỉ là những giải pháp tình thế, giật gấu vá vai. Một thứ quy hoạch mà cái sau luôn xoá bỏ cái trước. Đường tắc thì mang bê tông bịt ngã tư. Đường mở ra đến đâu, chưa kịp khánh thành đã tắc nghẽn hoàn toàn vì quá tải. Hầm đường bộ hiện đại nhất Đông Nam Á ngập nước vì trời mưa. Các đại dự án giao thông vừa khởi động, vừa điều chỉnh quy hoạch.

Quy hoạch giao thông thủ đô từ nhiều chục năm đã được thực hiện theo kiểu: “Rách đâu vá đấy” và chính lối quy hoạch rách- vá, đã đẩy giao thông thủ đô vào tình trạng càng vá càng rách. Quy hoạch rách vá thậm chí đã được dân gian hoá trong những câu cửa miệng: “Rách đâu vá đấy, vá đấy rách đâu, vá đâu rách đấy”.

Không bất ngờ bởi vì cho đến nay, các con đường cứ mở, các ngã tư hoành tráng cứ làm, và đường vẫn cứ tắc- trong khi quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội (có kèm chữ tầm nhìn) vẫn đang phải điều chỉnh, vẫn đang phải chờ phê duyệt.

Không bất ngờ, ngay đối với một thường dân thủ đô vì họ đã có quá nhiều ví dụ nhãn tiền để thấy những đồ án, quy hoạch giao thông có giá trị chẳng hơn gì lời hứa của ông Bộ trưởng. Chẳng hạn như dự án đường vành đai 3. Dù được khởi động từ những năm 2001, 8 năm sau, đến 2009 mới có quyết định điều chỉnh dự án. Trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội tháng 8.2009, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói chậm trễ là do “có sự giao cắt với đường sắt trên cao nên quy hoạch cũ đã không còn đảm bảo... phải có sự điều chỉnh”.

Và bây giờ, cũng vì không còn phù hợp nên sẽ phải điều chỉnh, và nhiều khả năng phải điều chỉnh bằng biện pháp phá bỏ, dù tổng giá trị các cây cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng lên tới 5.000 tỷ đồng.

Không bất ngờ bởi quy hoạch giao thông của thủ đô luôn phải chạy theo tốc độ đô thị hoá. Đường chạy theo khu dân cư. Khu dân cư mở ra theo đường và sau đó phải “điều chỉnh” vì không tính toán, không dự báo được mật độ lưu thông.

Cần phải nói là dự án đường sắt trên cao mới chỉ là dự án trên giấy đã thấy trước được việc phải phá bỏ 3 cây cầu vượt ngàn tỷ. Không biết khi triển khai trong thực tế sẽ còn phải “điều chỉnh” những gì? 3 cây cầu phải phá có lẽ vì thế vẫn chỉ là sự tiếp nối những bất cập về tầm nhìn trong quy hoạch giao thông thủ đô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem