Chất lượng khám chữa bệnh vẫn là câu hỏi

Thứ tư, ngày 29/08/2012 08:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc tăng viện phí có thể lợi bất cập hại khi mà vấn đề “nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thì ít, mà để mua sắm trang thiết bị thì nhiều”...
Bình luận 0

Đây là các ý kiến tại Hội thảo “Đại biểu dân cử với Luật Bảo hiểm y tế, viện phí và Luật Khám, chữa bệnh” tổ chức ngày 28.8 tại Hà Nội.

Viện phí tăng ảnh hưởng 36% dân số

Hội thảo do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN tổ chức. Đánh giá tác động của việc tăng giá viện phí, ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, 64% dân số đã có thẻ BHYT được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) nên gần như không bị ảnh hưởng.

Còn 36% dân số (trên 30 triệu người), chủ yếu là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên sẽ bị ảnh hưởng, nhưng do chỉ điều chỉnh 447 dịch vụ nên các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả. Cũng theo ông Liên, việc tăng viện phí giúp các cơ sở y tế có kinh phí để thực hiện dịch vụ, thúc đẩy xã hội hóa y tế…

img
Người dân mong viện phí tăng sẽ đi kèm với tăng chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ... Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, BS-TS Trần Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) phản biện rằng, việc tăng viện phí lần này chủ yếu là để có thêm kinh phí phục vụ vận hành các cơ sở dịch vụ y tế công. Do đó, khi Nghị định 43 về tự chủ trong các cơ sở khám chữa bệnh có hiệu lực, chắc chắn viện phí sẽ có sự gia tăng mạnh với lý do “thu để quyết toán trong KCB”. Như vậy, lợi ích đưa lại để nâng cao chất lượng dịch vụ KCB thì ít mà tiền cho mua sắm máy móc, thiết bị y tế thì nhiều. Trong khi đó, đa phần các thiết bị này đều do các hãng nước ngoài sản xuất.

“Điều kiện tiên quyết để nâng chất lượng dịch vụ y tế phải là yếu tố con người vận hành hệ thống dịch vụ y tế công, nhưng nguồn thu từ tăng giá dịch vụ lại không đề cập đến mục tiêu đổi mới con người và quy trình vận hành” - TS Tuấn nhận định. Theo TS Tuấn, giá dịch vụ y tế phải được xây dựng bắt đầu từ loại hình dịch vụ và chất lượng đi kèm cung cấp cho cộng đồng. Theo đó, giá dịch vụ phải đặt lợi ích sức khỏe cộng đồng lên trên lợi ích kinh doanh.

Năm 2013 có thể bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Tuy vậy, ông Nguyễn Nam Liên bảo vệ quan điểm khi cho rằng, nếu không điều chỉnh giá viện phí thì bệnh viện sẽ không có nguồn kinh phí để KCB, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh có thẻ BHYT. Ông Liên dẫn chứng, trong số trên 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện, có 350 dịch vụ được ban hành tại Thông tư 14 (năm 1995) với mức thu quá thấp; 2.700 dịch vụ ban hành kèm Thông tư 03 (năm 2006) cũng chưa được điều chỉnh. Trong đó nhiều dịch vụ chỉ thu bằng 30-50% chi phí trực tiếp theo thời giá năm 1995, trong khi các yếu tố chi phí đầu vào đã tăng nhiều lần.

Trong số 447 dịch vụ kỹ thuật y tế tăng điều chỉnh giá lần này, có 7 loại dịch vụ (chiếm 1,6%) giảm giá, 16 dịch vụ (3,6%) giữ nguyên giá và có tới 246 dịch vụ (chiếm 55,2%) có mức tăng từ 1-5 lần; 94 dịch vụ tăng trên 5 lần.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) bổ sung thêm: Danh mục thuốc được BHYT chi trả hiện quá rộng rãi, bao gồm cả những loại thuốc mà nước giàu cũng không chi trả. Có những loại thuốc điều trị ung thư chúng ta đang trả có giá trên 30 triệu đồng. “Quỹ Bảo hiểm xã hội phải đảm bảo sự cân đối, nhưng nếu không dùng quỹ dự phòng từ những năm trước thì sang năm 2013, bội chi là bất khả kháng” - ông Sơn nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem