Chất lượng nguồn lao động thấp tác động tới thị trường lao động

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 16/06/2018 06:18 AM (GMT+7)
Tỷ lệ lao động thất nghiệp cao, thiếu việc làm, đáng lo ngại hơn cả là chất lượng nguồn nhân lực thấp... là nhiều “mảng tối” trong thị trường lao động của Việt Nam.
Bình luận 0

Doanh nghiệp chưa mặn mà hợp tác với trường nghề

Ngày 13.6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức “Hội nghị quốc gia phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng sử dụng lao động”. Các chuyên gia đã trao đổi để tìm giải pháp thúc đẩy sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực đồng thời gắn kết giữa GDNN và việc làm, giữa cơ sở đào tạo và người học nghề, người sử dụng lao động và người lao động...

img

 Hơn một nửa lao động của Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp, ở nông thôn, chất lượng lao động thấp. Ảnh: M.N

"Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của DN trong quá trình đào tạo nhân lực. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam”.

Bà Lê Kim Dung – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)

Theo báo cáo của Cục Việc làm, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam tồn tại những bất cập như cung lớn hơn cầu, chất lượng lao động yếu, vấn đề đào tạo chưa gắn với yêu cầu sử dụng, kết nối doanh nghiệp (DN) và trường nghề còn hạn chế.

Trước đó, theo kết quả khảo sát nhanh của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) năm 2017 tại 79 DN, chỉ có 12,3% DN có hợp tác thường xuyên với cơ sở GDNN, có tới 46,2% DN không có mối quan hệ hợp tác với bất kỳ cơ sở GDNN nào. Trong khi đó, hình thức hợp tác phổ biến của các DN trong GDNN chỉ đơn thuần là tiếp nhận và hướng dẫn học viên thực tập tại DN, cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo... Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục GDNN) cho biết, các kết quả khảo sát của đơn vị này cho thấy, tỉ lệ DN hợp tác cùng trường nghề  rất thấp, với 9,11%, trong đó thấp nhất ở khu vực DN ngoài nhà nước. Tỷ lệ DN có đào tạo nghề cho lao động cũng chỉ gần 40%.

 “Điều 60 Bộ luật Lao động quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động chưa được DN nghiêm túc thực hiện. Mặc dù các trường nghề đã đến tận nơi gõ cửa nhưng sự hợp tác bài bản và lâu dài giữa trường nghề và DN còn ít. Nội dung hợp tác của DN và cơ sở GDNN triển khai cũng chưa được nhiều” – ông Tiến nhận định.

 Bà Trần Thị Lan Anh - Giám đốc Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động (VCCI) cho rằng, thời gian qua, đào tạo nghề đã đáp ứng một phần nhu cầu của DN, tuy nhiên, tỷ lệ các DN có hợp tác với trường nghề chưa cao. DN chưa thấy được nhiều lợi ích khi tham gia đào tạo nghề, sự cam kết và đóng góp của DN vào đào tạo nghề là vấn đề rất khó khăn không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước khác cũng vậy.

Chất lượng lao động thấp

Trao đổi với báo chí, bà Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, tỉ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội; số lượng các cơ sở đào tạo phân bố chưa hợp lý.

Theo kết quả điều tra lao động – việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2016, số lao động phi chính thức khá lớn với trên 18 triệu lao động, chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp và tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp (duy trì ở mức độ trên dưới 2%). “Tỷ lệ lao động nông thôn nhiều, thất nghiệp không cao nhưng chất lượng lao động nói chung lại cực thấp. Đây là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam” - bà Dung nói.

Nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực lao động cũng cho rằng,  tất cả những tồn tại trong thị trường lao động Việt Nam kể trên đều xuất phát từ khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động. Đào tạo một đằng, sử dụng một nẻo khiến cho cung không đáp ứng được cầu lao động.

Ông Tiến cho rằng, cần phải hình thành hệ thống cơ sở GDNN phân tầng, có trường đào tạo chất lượng cao để đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cho các DN có công nghệ tiên tiến. “Cùng với đó là những trường nghề phổ biến để đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các DN trong cả nước, khuyến khích hình thành các trung tâm đào tạo nghề ngay tại DN”- ông Tiến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem