Chất lượng nước sạch không ai quản lý

Thứ ba, ngày 28/09/2010 15:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đại diện của Tổ chức Unicef tại Việt Nam cho rằng, vấn đề nước sạch và ô nhiễm môi trường đang là “gánh nặng” của người dân nông thôn và cả của những người nghèo ở đô thị.
Bình luận 0

 

Đề án “Quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2010-2020” Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt được coi là bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu quan trọng trong Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

img
Đến năm 2020, 100% dân số nông thôn sẽ được dùng nước sạch theo quy định.

Mục tiêu của đề án, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày vào năm 2020.

Người dân chịu thiệt

Thực tế, đến cuối năm nay, Chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (QGNS&VSMTNT) giai đoạn 2 (2006-2010) phải đảm bảo 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tính đến thời điểm này, mục tiêu của chương trình có thể “tiệm cận”, tuy nhiên chất lượng nước sinh hoạt còn đang là một bài toán khó giải làm nhiều địa phương lúng túng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, dự kiến trong tháng 10, Bộ NN&PTNT, Ban Chủ nhiệm Chương trình MTQGNS&VSMTNT sẽ trình Chính phủ những nôi dung cơ bản của Chương trình NS&VSMTNT giai đoạn 3 (2011-2015).

Theo báo cáo của Trung tâm NS&VSMT Hà Nam, toàn tỉnh hiện có 52 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Hầu hết các trạm được xây dựng hệ thống, công nghệ lý hoá để khử trùng và xử lý nước.

Nhưng, trong quá trình sử dụng nhiều công trình đã bị xuống cấp, không có trang thiết bị kiểm tra mẫu nước, cán bộ thiếu, năng lực yếu...

Điều lo ngại là các công trình cấp nước nhỏ lẻ, lỗ khoan khai thác có chiều sâu không lớn. Vì thế, mặc dù các công trình này có hệ thống xử lý bằng giàn mưa và bể lọc cát nhưng quy cách xây dựng hệ thống lọc và chất lượng nước không ai quản lý.

Còn tại Hà Nam hiện có đến 4 cơ quan “chung tay” làm nước sạch là Trung tâm NS&VSMT, Trung tâm Y tế dự phòng, Sở TN&MT, Sở KH&CN. Nếu như không có một cơ chế quản lý nhất quán thì có lẽ, người dân nông thôn ở Hà Nam sẽ còn chịu nhiều thiệt thòi. Theo ông Nguyễn Thành Luân- Phó Giám đốc Trung tâm QGNS&VSMT, chất lượng nước trên thực tế ở nhiều địa phương bị bỏ lỏng.

Giảm “gánh nặng” cho nông thôn

Đại diện của Tổ chức Unicef tại Việt Nam cho rằng, vấn đề nước sạch và ô nhiễm môi trường đang là “gánh nặng” của người dân nông thôn và cả của những người nghèo ở đô thị. Vì thế, việc ban hành, phổ biến và triển khai đề án “Quản lý chất lượng nước sinh hoạt ở nông thôn” của Bộ NN&PTNT sẽ tạo ra những tiền đề có tính chất quyết định cho việc cải thiện chất lượng nước ở nông thôn.

Theo ông Lý Hữu Phước- Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Bình Thuận, việc xây dựng, phổ biến và triển khai đề án sẽ giúp cho các địa phương quản lý tốt hơn chất lượng nước góp phần tăng thụ hưởng cho người dân vùng nông thôn và đồng bào DTTS.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học khẳng định, bên cạnh việc đảm bảo có nước để sinh hoạt thì mục tiêu từng bước tăng cường cải thiện chất lượng nước cho sinh hoạt khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư về phát triển nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem