Trong đó, canxi là một thành phần của màng tế bào cây nên rất cần thiết cho sự hình thành tế bào mới và làm màng tế bào ổn định, vững chắc. Nó còn cần cho sự hình thành và phát triển của rễ cây. Đặc biệt canxi có vai trò như một chất giải độc do trung hòa bớt các axit hữu cơ trong cây và hạn chế độc hại khi dư thừa một số chất như K+, NH4+. Nó cũng cần thiết cho sự đồng hóa đạm nitrat và vận chuyển gluxit từ tế bào đến các bộ phận dự trữ của cây.
|
Phân bón lưu huỳnh có vai trò quyết định trong việc tạo mùi vị cho các cây hành, tỏi. |
Canxi giúp cây chịu úng tốt hơn do làm giảm độ thấm của tế bào và việc hút nước của cây. Ngoài ra, canxi có trong vôi còn có tác dụng cải tạo đất, giảm độ chua mặn và tăng cường độ phì của đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt. Thiếu canxi thân cây mềm yếu, hoa rụng, nếu thiếu nặng thì đỉnh chồi có thể bị khô. Ngược lại nếu đất nhiều canxi sẽ bị kiềm, tăng độ pH không tốt với cây.
Vai trò của magiê thì lại khác. Nó là thành phần cấu tạo chất diệp lục nên giữ vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và tổng hợp chất gluxit trong cây. Magiê tham gia trong thành phần của nhiều loại men, đặc biệt các men chuyển hóa năng lượng, đồng hóa lân, tổng hợp protein và lipit.
Magiê giữ cho độ pH trong tế bào cây ở phạm vi thích hợp, tăng sức trương của tế bào nên ổn định cân bằng nước, tạo điều kiện cho các quá trình sinh học trong tế bào xảy ra bình thường. Thiếu magiê lá cây sẽ mất màu xanh bình thường và xuất hiện các đốm vàng, mép lá cong lên, thiếu nặng cây có thể bị chết khô. Nếu dư thừa magiê sẽ làm thiếu kali.
Riêng lưu huỳnh hiện đang được coi là yếu tố dinh dưỡng thứ 4 của cây trồng sau đạm, lân và kali. Lưu huỳnh tham gia trong thành phần của các axit amin và protein có chứa lưu huỳnh, trong đó có axit amin không thể thay thế như methionin. Lưu huỳnh còn có trong thành phần của men coenzim A xúc tiến nhiều quá trình sinh lý trong cây như quang hợp, hô hấp và sự cố định đạm của vi sinh vật cộng sinh.
Lưu huỳnh đóng vai trò quyết định trong việc tạo thành các chất tinh dầu và tạo mùi vị cho các cây hành, tỏi, mù tạt. Nó còn là chất cần thiết cho sự hình thành chất diệp lục, thúc đẩy quá trình thành thục và chín của quả và hạt. Ngoài ra, khi cây trồng hút lưu huỳnh ở dạng SO42- có trong đất qua rễ và SO2 trong không khí qua lá còn góp phần làm sạch môi trường.
Cây thiếu lưu huỳnh có biểu hiện giống như thiếu đạm, lá vàng lợt, cây thấp bé, chồi kém phát triển. Còn thừa lưu huỳnh thì lá nhỏ, đôi khi bị cháy lá.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa
(Trung tâm Nghiên cứu Đất – Phân bón & Môi trường phía Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.