ChatGPT vào Việt Nam, bác sĩ sẽ bị mất việc?

Thứ tư, ngày 08/02/2023 23:55 PM (GMT+7)
Nhiều ý kiến lo ngại khi ChatGPT hoạt động tại Việt Nam sẽ khiến các nhân viên y tế mất việc, khi ứng dụng này được cho rằng có thể dễ dàng đậu kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ tại Mỹ.
Bình luận 0

Cơn sốt ChatGPT đến nay vẫn chưa hạ nhiệt, khi nhận được sự quan tâm, bàn luận ở mọi lĩnh vực. Nhiều ý kiến cho rằng, trí tuệ nhân tạo thế hệ mới này sẽ khiến hàng loạt công việc của con người bị ảnh hưởng, trong đó có ngành y.

Nỗi lo bác sĩ sẽ bị thay thế, mất việc đã xuất hiện, vì cho rằng ChatGPT có khả năng giao tiếp với bệnh nhân, đưa ra phác đồ điều trị, chẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng, chính xác.

ChatGPT vào Việt Nam, bác sĩ sẽ bị mất việc? - Ảnh 1.

Người dân dùng công cụ ChatGPT để tìm thông tin về thuốc trị bệnh (Ảnh: MXH).

ChatGPT có thể thay thế hoàn toàn nhân viên y tế?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM nhận định, ChatGPT hiện chỉ thay thế được một phần năng lực của cán bộ y tế, và trong tương lai cũng không thể thay thế hoàn toàn. Ông Dũng phân tích, có 3 lý do để đi đến nhận định trên.

Thứ nhất, nhân viên y tế có khối óc, trái tim và bàn tay. Trí tuệ nhân tạo tham gia được một phần việc ở "cái đầu", còn y bác sĩ phải làm nhiều việc, từ phẫu thuật, can thiệp, băng bó vết thương, tiêm ngừa, hồi sức… bằng bàn tay của mình. ChatGPT cũng không thể thay thế tình cảm, cảm xúc của con người. Sự động viên, cử chỉ, gương mặt thân thiện đem lại niềm tin tưởng, cảm giác tích cực cho bệnh nhân là điều mà chỉ cán bộ y tế bằng xương bằng thịt có được.

ChatGPT vào Việt Nam, bác sĩ sẽ bị mất việc? - Ảnh 2.

ChatGPT hiện không thể thay thế các công việc cần bàn tay của nhân viên y tế (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, gần đây có thông tin cho biết ChatGPT đậu chứng chỉ hành nghề y tại Mỹ trong "một nốt nhạc" khi tổ chức thi thử, gây nên tâm lý lo ngại ứng dụng này sẽ đánh bật nhân viên y tế. Tuy nhiên thực tế, kết quả "thi thử" của ChatGPT chỉ đạt 60% điểm tối đa, tương đương với một bác sĩ mới ra trường và dở nhất, thấp hơn mặt bằng trình độ chung rất nhiều.

Đó là chưa kể, thông tin đề thi đã được người sáng tạo cung cấp dữ liệu sẵn cho ứng dụng theo đặc thù của ngành y tế Mỹ. Nếu là đề ngẫu nhiên ở một quốc gia khác không có trong cơ sở dữ liệu của ChatGPT, chưa chắc công cụ này vượt qua được.

Ngoài ra, dịch tễ học ở từng khu vực, quốc gia không giống nhau và thay đổi theo từng thời điểm chứ không bất biến. ChatGPT chỉ trả lời được thông tin cơ bản chung, không thể cho đáp án cụ thể theo đặc điểm từng nơi.

"Cho dù ChatGPT có thể giỏi hơn về kiến thức, nhưng hành động, cảm xúc và kinh nghiệm của bác sĩ là điều nó không thể có. Không bệnh nhân nào có sẵn đầy đủ dữ liệu triệu chứng, đòi hỏi bác sĩ phải hỏi thêm các thông tin cần thiết, dựa trên kinh nghiệm và phán đoán của mình để tiến đến kết luận chính xác", PGS Dũng khẳng định.

ChatGPT vào Việt Nam, bác sĩ sẽ bị mất việc? - Ảnh 3.

Ngoài kiến thức chung, đòi hỏi phải có kinh nghiệm của bác sĩ để chẩn đoán, xử trí chính xác cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy).

Chuyên gia phân tích thêm, có những bệnh nhân không thể mô tả, cung cấp dữ liệu ban đầu, như trẻ em chưa biết nói. Trong khi đó, một nhân viên y tế giỏi, đã trải qua nhiều năm thực hành có thể dựa vào tiếng khóc của bệnh nhi để biết trẻ đang gặp vấn đề gì. Không cung cấp đủ thông tin, ChatGPT không thể làm được điều này.

Không sợ mất việc, nhưng phải thay đổi

Từ thực tế trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, không có chuyện y bác sĩ thất nghiệp hay viễn cảnh cán bộ y tế bị sa thải vì ChatGPT. Dù vậy, trong lịch sử phát triển của nhân loại luôn có sự thay đổi.

Với ngành y, sự thay đổi đến từ việc nhân viên y tế chuyển dần từ hành nghề bằng lao động thủ công sang sử dụng công cụ hỗ trợ (bao gồm trí tuệ nhân tạo) và nâng cao kỹ năng, năng lực nhân văn, nhân bản, thấu cảm của mình. Nói cách khác, vai trò của nhân viên y tế không mất đi mà ngày càng quan trọng hơn.

Song song đó, nhà đào tạo phải thích ứng với sự tiến bộ của xã hội, phát triển của khoa học để thay đổi cách đào tạo, theo hướng ngày càng giảm dần khối lượng những kỹ năng công việc đã có sự hỗ trợ của máy móc, tập trung vào các nội dung đáp ứng nhu cầu con người rõ ràng hơn.

ThS.BS Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho rằng, sự xuất hiện của ChatGPT mang nhiều ý nghĩa tích cực hơn là lo ngại về tương lai nghề nghiệp của nhân viên y tế. Khi có chatbot này, nhân viên y tế sẽ có công cụ hỗ trợ tìm kiếm thông tin, hình ảnh, video cho việc chẩn đoán bệnh hay các ca mổ nhanh hơn rất nhiều, thay vì phải đọc tài liệu dàn trải. Từ đó, thuận tiện hơn trong việc cứu chữa bệnh nhân.

ChatGPT vào Việt Nam, bác sĩ sẽ bị mất việc? - Ảnh 4.

ChatGPT hiện chỉ là một trong nhiều công cụ hỗ trợ điều trị cho nhân viên y tế (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Trong khi đó, ứng dụng này không thể làm thay y bác sĩ trong việc mổ, chăm sóc người bệnh hay các lao động y khoa trực tiếp khác. Dữ liệu của ứng dụng cũng chỉ là thông tin lý thuyết, cần có kinh nghiệm và thực hành lâm sàng của con người.

Ngoài ra, nhân viên y tế cần phải có một kiến thức nền vững chắc trước khi sử dụng ChatGPT, để trong trường hợp thông tin cung cấp không chính xác có thể kịp thời phát hiện, tránh chẩn đoán điều trị sai, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Bác sĩ Chức cho biết, trước ChatGPT, nhiều năm nay đã có những công cụ khác để hỗ trợ ngành y, như Uptodate (hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng dựa trên những bằng chứng), Medscape (website tra cứu thông tin y khoa, tìm kiếm tài liệu y văn). ChatGPT chỉ là một trong những nguồn mà y bác sĩ có thể tham khảo, đối chiếu trước khi ra quyết định điều trị cuối cùng.

Theo Hoàng Lê (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem