Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 1/5 dẫn nhận định của tờ Bưu điện Washington (Mỹ) cho biết, các nước châu Âu không có nhiều lựa chọn thay thế cho phép họ độc lập với nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga và tránh các vấn đề kinh tế nghiêm trọng trong mùa Đông tới.
"Trong hầu hết mọi kịch bản, 18 tháng tới sẽ là thời gian khó khăn đối với châu Âu, khi tác động của giá năng lượng cao trên khắp thế giới và các chính phủ phải vật lộn để cung cấp điện cho các nhà máy, sưởi ấm ở trong nhà và duy trì để các nhà máy điện hoạt động. Châu Âu không có đủ lựa chọn thay thế trong thời gian tới để tránh những thiệt hại lớn về kinh tế trong mùa Đông tới nếu Nga cắt giảm nguồn cung", bài báo viết.
Tờ Washington Post dẫn nhận định của Edward Chow, học giả về an ninh năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lưu ý khối lượng cung cấp khí đốt toàn cầu hiện tại khó có thể sớm thay đổi mạnh mẽ. Không có nhà cung cấp nào có thể sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn một cách nhanh chóng.
Theo ý kiến của tờ báo, Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, đặc biệt không được chuẩn bị cho kịch bản hiện tại. Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nước này nhận gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên từ Nga.
Hiện Đức đã giảm mức nhập khẩu từ Nga xuống còn 35%, nhưng không có điều kiện để sớm độc lập hoàn toàn với khí đốt của Nga. Berlin thiếu cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh nước này sẽ rơi vào suy thoái nếu không có khí đốt của Nga.
"Thay vì mua dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga - nơi có chi phí sản xuất rất thấp và vận chuyển bằng đường ống rẻ - trước mắt châu Âu phải chuyển sang các lựa chọn thay thế đắt tiền hơn như từ Mỹ. Với phương án này, các công ty châu Âu phải trả thêm từ 30 đến 50% chi phí khí đốt cho một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi từ Vịnh Mexico đến châu Âu với tổng hành trình 24 ngày", bài báo cho biết.
Hơn nữa, theo The Washington Post, các nước châu Âu khó có khả năng đa dạng hóa việc nhập khẩu khí đốt của họ trong ngắn hạn, bởi vì "một dự án cung cấp khí đốt tự nhiên mới thường mất ít nhất từ 2 đến 4 năm để xây dựng".
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể cảnh giác với các dự án khí đốt tự nhiên lớn, dài hạn vì các chính phủ và doanh nghiệp đang hướng đến các loại năng lượng thân thiện với môi trường hơn.
Theo các chuyên gia được tờ báo trích dẫn, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga sẽ là Đức, quốc gia có kho chứa khí đốt chỉ đạt 33,5%, Italy (35%) và Hungary (19,4%). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các quốc gia châu Âu có thể tồn tại khoảng sáu tháng mà không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Sau đó, các vấn đề kinh tế nghiêm trọng có thể xuất hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.