Châu Âu tham vọng bỏ ô tô chạy bằng xăng dầu vào năm 2035
Châu Âu tham vọng bỏ ô tô chạy bằng xăng dầu vào năm 2035
Huỳnh Dũng
Thứ năm, ngày 21/10/2021 09:15 AM (GMT+7)
Mới đây, Giám đốc điều hành Oliver Zipse cho biết BMW đã có kế hoạch để ứng biến với các quy định, bộ luật về cấm ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở các khu vực, châu lục, quốc gia.
Châu Âu muốn cấm ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035
Gần đây nhất, giới sản xuất xe hơi phải tháo mồ hôi hột khi EU đã đề xuất một lệnh cấm có hiệu lực đối với ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035, như một phần của gói các biện pháp rộng hơn nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu. Cơ quan điều hành EU, Ủy ban châu Âu đã đề xuất cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 từ ô tô vào năm 2030 so với mức năm 2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại là giảm 37,5%.
Ủy Ban Châu Âu cũng đề xuất cắt giảm 100% lượng khí thải CO2 vào năm 2035, điều này sẽ khiến việc sản xuất, bán các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới trong khối 27 quốc gia sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cản trở.
Helen Clarkson, giám đốc điều hành của Climate Group, một nhóm phi lợi nhuận làm việc với các doanh nghiệp và chính phủ Châu Âu cho biết: "Đây là loại tham vọng ý nghĩa nhất mà chúng tôi chờ đợi được thấy từ EU, khu vực đang bị thiếu chính sách trong những năm gần đây để đối phó với tính trạng biến đổi khí hậu".
"Nghiên cứu khoa học cho chúng ta biết rằng, chúng ta cần giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, vì vậy đối với giao thông đường bộ, điều đó thật đơn giản là loại bỏ xe động cơ đốt trong".
Còn William Todts, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Bảo vệ Giao thông & Môi trường EU cho biết, đề xuất của Ủy ban Châu Âu "là một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp ô tô và là tin tốt cho các lái xe; Các quy định mới sẽ dân chủ hóa ngành ô tô điện và tạo ra một động lực lớn cho việc sạc pin, đồng nghĩa với việc ô tô xanh, sạch sẽ sớm có giá cả phải chăng và dễ sạc cho hàng triệu người châu Âu. Vấn đề là các nhà sản xuất ô tô sẽ phải bắt đầu bán những chiếc xe xanh sạch hơn đó từ năm 2030".
Monique Goyens, giám đốc Tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng Châu Âu đồng ý với quan điểm này. Bà nói: "Quyết định loại bỏ ô tô chạy xăng và động cơ diesel vào năm 2035 là một tín hiệu rõ ràng cho thấy các nhà sản xuất ô tô cần đẩy nhanh công việc đổi mới đội xe".
Nói một cách chi tiết thì lệnh cấm này cấm ô tô động cơ đốt từ năm 2035 trở đi, đồng nghĩa với việc sẽ mở đường cho thị trường xe điện phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, Hiệp hội công nghiệp xe hơi châu Âu (ACEA) cho biết, việc cấm một công nghệ xe hơi cụ thể không phải là một hướng đi hợp lý, đồng thời nói thêm rằng động cơ đốt trong, xe hybrid, xe chạy bằng pin và hydro cần đóng một vai trò trong quá trình chuyển đổi này.
Để thúc đẩy doanh số bán hàng xe điện, Brussels cũng đề xuất luật yêu cầu các quốc gia lắp đặt các điểm sạc công cộng cách nhau không quá 60 km (37,3 dặm) trên các tuyến đường chính vào năm 2025. Dự báo sẽ có 3,5 triệu trạm sạc công cộng cho ô tô và xe tải điện vào năm 2030, tăng lên 16,3 triệu vào năm 2050. Brussels cũng đề xuất cho phép xe hybrid được coi là phương tiện phát thải thấp cho đến năm 2030.
Frans Timmermans, người đứng đầu chính sách về biến đổi khí hậu của EU cho biết: "Quá trình chuyển đổi sang xe điện đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với những gì mọi người từng dự đoán, nhưng sau đó chúng tôi có nghĩa vụ tạo ra các động lực phù hợp cho điều đó". Ủy ban Châu Âu ước tính 80-120 tỷ euro (95- 142 tỷ USD) sẽ cần được chi cho các trạm sạc công cộng và tư nhân trên toàn EU vào năm 2040.
Viện nghiên cứu IHS Markit cho biết trong một báo cáo rằng, nếu EU nâng mục tiêu giảm phát thải CO2 lên 50% vào năm 2030, thì doanh số bán xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới trên toàn khối sẽ gần như bằng 0 vào thời điểm đó.
Hiện tại, các đề xuất của Ủy ban Châu Âu sẽ cần được các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu đàm phán và thông qua, có thể mất khoảng hai năm. Vì thế, nhiều nhà sản xuất ô tô đã công bố đầu tư vào điện khí hóa, một phần nhằm đón đầu các mục tiêu khí thải khắc nghiệt hơn của EU.
BMW cho biết: "Đã sẵn sàng cho bất kỳ lệnh cấm nào đối với ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch"
Và trong phát ngôn mới nhất, Giám đốc điều hành Oliver Zipse cho biết thương hiệu BMW của Đức sẽ sẵn sàng cho bất kỳ lệnh cấm nào kiểu như vậy.
"Chúng tôi sẽ sẵn sàng trước lệnh cấm ô tô động cơ đốt trong. Nếu một khu vực, một thành phố, một quốc gia có ý tưởng cấm kiểu phương tiện này, chúng tôi sẵn sàng chấp thuận nhưng chúng tôi có một đề xuất tương ứng sau đó", Oliver Zipse nói trong một hội nghị tổ chức tại thị trấn Nuertingen, gần Stuttgart.
Ông thẳng thừng tuyên bố: "Tập đoàn BMW không lo lắng về điều này".
Con đường đào thải ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch của EU vào năm 2035 sẽ đầy ổ gà
Mercedes đã tuyên bố sẽ chuyển sang xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030 khi "điều kiện thị trường cho phép", trong khi Audi sẽ kết thúc sản xuất xe động cơ đốt trong vào năm 2033, Volkswagen và General Motors cũng có động thái tương tự. Tuy nhiên, không giống như các đối thủ trên, hiện tại BMW chưa ấn định ngày kết thúc sản xuất xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, hãng này cho biết họ dự kiến 50% doanh số bán ô tô toàn cầu sẽ là xe điện vào năm 2030.
Còn một nguồn tin nội bộ khác cho hay, BMW của Đức vẫn chưa sẵn sàng đưa ra cam kết như vậy trong thời điểm hiện tại, vì họ cho rằng động cơ đốt trong vẫn còn tiềm năng khá xa.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Automotive News Europe, Giám đốc phát triển của BMW, Frank Weber cho biết việc chuyển đổi sang xe điện sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều, vì một số câu hỏi cần được giải quyết trước tiên: "Khi nào hệ thống phương tiện toàn cầu sẵn sàng chấp nhận đồng loạt các loại xe chạy pin đó? Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo để thiết kế xe điện sẽ được định hình ra sao. Mọi người đã sẵn sàng chưa? Hệ thống đã sẵn sàng chưa? Cơ sở hạ tầng sạc đã sẵn sàng chưa?
Sau đó, cũng có vấn đề với lực lượng lao động, BMW giống như nhiều nhà sản xuất ô tô khác, có rất nhiều người làm việc để phát triển hệ thống truyền động truyền thống. Nếu theo quy định mới thì lực lượng lao động sẽ phải được đào tại lại để sản xuất xe điện, nhưng đó là một quá trình phức tạp sẽ đòi hỏi một lượng thời gian đáng kể để nhân viên được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý Châu Âu, các quy định về khí thải sẽ ngày càng chặt chẽ, mạnh tay hơn sẽ khiến BMW tìm cách đáp ứng nhanh các quy định này; nếu muốn có chỗ đứng tại các khu vực, châu lục trong những năm tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.