Thưa Giáo sư, trước Châu bản triều Nguyễn, chúng ta cũng đã từng có những di sản khác được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới như mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng với di sản này thì chắc hẳn ông phải có những cảm xúc đặc biệt?
GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
- Đúng là với lần chúng ta được đón nhận danh hiệu này, cảm xúc của tôi cũng có đặc biệt so với các di sản khác. Với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử, văn hóa đất nước, khi 1 di sản của đất nước được tôn vinh tầm thế giới, tôi rất vui mừng. Bên cạnh vui mừng về lịch sử văn hóa thì tôi có thêm vui mừng vì điều đó có nghĩa chúng ta có thêm bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù về các bằng chứng chủ quyền này, chúng ta có cả một hệ thống chứ không chỉ riêng Châu bản, nhưng Châu bản triều Nguyễn có giá trị pháp lý rất cao. Khi được công nhận là di sản tư liệu thế giới thì điều đó có ý nghĩa di sản tư liệu này không còn nằm ở phạm vi quốc gia mà nó đã tỏa sáng để tôn vinh trên phạm vi nhân loại, giá trị đó cần được quảng bá và phát huy ra thế giới.
Theo Giáo sư, giá trị nổi bật nào của Châu bản đã khiến hồ sơ này nhanh chóng thuyết phục được UNESCO?
- Châu bản là văn bản có dấu Châu phê do Hoàng đế phê duyệt, kèm dấu ấn của vương triều, là tài liệu lưu trữ đặc biệt của vương triều. Khi vinh danh hồ sơ này, UNESCO nhấn mạnh các giá trị của Châu bản theo tiêu chí Tư liệu thế giới: Tính xác thực, đặc biệt quý hiếm và ý nghĩa quốc tế.
Theo chế độ văn thư triều Nguyễn, các văn bản do Nội các trình lên hoàng đế phê duyệt, văn bản gốc lưu tại Nội các và “phụng sao” một số bản giao cho các bộ, cơ quan và địa phương liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Do đó Châu bản là bản gốc và duy nhất, độc bản. Ngoài ra Châu bản còn chứa đựng những thông tin trung thực để nghiên cứu về kỹ thuật làm giấy, chữ viết qua các giai đoạn, các loại ấn chương, bút tích của nhà vua… Trong kho Châu bản của chúng ta hiện nay, trong 773 tập, 85.000 đơn vị Châu bản, rất mừng là có 19 tờ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Trong 19 tờ có 1 tờ phát hiện ở Lý Sơn, 1 tờ do nhà sử học ở Huế trao tặng, còn lại số Châu bản chúng ta còn lưu trữ có 17 tờ. Vừa rồi tôi làm một nghiên cứu, phân tích riêng 19 tờ Châu bản này, rất mừng vì nó phản ảnh một cách hết sức rõ ràng về cách thức quản lý, chủ quyền của Triều Nguyễn đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Xin Giáo sư nói rõ hơn về nội dung khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong Châu bản?
Bà Katherine Muller Martin -
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội
UNESCO khuyến nghị Việt Nam nên cung cấp những tư liệu được số hóa này thông qua truy cập mở, miễn phí cho học sinh, giảng viên, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và công chúng, đặc biệt là giới trẻ bởi họ là những tác nhân thay đổi và phát triển quốc gia trong tương lai”.
- Tôi có thể khẳng định 4 điểm thế này sau khi nghiên cứu Châu bản: Thứ nhất, triều Nguyễn đã có nhận thức rất sâu sắc về vị trí Hoàng Sa, Trường Sa trong vị trí địa chiến lược của đất nước ta. Thứ hai, Châu bản thể hiện triều Nguyễn đã nâng tầm quản lý Hoàng Sa, Trường Sa lên vị trí quốc gia chứ không còn là của địa phương. Thứ ba, có thể nhận thấy triều Nguyễn có phương thức quản lý Hoàng Sa, Trường Sa bao quát rất nhiều mặt thể hiện qua việc hằng năm phái các đội thuyền, đo đạc bản đồ, thực thi chủ quyền rất đầy đủ. Và cuối cùng, không chỉ thực hiện quyền, chủ quyền của mình trên Hoàng Sa, Trường Sa mà nhà Nguyễn còn thực hiện quyền cứu hộ khi các tàu, thuyền nước ngoài mắc cạn ở đây, đó là một cách thực thi chủ quyền toàn diện.
Với việc các Châu bản được công nhận, phải chăng chúng ta càng có cơ sở để khẳng định tính pháp lý của các bằng chứng chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa?
- Một điều tôi muốn nhấn mạnh là tất cả các tư liệu này không phải chỉ là tư liệu lịch sử mà còn là tư liệu đặc biệt, trên đó có chữ ngự phê của nhà vua, dưới nhiều cách và kèm theo đó là dấu ấn của nhà Nguyễn và các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Đây là văn bản hành chính quốc gia cao cấp, có giá trị lịch sử, pháp lý cao nhất không thể tranh cãi được về chủ quyền của chúng ta. Về phương diện này, nội dung của Châu bản phù hợp với nhiều loại tư liệu khác như các bộ sử “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, các bộ hội điển, địa chí “Đại Nam hội điển”, “Đại Nam nhất thống chí”…Nhưng giá trị đặc biệt của Châu bản là sự kết hợp giá trị sử liệu với giá trị pháp lý. Tôi gọi đó là giá trị kép, vừa lịch sử vừa pháp lý.
Được biết tình trạng của các Châu bản hiện nay cũng rất đáng báo động bởi điều kiện bảo quản của chúng ta chưa tốt, Giáo sư có đưa ra khuyến cáo nào không?
- Năm 1991, khi tiếp quản, các Châu bản trong tình trạng hư hỏng rất nặng, chỉ còn vài phần trăm, còn lại tất cả đều bị ngấm nước, mối mọt, hơn một nửa bị kết dính. Gần đây, tôi được biết Trung tâm Lưu trữ quốc gia đã bắt đầu hoàn thành chương trình cứu nguy đó. Giờ ta có 773 tập, được bảo quản cẩn thận, nhưng tôi xin lưu ý, còn 3.000 tờ nữa đang trong tình trạng bị kết dính. Đề nghị cơ quan quản lý phải có trách nhiệm tốt và cố gắng cứu nguy 3.000 tờ này, đây là việc khó khăn, cần được đầu tư tài chính và công sức để bảo tồn.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.