“Chạy án”

Thứ năm, ngày 13/10/2011 17:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dư luận rất quan tâm đến các vụ việc được cho là “chạy án” vừa xảy ra ở Long An, Tiền Giang. Lâu nay, hai chữ “chạy án” được bàn đến nhiều, được đưa ra thảo luận trong nhiều hội nghị, hội thảo, nhưng bắt được tay, day được trán những kẻ “chạy án” thì không phải dễ, dẹp được nạn “chạy án” càng khó hơn.
Bình luận 0

Công dân Nguyễn Thị Thủy gửi đơn tố cáo 3 thẩm phán của TAND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang nhận tổng cộng hơn 300 triệu đồng với lời hứa xử cho bà thắng kiện trong một vụ tranh chấp đất đai. Nhưng, sau đó bà bị thua kiện và không đòi lại được tiền.

Riêng đối với vụ xảy ra tại Long An, người bạn nhậu trên thuyền với các cán bộ Viện KSND huyện Cần Giuộc đã bị bắt vì nhận gần nửa tỷ đồng của người nhà bị cáo để “chạy án”. Cũng tại Long An, ông Võ Hoàng Nguyên - quyền Viện trưởng Viện KSND huyện Cần Giuộc, bị tố cáo khi còn làm Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bến Lức đã nhận hối lộ của nhiều người.

Những cán bộ liên quan đến các vụ này đều cho rằng bản thân không biết, có thể cá nhân hoặc một đường dây lừa đảo công dân bằng hình thức dụ dỗ “chạy án”. Tuy nhiên, có những vụ việc mà dấu hiệu “chạy án” rất rõ, khó có thể che chắn hay bao biện được.

Như đối với vụ “chạy án” chứa mại dâm ở huyện Cần Giuộc, tại sao Lê Văn Phổ lại ngồi cùng thuyền với hai ông viện trưởng, viện phó và các “chân dài” trên thuyền? Rồi chuyện ông Phổ cho người lái xe ôm gửi 10 triệu đồng vào tài khoản của ông Nguyễn Đức Thường (Trưởng phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự VKS tỉnh Long An) phải trả lời sao đây?

Ông Thường có chống chế là cứ tưởng tiền ai đó gửi phúng điếu mẹ ông. Thật khó có thể tin được ai đó “trên trời rơi xuống” lại bỏ tiền ra phúng điếu mẹ ông nếu không có quan hệ đặc biệt.

“Chạy án” hay lừa đảo, chỉ có người trong cuộc mới biết, vì loại tiền bẩn này không mấy ai dại dột để lộ ra như ông Nguyễn Đức Thường. Các đường dây chạy án cũng hoạt động bí mật, không mấy ai chủ quan đi ăn nhậu cùng người “chạy án” như hai ông viện trưởng và viện phó Viện KSND huyện Cần Giuộc. “Chạy án” còn khó tìm ra dấu vết vì người chạy cũng muốn im lặng cho được việc và chính họ cũng biết họ có hành vi vi phạm pháp luật, không mấy ai viết đơn tố cáo trừ trường hợp việc không thành như bà Nguyễn Thị Thủy.

Cho nên, để dẹp được nạn này, ngoài việc xử lý thật nghiêm những người vi phạm, cái gốc vẫn là đào tạo, lựa chọn đội ngũ cán bộ hoạt động trong các cơ quan tố tụng phải tinh thông nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức thực sự. Nếu cán bộ ngành kiểm sát, tòa án mà “vơ bèo vạt tép” cho đủ người hay tuyển dụng theo kiểu quan hệ thì “chạy án” sẽ khó loại trừ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem