Điều gì xảy ra với cơ thể khi chạy liên tục trong thời gian dài?

Thứ sáu, ngày 17/03/2023 23:07 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, mỗi người có giới hạn chịu đựng khác nhau. Do đó, không phải người này chạy bộ liên tục được trong 24 giờ mà người khác cũng làm được điều tương tự.
Bình luận 0

Vừa qua, thông tin chân chạy Việt Nam Nguyễn Đăng Hiếu (SN 1983) thiết lập kỷ lục Đông Nam Á khi chạy được 230,4km liên tục trong vòng 24 giờ đã khiến nhiều người bất ngờ và ngưỡng mộ về sự "phi thường" này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc về việc tại sao có thể chạy liên tục trong vòng 24 giờ như vậy và việc này liệu có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe hay không?

Tại sao con người có thể làm được những điều phi thường?

Liên quan đến câu chuyện này, trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Trung Tuyến, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện E cho biết, trước hết, phải nói đây là một kỳ tích không phải ai cũng có thể làm được. Và để đạt được thành tích như vậy, người thực hiện chắc chắn phải trải qua một quá trình tập luyện bền bỉ, kỷ luật, từ từ trong một thời gian dài.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi chạy liên tục trong thời gian dài? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đăng Hiếu (giữa) trong khoảnh khắc hoàn thành thử thách chạy 24 giờ lúc 17h ngày 11/3. Ảnh: CLB chạy VKL

Về câu hỏi có giới hạn nào cho khả năng của con người hay không, TS.BS Nguyễn Trung Tuyến cho rằng, thực tế, chưa có nghiên cứu nào về giới hạn khả năng của con người. Hay nói cách khác, khả năng của con người là vô tận. Vì vậy, thế giới đã có nhiều kỷ lục trên nhiều lĩnh vực được xác lập.

Tuy nhiên, mỗi người lại có giới hạn chịu đựng khác nhau. Do đó, không phải người này chạy bộ liên tục được trong 24 giờ mà người khác cũng làm được điều tương tự.

Thực tế, để tìm ra giới hạn của cơ thể con người, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã phân tích dữ liệu từ nhiều thử thách sức bền và các sự kiện khác nhau trong cuộc sống từ một cuộc thi ultramarathon xuyên bờ biển dài 4.957 km ở Hoa Kỳ.

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra những vận động viên marathon đã tiêu tốn năng lượng gấp 15,6 lần tốc độ trao đổi chất khi nghỉ ngơi và có một giới hạn cứng ở 2,5 lần tốc độ trao đổi chất trong trạng thái nghỉ. Chạm đến ngưỡng đó, nó bắt đầu quay lại "ăn chính mình" đặc biệt là các mô mỡ để lấy năng lượng.

Điều đó giải thích tại sao các vận động viên marathon có thể chạy xuyên nước Mỹ với tốc độ trao đổi chất gấp 15,6 lần trạng thái nghỉ. Nhưng họ sẽ phải "reset" cơ thể mỗi ngày bằng việc nghỉ ngơi chứ không thể chạy liên tục.

Điều gì xảy ra khi chạy bộ liên tục trong thời gian dài?

Theo các chuyên gia, chạy bộ là một môn thể thao phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Chạy bộ đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm căng thẳng, lo lắng…

Điều gì xảy ra với cơ thể khi chạy liên tục trong thời gian dài? - Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Trung Tuyến, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện E

Tuy nhiên, khi thực hiện chạy bộ hay bất cứ môn thể thao nào, theo TS.BS Nguyễn Trung Tuyến, việc quan trọng là cần tập từ từ, vừa tập vừa "lắng nghe cơ thể mình", sau đó tăng dần mức độ chịu đựng của cơ thể với môn thể thao đó.

Với một người bình thường, không thường xuyên tập thể dục thể thao, nếu tập với cường độ lớn và vội vàng rất dễ xảy ra các bất lợi cho sức khỏe như: bị căng cơ, đau cơ, gây tình trạng "ngại" chạy ở những lần sau.

Nguy hiểm hơn là chạy quá sức sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu oxy lên não, thiếu oxy đến các cơ và tim, gây ngất xỉu, thậm chí gây sốc nhiệt, dẫn đến hôn mê. Thực tế, đã có trường hợp đột tử khi tập thể thao với cường độ mạnh.

Trở về với câu chuyện của anh Nguyễn Đăng Hiếu, TS.BS Nguyễn Trung Tuyến cho rằng, chúng ta không nên chỉ nhìn vào kết quả mà cần tìm hiểu kỹ cả quá trình tập luyện của người này, các thành tích, giải chạy trước đó đã tham gia để có cái nhìn tổng thể nhất về thành tích mà anh đạt được.

Hơn nữa, vị chuyên gia này cho biết, việc chạy trong vòng 24 giờ không có nghĩa là cứ chạy liên tục không nghỉ mà vận động viên có thể sẽ có những quãng nghỉ ngắn để uống nước, ăn điểm tâm nhẹ, đi bộ hoặc dành cho những nhu cầu cá nhân rồi mới chạy tiếp.

Nhưng dù thế nào, TS.BS Nguyễn Trung Tuyến cũng khuyến cáo, mọi người không nên bắt chước chạy bộ liên tục như trên để tránh gây hại cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Chạy bộ như thế nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe?

Theo TS.BS Nguyễn Trung Tuyến, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trước khi chạy bộ, cần kiểm tra sức khỏe, chọn giày chạy phù hợp, khởi động thật kỹ nhất là phần chân để tránh những chấn thương không đáng có.

Kiểm tra sứ khỏe: Nếu không vận động hoặc ít tập thể dục trong hơn một năm, người tập cần kiểm tra sức khỏe.

Chuẩn bị giày chạy thoải mái: Trước khi chạy nên mua một đôi giày vừa chân, đúng mục đích sử dụng, đồng thời chọn trang phục chạy có chất vải dễ thấm hút mồ hôi.

Khởi động kỹ: Khởi động trước khi chạy là bước quan trọng giúp cơ thể tránh chấn thương khi vận động hoặc tăng cường độ tập. Người chạy nên đi hoặc chạy bộ nhẹ nhàng trong 5-10 phút, kết hợp với các động tác tay trước khi tập.

Trong quá trình chạy: người tập nên theo dõi tốc độ của bản thân trong các cự ly khác nhau. Khi chạy ngoài trời, mỗi người có thể trải nghiệm tốc độ cao, đo độ dài quãng đường nhằm đề ra mục tiêu cho những lần chạy tiếp theo.

Người chạy cần cố gắng hít thở bằng mũi, miệng, lấy nhiều oxy, thở bằng bụng, đi bộ từ từ tránh chuột rút. Ngoài ra, người tập cũng có thể thực hiện các bài tập giãn cơ, tránh căng cơ.

Chạy 24 giờ là một dạng siêu marathon, trong đó vận động viên chạy xa nhất có thể trong 24 giờ. Chúng thường được tổ chức trên các đường vòng dài từ 1 đến 2 dặm hoặc đôi khi là đường đua track 400 mét. Đây là 1 thể thức chạy chính thức trên thế giới nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.

Uống nhiều nước ép trái cây để giảm cân – lợi bất cập hại

Theo Như Mai (giadinh.suckhoedoisong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem