Không thể phủ nhận xe ôm công nghệ ngày càng phổ biến và dần mở ra hướng làm thêm mới cho các bạn sinh viên. Lương cao hơn các công việc partime thông thường, thay đổi linh hoạt lại không chịu áp lực từ sếp hay các loại KPI công ty đặt ra, nhiều bạn trẻ không ngần ngại chạy Grab, thậm chí bỏ cả học chạy theo những cuốc xe ngoài đường. Nhiều cử nhân ra trường chưa xin được việc cũng đành cất bằng đi chạy, rong ruổi trên các con phố đón khách, ship hàng.
Để hiểu hơn về công việc cũng như khó khăn của nghề chạy xe Grab, chúng tôi đã dành ra nửa ngày để theo chân bạn N.D (sinh viên năm cuối ĐH Điện Lực), hiện đang chạy Grab kiếm sống. Gần 12 tiếng chạy xe, N.D được khoảng 800 nghìn và đây là những gì mà cậu bạn chia sẻ với chúng tôi.
Sinh viên chạy Grab "bạc áo" có thể kiếm được 20-30 triệu đồng/tháng, ngày nhiều nhất lên đến cả triệu
N.D nói, chỉ cần có xe máy, chiếc điện thoại thông minh… là bất cứ ai cũng có thể trở thành một tài xế xe ôm công nghệ. Để đăng ký tham gia chạy Grab, bạn cần nộp một loạt giấy tờ như thẻ sinh viên, giấy CMND, bằng lái, đăng ký và bảo hiểm xe máy nộp cho công ty. Sau khi vượt qua 20 câu hỏi trắc nghiệm cùng thời gian hướng dẫn về nội quy công ty và cách ứng xử với khách hàng bạn sẽ được cấp mã đối tác và cài phần mềm để bắt đầu hành nghề. Với thủ tục tương đối đơn giản, nhiều sinh viên có thể trang trải cho nhu cầu không chỉ của bản thân mà còn góp được chút vốn liếng gửi về cho gia đình. Vậy nên cứ đi ra ngoài, đâu đâu bạn cũng thấy bóng lưng màu xanh lá cây quen thuộc của sinh viên chạy Grab.
Bạn N.D chia sẻ: "Hồi mới chạy Grab thấy cuốc nhảy liên tục nên mình hăng lắm, cứ rảnh lúc nào lại lấy xe ra chạy. Lần mình chạy được nhiều nhất là 1,3 triệu, chạy khoảng 14 – 15 tiếng. Giờ mình chạy nhiều khoảng 10 – 12 tiếng được 700 nghìn mà tiền xăng chỉ mất 70 – 80 nghìn đồng là đủ cho bạn chạy cả ngày. Một tháng chăm chỉ có thể kiếm được 20 triệu, may mắn nhận nhiều chương trình thưởng thậm chí còn được 20 – 30 triệu đồng.
Được nghỉ mình chạy cả ngày 10 tiếng, còn chạy bán thời gian tầm 4 – 5 tiếng cũng được tầm 300 – 400 nghìn. Tính nhanh một tháng có thể kiếm được cả chục triệu, một khoản thu nhập khá hời hĩnh thừa đủ cho các khoản sinh hoạt phí hàng tháng, trả tiền học phí và các nhu cầu cá nhân của mình"
Lương cao nhưng việc không hề nhẹ, nhiều rủi ro thậm chí có thể chết người
Tất nhiên trên đời không hề có việc nhẹ lương cao mà không cần dùng đầu óc nhiều, chỉ chăm chăm bán mạng dùng sức lao động. Sinh viên có thể gặp muôn vàn khó khăn khi chạy Grab như lạc đường, ảnh hưởng sức khỏe, bị xe ôm truyền thống chặn đánh… Để kiếm được con số triệu đồng cũng là công sức chạy "bạc áo" cả ngày, chạy không khác gì bán tính mạng.
Đa phần các bạn sinh viên làm thêm đều ở tỉnh lẻ, hầu như chưa thuộc hết đường thành phố. Việc đi nhầm dẫn đến chậm trễ bị khách chửi, công an bắt hay thỉnh thoảng mải nhìn tạt ngang đầu ô tô… là chuyện không hề hiếm gặp.
Những người trẻ luôn cậy mình có sức khỏe, có nhiều thời gian nên không ngại bán rẻ tính mạng, sẵn sàng rong ruổi 4 – 5 tiếng ngoài trời. Nhưng phơi mặt ngoài đường bất kể mưa nắng như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là cột sống và phần thân dưới. "Nhiều anh em vẫn luôn đồn về các cao thủ chạy "bạc áo" kiếm cả triệu một ngày nhưng chạy vậy có khác gì bán máu. Mình chỉ coi đây như việc làm thời sinh viên, còn cạnh tranh nhiều nên khi nào tìm được việc đúng ngành thì sẽ nghỉ. Đi ngoài đường nhiều nguy hiểm cận kề, nắng mưa ảnh hưởng sức khỏe. Ngồi nhiều ảnh hưởng đến xương và cột sống, bụi bẩn hít vào dễ mắc các bệnh như ung thư phổi…", bạn N.D tâm sự.
Khó khăn tiếp theo đến từ sự cạnh tranh gay gắt ngay trong nghề. Hồi mới vào, cuốc nhảy ít, bạn sẽ ít dịch vụ hơn, không được ưu tiên như tài xế lâu năm. Muốn kiếm nhiều phải chạy thường xuyên mà chạy nhiều lại ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học. Bên cạnh đó nếu không tinh ý, sinh viên có thể bị chặn đánh khi đi vào địa bàn của cánh xe ôm truyền thống. Cùng làm nghề xe ôm nhưng khi Grab xuất hiện đã làm đảo lộn trật tự khiến xe ôm truyền thống ít khách hẳn, thậm chí để giành khách với Grab, không ít vụ đánh nhau đã xảy ra ở bến xe buýt, ngã tư lớn…
Áp lực không nhỏ còn đến từ khách hàng. "Khách dễ tính không sao nhưng nhiều người cũng khó tính đòi hỏi rất nhiều yêu cầu. Có những khách trời nắng yêu cầu mình đi bóng râm cho mát. Có người đi sớm giục mình phóng nhanh, đi đường tắt nguy hiểm. Gặp khách nào khó tính, chẳng làm gì họ cũng rate 1 sao. Nhiều người còn lỡ chở phải con nghiện, bọn đạo chích, siêu trộm. Bề ngoài là khách hàng thân thiện, giả vờ bắt chuyện vui vẻ nhưng đến lúc về mới nhận ra mình đã bị cướp trắng", bạn N.D cho biết thêm.
Thêm một vấn đề nhức nhối với riêng các bạn chạy Grab Food là "bom hàng". Bạn N.D chia sẻ: "Dù Grab luôn cam kết sẽ hoàn lại tiền với những trường hợp bị bùng hàng nhưng tiền hoàn lại đồ ăn chỉ dưới 1 triệu đồng mà mình thấy quy trình này của Grab rất lằng nhằng, tốn nhiều công sức. Chẳng mấy shipper lên tận công ty đòi tiền đâu. Nhìn anh em thỉnh thoảng phải lấy trà sữa uống thay cơm, chúng mình lại bảo nhau mua hộ giá rẻ 1 - 2 cốc. Một cuốc được có mấy chục ngàn mà bùng mất ly trà sữa thì shipper chúng mình đến khóc ốm".
Dù thời gian chạy Grab linh hoạt với việc học nhưng cũng không ít bạn trẻ vì quá đam mê đồng tiền mà bỏ học đi làm, thậm chí chạy kiệt sức đến mức không thể học bài hay ôn thi. Chạy Grab như sống trong một xã hội thu nhỏ, nơi có người tốt nhưng cũng không ít kẻ lưu manh. Sinh viên nghĩ kiếm tiền để học nhưng ai biết khi kiếm được nhiều tiền bạn sẽ tiêu vào điều vô bổ hay để bản thân chìm đắm vào những thú vui lệch lạc nào. "Mình chỉ chạy lúc rảnh thôi, luôn nhận cuốc cuối cùng cách 30 phút trước khi vào lớp. Nhưng đi chạy về mệt thì ai mà học nổi, lại ngồi ngủ gật trong lớp, chẳng nghe giảng được gì. Cứ thế cuối kỳ tạch môn liên tục, đành phải lấy tiền chạy xe bù vào tiền học lại", bạn N.D nhớ lại.
N.D sinh viên năm cuối ĐH Điện lực làm chạy xe Grab, nói: Một tháng chăm chỉ có thể kiếm được 20 triệu, may mắn nhận nhiều chương trình thưởng thậm chí còn được 20-30 triệu đồng.
Để sống an toàn với nghề Grab, ai cũng cần có mánh khóe và kinh nghiệm
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng xe ôm công nghệ vẫn là công việc hái ra tiền, giúp các bạn trẻ trang trải tiền học phí và các khoản chi phí đắt đỏ nơi đô thị. Nhiều bạn nếu muốn dấn thân vào công việc này nên trang bị vài kĩ năng phòng thân, tỉnh táo check kĩ với khách hàng và nên tránh làm việc quá sức ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Chạy nhiều sẽ có nhiều kinh nghiệm và độ nhạy với khách thôi. Khi chạy Food, đơn khoảng 200 – 300 nghìn là an toàn, phải nói chuyện rõ ràng trước mới được đi mua. Nên xác nhận kĩ với khách, cảm thấy không an toàn có thể hủy đơn với những đơn hàng trên 1 triệu vì chính sách Grab chỉ hoàn đơn tối đa 1 triệu với những đơn hàng Food. Khi giao hàng COD thì những khách đặt trên 300 nghìn vẫn có thể ứng bình thường. Nếu khách đứng ngoài đường giao bọc nhớ check trước xem có những đồ gì bên trong, gọi cho đầu người nhận trước mặt người gửi. Nếu không cho xem hàng thì tuyệt đối không ứng, hủy cuốc và gọi điện nhờ người hỗ trợ. Với những bạn chạy Grab buổi tối thì tuyệt đối không chở vào những nơi hoang vắng, những nơi toàn thành phần "đầu gấu" như khu công nghiệp Hoàng Mai, khu tập thể Tân Mai…", N.D chia sẻ kinh nghiệm chạy Grab của mình.
Đặc biệt, tuy Grab luôn làm việc một mình nhưng sinh viên nên tham gia các hội nhóm trên Facebook hay các nhóm chat do công ty lập ra để tiện nhờ sự giúp đỡ. "Mình có tham gia một group chat có những đội trưởng do công ty yêu cầu. Họ là người đóng góp cho Grab nhiều, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn về cuốc xe hoặc thỉnh thoảng tụ tập như những người bạn đồng nghiệp. Mỗi nhóm sẽ có một biểu tượng để dán xe ra đường, gặp nhau có chuyện gì xảy ra biết là người của đội mình sẽ giúp nhau nhiệt tình hơn", bạn N.D chia sẻ về nhóm chat Grab trên Zalo của mình.
Tháng kiếm cả chục triệu đồng, nhưng chạy Grab liệu có đáng?
Có lẽ không ít bạn trẻ sẽ thấy mình trong câu chuyện: Ra trường không kiếm được việc, đành cất bằng và chạy Grab qua ngày. Không thể phủ nhận sức mạnh to lớn của Grab đã cứu được vô số mảnh đời, giúp sinh viên kiếm được lương tháng hàng chục triệu đồng nơi đô thị đã quá chật chội cử nhân đại học. Không có nghề nào là xấu, không có công việc nào là thấp hèn nếu chúng ta kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình.
Nhưng chạy Grab cũng chỉ là công việc một sớm một chiều, rồi sẽ có ngày bạn đành từ bỏ vì sức khỏe suy kiệt. Đến lúc đó, sinh viên có dám ghi kinh nghiệm "Chạy xe Grab" vào hồ sơ xin việc không? Nhiều người thường so sánh lương của một anh kế toán mới ra trường còn chẳng bằng sinh viên có kinh nghiệm chạy Grab lâu năm. Cũng làm việc 10 tiếng/ ngày, cũng sấp mặt với công việc, cũng đổ mồi hôi sôi nước mắt mới kiếm ra tiền… nhưng lương tháng chỉ bằng một nửa. Nhưng bù lại kinh nghiệm của anh ta tăng lên, tương lai rộng mở với mức thu nhập hứa hẹn tăng theo cấp số nhân. Còn sinh viên Grab năm xưa vẫn dậm chân tại chỗ khi bố mẹ không cho trợ cấp, không tiếp tục bám đường thì làm sao trang trải? Chắc chẳng cần nói cũng biết ai đường dài hơn ai.
Mỗi bạn trẻ cần tự nhận thức đâu là con đường và điểm dừng cho mình. Chạy Grab được nhiều tiền nhưng đó có phải con đường dài lâu cho bạn lựa chọn? Vậy nên đừng bán rẻ tương lai của chính mình! Hãy tạm biệt công việc xe ôm ngay khi bạn kiếm đủ tiền và chuyên tâm vào nghề nghiệp tương lai.
Vân Trang (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.