Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Công ty Luật Đức An (Thanh Xuân, Hà Nội) trả lời:
Khoản 5, Điều 5, Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:
“a) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng.
b) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
c) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng”.
Như vậy, nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp nêu trên thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Về mức trợ cấp:
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định: “1. Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội (sau đây gọi chung là mức chuẩn trợ giúp xã hội) là 270.000 đồng”.
Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP thì số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng là số tiền theo mức chuẩn nhân với hệ số tương ứng. Đối với người cao tuổi thuộc đối tượng quy định tại khoản 5, Điều 5, Nghị định 136/2013/NĐ-CP (nêu trên), mức trợ cấp được thực hiện theo quy định tại các Điểm i, k, l, m khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP.
Cụ thể:
- Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại Điểm b, khoản 5, Điều 5 nêu trên (mức trợ cấp là 1 x 270.000 = 270.000 đồng/tháng);
- Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại Điểm a, khoản 5, Điều 5 nêu trên từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi; (mức trợ cấp là 1,5 x 270.000 = 405.000 đồng/tháng).
- Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại Điểm a, khoản 5, Điều 5 nêu trên từ đủ 80 tuổi trở lên (mức trợ cấp là 2 x 270.000 = 540.000 đồng/tháng).
- Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại Điểm c, khoản 5, Điều 5 nêu trên (mức trợ cấp là 3 x 270.000 = 810.000 đồng/tháng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.