Chế tạo UAV: “Việt Nam không thiếu người tài”

Thứ tư, ngày 29/01/2014 06:45 AM (GMT+7)
Sự kiện 6 chiếc UAV do Việt Nam chế tạo cất cánh thành công đã khẳng định khoa học Việt Nam không thiếu người giỏi và có thể làm chủ mọi công nghệ.
Bình luận 0
Người Việt có thể làm chủ mọi công nghệ

Sáng 25.5.2013, 6 máy bay không người lái (thuộc hai loại AV.UAV.S1 và AV.UAV.S2) do Viện Công nghệ Không gian chế tạo đã cất cánh tại bãi biển huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, cách TP Nha Trang 100km về phía Bắc bắt đầu chương trình bay phục vụ nghiên cứu khoa học biển trên vùng biển miền Trung. Đây là chương trình nghiên cứu khoa học phối kết hợp giữa Viện Hải Dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Công nghệ Không gian.

img
TS Phạm Ngọc Lãng (áo trắng) và các nhân viên bên một trong 6 mẫu UAV "made in Vietnam".

TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ nhiệm đề tài, Viện Công nghệ không gian (HTI) thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam khoe: “Vậy là anh đã thành công rồi em ạ. Ảnh máy bay chụp về “siêu nét" không có bất cứ trục trặc nào. Vậy là anh đã chứng minh được người Việt có thể làm chủ mọi công nghệ. Chùm ảnh, phổ tín hiệu thu nhận được trong những chuyến bay đầu tiên đã được máy móc dưới mặt đất tiếp nhận”.

Theo phân công, máy bay AV.UAV.S1 đảm nhận hành trình bay ghi hình, chụp ảnh đo phổ hệ sinh thái, ngư trường ven biển, thảm thực vật, diện tích san hô, phân bổ các hợp phần nền đáy Vịnh Vân Phong, nhiệt độ mặt nước biển, đo phù sa bồi lắng tại các cửa sông/biển, rừng ngập mặn, vùng sạt lở ven biển, chuẩn hóa ảnh chụp từ vệ tinh... phục vụ chương trình nghiên cứu.

Máy bay AV.UAV.S2 đảm nhận hành trình bay ra khơi xa trên 100km với nhiệm vụ ghi hình, chụp ảnh đo phổ các loài sinh vật thủy sinh trên thềm lục địa, san hô đáy biển, nhiệt độ, độ mặn nước biển, dòng hải lưu, phát hiện vùng cá tiềm năng phục vụ bà con ngư dân và cung cấp số liệu cho Viện Hải Dương học Nha Trang và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang.

Các máy bay AV.UAV.S3, AV.UAV.S4, AV.UAV.S5, AV.UAV.S6 có chiều dài, sải cánh, khối lượng, động cơ, thời gian hoạt động khác nhau nhưng cũng nhằm phục vụ các mục tiêu trên.

Gia nhập thị trường máy bay không người lái


TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ nhiệm đề tài, Viện Công nghệ không gian (HTI) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, 6 máy bay không người lái cho đến thời điểm này đã thực hiện thành công 37 chuyến bay. Đây cũng là dấu mốc để Việt Nam tham gia vào thị trường máy bay không người lái.

Các máy bay không người lái này có khối lượng từ 4 - 170kg và sải cánh từ 1,2 - 5m. Chiếc nhỏ nhất trong số này có thể bay với vận tốc 70km/giờ, trong vòng bán kính 2km và trần bay 200m, trong khi chiếc lớn nhất có thể bay với vận tốc 180km/giờ, trong vòng bán kính 100km và trần bay 3.000m. Máy bay có thể bay liên tục trong 6 giờ cả ban ngày và ban đêm.

img
Tất cả các linh kiện cơ bản đều được chế tạo trong nước, chỉ riêng phần động cơ là phải nhập.

Ứng dụng của máy bay không người lái là rất rộng. Chúng được dùng để giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở các vùng sâu, vùng xa; quan sát, liên lạc và tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển; thăm dò tài nguyên thiên nhiên, phòng chống cháy rừng; giám sát tình trạng của lưới điện và mạng giao thông quốc gia... Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu để mở rộng tầm bay của máy bay không người lái bằng cách sử dụng đường dẫn qua vệ tinh.

Để có được những sản phẩm này, TS Phạm Ngọc Lãng cho biết, 36 người phải làm việc, trong đó 24 người là nhóm nghiên cứu làm việc liên tục từ năm 2008 đến nay. Tất cả các linh kiện cơ bản như điện trở, tụ điện, chip set IC, đều tự làm lấy chứ không nhập cả khối máy móc. Phần vỏ máy bay cũng được thiết kết và gia công hoàn toàn. Chỉ riêng phần động cơ và cánh quạt là phải nhập. Những chiếc máy bay này có thể được lập trình sẵn. Khi đó, tự nó sẽ tìm đường về mà không phải điều khiển từ xa như những máy bay không người lái thông thường. Hiện Viện Vật lí Địa cầu đã đặt vấn đề bay để lấy mẫu khí quyển.

TS Phạm Ngọc Lãng cho hay, nếu được đầu tư bài bản thì các mẫu máy bay quy mô lớn hơn, tốc độ cao hơn là hoàn toàn có thể làm được.

"Tôi nghĩ khoa học Việt Nam không thiếu người giỏi. Có lẽ một phần họ thiếu sự động viên nào đó của xã hội, một phần vì thiếu kinh phí, khó khăn về tài chính nên họ chưa phát huy được. Ví dụ như trong đề tài của tôi, kinh phí nhà nước cho chỉ đủ để làm cơ bản thôi. Còn lại phải tự thân vận động, bỏ tiền túi ra. Nếu biết động viên, giúp đỡ nhà khoa học, tôi tin là họ làm được nhiều việc lớn". – TS Phạm Ngọc Lãng.

Kiến Thức (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem