Chém đầu, đóng đinh: Có phải là đặc trưng của luật Hồi giáo - Sharia?

Nguyễn Thái - Tổng hợp Thứ hai, ngày 20/09/2021 00:55 AM (GMT+7)
Nếu ngoại tình khi đã kết hôn ở Ả rập Saudi hay Brunei, người phạm tội có thể bị tử hình, nhưng cùng tội đó ở Qatar thì người phạm tội chỉ bị phạt bằng đòn roi. Nhiều người thắc mắc vì sao lại có sự khác biệt như vậy khi các nước này đều áp dụng luật Hồi giáo - Sharia.
Bình luận 0

img

Luật Hồi giáo - Sharia. Ảnh minh họa: Getty

Sharia (Shariah) hay luật Hồi giáo đóng vai trò là quy tắc pháp lý chung của nhiều nước trong cộng đồng Hồi giáo trên thế giới. Tuy nhiên, cách áp dụng Sharia vào hệ thống luật pháp thời hiện đại vẫn là chủ đề tranh cãi giữa những người Hồi giáo ôn hòa và Hồi giáo cực đoan.

Trong khi những người Hồi giáo ôn hòa muốn cải cách Sharia thì những người Hồi giáo cực đoan và bảo thủ có quan điểm ngược lại. Họ nhấn mạnh, Sharia là hoàn chỉnh và hoàn hảo như nó vốn có, và các xã hội hiện đại nên thay đổi để phù hợp với Sharia.

Sharia là gì?

Sharia là hệ thống luật Hồi giáo, dựa trên sự kết hợp của Kinh Qur'an và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad. 

Sharia trong tiếng Ả rập có nghĩa là "con đường". Luật Hồi giáo được cho là cách để người Hồi giáo có được định hướng đạo đức về hành vi của họ. 

Theo Sky News, Sharia có tác động tới mọi khía cạnh cuộc sống của người Hồi giáo, tùy thuộc vào việc nó được tuân thủ nghiêm ngặt ra sao. 

"Có nhiều cách hiểu và áp dụng Sharia ở các quốc gia trong cộng đồng Hồi giáo. Ở một số nơi, Sharia thậm chí còn dễ dàng được đưa vào hệ thống chính trị", theo Steven A Cook, chuyên gia thuộc Council of Foreign Relations - tổ chức phi chính phủ ở Mỹ. 

Một số nước hoặc tổ chức Hồi giáo cực đoan lợi dụng Sharia để biện minh cho những hình phạt tàn nhẫn, hà khắc như thời Trung Cổ, gồm hành quyết (chặt đầu, treo cổ), ném đá đến chết, chặt chân tay, cũng như đối xử bất bình đẳng với phụ nữ về quyền thừa kế, trang phục và việc tự do đi lại. 

Dù có cách giải thích và áp dụng ở mỗi nước Hồi giáo có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung Sharia chia các hành vi phạm tội thành 3 nhóm: 

Tazir: Nhóm phạm tội ít nghiêm trọng nhất, gồm các tội như cướp giật không thành, sàm sỡ phụ nữ, ăn thực phẩm bị đạo Hồi cấm... Các hành vi phạm tội này không có khung hình phạt cụ thể trong Sharia. Hình phạt sẽ được thẩm phán định đoạt. 

Qisas: Các tội ác dẫn đến việc kẻ phạm tội bị xử phải chịu nỗi đau giống như nạn nhân. Từ Qisas là thuật ngữ Hồi giáo được hiểu là "máu đổi máu". Trong một vụ giết người, nếu bị tòa án kết tội, nghi phạm sẽ bị hành quyết.

Hudud: Nhóm tội phạm nghiêm trọng nhất và được coi là tội phạm chống lại đấng tối cao. Các hành vi phạm tội của nhóm này gồm: trộm cắp, cướp bóc, ngoại tình, uống rượu, phỉ báng Hồi giáo...

img

Ảnh minh họa: REX

Các hình phạt liên quan đến Hudud là chặt chân tay, đòn roi nơi công cộng, và hành quyết. Tuy nhiên, các hình phạt hà khắc hiếm khi được áp dụng do yêu cầu bằng chứng của vụ việc rất cao. Ví dụ, để kết tội người phạm tội ngoại tình, cưỡng hiếp cần sự làm chứng và lời khai của của ít nhất 4 nhân chứng là đàn ông theo đạo Hồi. 

"Trong thực tế, hầu hết các nước Hồi giáo không áp dụng luật Hồi giáo cổ", Sky News dẫn lời Ali Mazrui, chuyên gia ở Viện nghiên cứu văn hóa toàn cầu, cho hay. 

Sharia được áp dụng như thế nào trên thế giới?

Hiện tại, có khoảng 50 quốc gia trên thế giới chấp nhận áp dụng một phần Sharia và 8 nước khác có hệ thống luật hình sự áp dụng hoàn toàn Sharia, theo India Today.

Ả rập Saudi

Sharia là cơ sở cho toàn bộ luật pháp ở Ả rập Saudi. Nhiều hình phạt hà khắc liên quan tới Hudud vẫn được thực hiện công khai và thường xuyên. 

Các hành vi đồng tính không những bị cho là phạm tội ở quốc gia này mà còn bị trừng phạt bằng các hình thức như đòn roi, bỏ tù hay tử hình. 

Việc hành quyết hay chặt chân tay bằng gươm được thực hiện vào các ngày thứ 6, trước giờ cầu nguyện buổi trưa. Ở một số trường hợp phạm tội nghiêm trọng như hiếp dâm trẻ em, người bị kết án đôi khi bị đóng đinh sau khi đã hành quyết.  

Luật pháp ở Ả rập Saudi cũng cho phép áp dụng các hình phạt "máu trả máu" liên quan tới Qisas, trong các trường hợp thương tích cá nhân. 

Gia đình của một nạn nhân bị sát hại có thể xin xóa tội cho kẻ bị kết án sau khi đã nhận được một khoản tiền bồi thường. 

Brunei

Theo luật mới được áp dụng từ ngày 3/4/2019, những hành vi như cưỡng hiếp, ngoại tình, quan hệ đồng tính nam, cướp bóc, lăng mạ hay phỉ báng nhà tiên tri Muhammad sẽ phải chịu hình phạt nặng nhất là tử hình. Quan hệ tình dục đồng tính nữ sẽ bị phạt 40 gậy hoặc tối đa 10 năm tù. Tội trộm cắp có hình phạt tối đa là chặt tay.

Ngoại trưởng Brunei Erywan Yusof cho biết, luật Sharia mà nước này áp dụng "tập trung ngăn ngừa hơn là trừng phạt. Mục đích là giáo dục, răn đe và cải tạo".

Afghanistan

Theo trang France 24, hiến pháp Afghanistan dựa trên Sharia nhưng cách luật Hồi giáo được diễn giải ở quốc gia này có một lịch sử rất phức tạp, bị tác động nhiều bởi phong tục địa phương và truyền thống bộ lạc. 

Giai đoạn 1996-2001, Taliban từng thực thi Sharia với nhiều hình phạt tàn bạo ở Afghanistan. Các hình phạt liên quan tới Hudud được áp dụng công khai trên khắp cả nước thời điểm đó. 

img

Phụ nữ Afghanistan thường phải ở trong nhà dưới thời Taliban nắm quyền giai đoạn 1996-2001. Ảnh minh họa: AAP

Lần này trở lại nắm quyền, Taliban tuyên bố sẽ có nhiều thay đổi so với thời kỳ hà khắc trước đây, nhất là vấn đề đảm bảo quyền cho phụ nữ.  

Pakistan

Năm 1979, Tổng thống Pakistan khi đó là Muhammad Zia ul Haq ban bố pháp lệnh Hudood, có dựa trên Sharia, như một phần trong quá trình Hồi giáo hóa Pakistan. 

Các tòa án Sharia thi hành luật song song với Bộ luật hình sự Pakistan. Các tòa Sharia chỉ được xét xử các tội ngoại tình, vu khống trước tòa, chiếm đoạt tài sản và sử dụng rượu, ma túy. 

Phụ nữ không được phép làm chứng trong những vụ án nghiêm trọng. Luật cũng yêu cầu các vụ án ngoại tình, cưỡng hiếp phải có ít nhất 4 người Hồi giáo là đàn ông trưởng thành để làm chứng. 

Năm 2006, các nghị sĩ Pakistan hoàn toàn thông qua Luật bảo vệ phụ nữ, bỏ phiếu nói rằng các vụ án hiếp dâm và ngoại tình không còn được xét xử ở tòa án Sharia, mà chuyển tới các tòa án chính thống. 

Các phán quyết tại các tòa án Sharia giờ đây cũng có thể được kháng cáo tại tòa án chính thống. 

Qatar

Đánh bằng đòn roi nơi công cộng vẫn được áp dụng ở Qatar như hình phạt cho việc người Hồi giáo uống rượu hoặc ngoại tình. Hình phạt cho tội ngoại tình là 100 roi. 

Án phạt tử hình với tội ngoại tình sẽ được áp dụng nếu người bị kết án là một phụ nữ Hồi giáo và nam giới là người không theo đạo Hồi. 

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)

Dù không được công nhận là một nhà nước, IS vẫn có hệ thống tòa án riêng và thực hiện cách diễn giải Sharia vô cùng tàn ác tại các khu vực mà tổ chức này kiểm soát ở Syria và Iraq. 

IS trừng phạt những người bị cáo buộc phạm tội trộm cắp, uống rượu, ngoại tình và người đồng tính. Các tay súng IS thường hành quyết công khai, ném đá, chặt chân tay người bị kết tội và đẩy người đồng tính rơi khỏi mái nhà. 

Vì sao việc áp dụng Sharia ở mỗi nước lại khác nhau?

img

Hình phạt bằng đòn roi ở Ả rập Saudi. Ảnh: AN24

Qua nhiều thế kỷ, có nhiều trường phái hình thành và thống trị ở hầu hết các quốc gia trong cộng đồng Hồi giáo. Theo The Conversation, 5 trường phái chính của thế giới Hồi giáo gồm: Hanafi, Maliki, Shafi’i, Hanbali và Jafari. Bốn trường phái đầu tiên là của người Hồi giáo dòng Sunni, cái còn lại thuộc về người Hồi giáo dòng Shiite. 

Trường phái Maliki nổi bật ở Ai Cập và Bắc Phi. Trường phái Hanafi chủ yếu ở khu vực Tây Á. Trường phái Shafi’i ở Đông Nam Á và trường phái Hanbali (bảo thủ nhất) chủ yếu xuất hiện ở Ả rập Saudi và các quốc gia vịnh Ba Tư. 

Mỗi trường phái lại có cách diễn giải Sharia khác nhau. Đây là lí do việc thực hành và áp dụng Sharia ở mỗi nước không giống nhau. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến điều này là sự khác biệt về địa lý, chủng tộc và văn hóa ở mỗi quốc gia.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem