Cụ thể, kiểm tra doanh nghiệp nào, kết quả ra sao cần chờ thành lập đoàn thanh tra và kết luận thanh tra.
Cũng theo bà Mai, số tiền 3.500 tỷ là số cơ bản, không phải số chốt cuối cùng, vì còn liên quan tới quyền lợi của doanh nghiệp cần xem xét lại trong quá trình thanh, kiểm tra. Việc chênh lệch thuế xăng dầu đó, nếu doanh nghiệp đã chấp hành đúng quy định của Pháp luật thì doanh nghiệp hoàn toàn được hưởng khi cơ quan hải quan hoàn lại thuế cho doanh nghiệp.
Bà Mai cũng cho biết, thanh tra doanh nghiệp xăng dầu là việc làm thường xuyên, hàng năm vì đây là mặt hàng năng lượng có vai trò quan trọng, là đầu vào của sản xuất kinh doanh, tác động tới tiêu dùng của người dân. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cũng như đảm bảo chấp hành pháp luật về thuế, hàng năm Bộ Tài chính vẫn có chỉ đạo thanh tra đối với xăng dầu và trong thời điểm này, việc xem xét 3.500 tỷ đồng thuế xăng dầu càng cần thiết phải thanh, kiểm tra để trên cơ sở có kết luật phù hợp.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ trưởng Bộ tài chính đã khẳng định có sai xót trong cách tính thuế dẫn tới chênh lệch 3.500 tỷ đồng đã “vào túi” doanh nghiệp, Bộ Tài chính có xử lý cán bộ hay không? Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai giải thích: Việc xử lý cán bộ phải theo quy định của công tác cán bộ, trước mắt Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc này trước khi có kết luận cuối cùng.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 26.3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa nhận áp sai thuế xăng dầu có lỗi của bộ này. “Chúng tôi sai thì nhận và nhận thì sẽ sửa chứ không đổ lỗi. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để điều chỉnh”.
Liên quan tới nội dung có thể tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức kịch khung 4.000 đồng một lít mà Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội, bà Vũ Thị Mai cho biết đây là một trong phương án nêu ra chứ Bộ Tài chính "không có chủ trương và kế hoạch trình Chính phủ tăng thuế". Tuy nhiên, khi được hỏi về số thu từ bảo vệ môi trường xăng dầu với xăng trong năm 2015 cũng như việc chi khoản tiền này cho bảo vệ môi trường, đại diện Bộ Tài chính lại xin "thông tin sau".
Năm 2015, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng gấp ba lên 3.000 đồng một lít từ ngày 1/5. Thuế bảo vệ môi trường tăng gấp ba trong 8 tháng cuối năm đã góp phần giúp thu ngân sách 2015 vượt dự toán trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Báo cáo Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thông tin, nhờ việc tăng gấp ba thuế môi trường với xăng dầu mà ngân sách cả năm có thêm 13.200 tỷ đồng trong điều kiện nhiều nguồn thu khác khó khăn.
(Theo Vnexpress)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.