Từ đầu tháng 4, giá vàng trong nước liên tiếp gia tăng khoảng cách với giá vàng thế giới. Đến ngày 20.4, mức chênh lệch kỷ lục tới 6,5 triệu đồng/lượng.
Tại lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng, chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng với kỳ vọng kéo giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới diễn ra ngày 26.2, ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty SJC từng khẳng định: “Một tuần nữa, giá vàng trong nước sẽ sát với giá thế giới”.
“Xem ra mục tiêu bình ổn giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi gắm Công ty SJC ngày càng khó đạt được” - TS Nguyễn Thị Hiền- nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng phân tích, gần chục phiên đấu giá vàng miếng cũng chỉ đủ cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng cải thiện trạng thái vàng chứ chưa có tác dụng đưa thị trường vàng về thế cân bằng.
Qua kinh nghiệm nhiều năm tham gia chống lạm phát, đổi mới quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường, bà Hiền chỉ ra rằng: “Thị trường vàng trở nên khó kiểm soát là hệ quả của sự can thiệp hành chính quá mức của Ngân hàng Nhà nước. Những đánh giá của dư luận về tình trạng độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu, chế tác và đấu giá vàng miếng cũng như kiến nghị NHNN “trả lại thị trường cho vàng” là có cơ sở, cần được lắng nghe”.
Bà Hiền phân tích: “Giá vàng, giá ngoại tệ và giá hàng hóa có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng quyết định đến mức lạm phát. Mức tăng giá hàng tiêu dùng và dịch vụ quý I đã là 2,39%, tức trên 1/3 mục tiêu lạm phát của cả năm (6-6,5%). Mức tăng giá vàng kéo theo tăng giá USD trong mấy ngày qua là đáng lo ngại”.
“Mặc dù Thống đốc NHNN đã từng có lúc tuyên bố không bình ổn giá vàng, nhưng với đặc điểm của thị trường tiền tệ Việt Nam nói chung, thị trường vàng Việt Nam nói riêng, sự ổn định của tỷ giá, giá hàng hóa dịch vụ, giá vàng vần cần được duy trì như một tiền đề cho sự ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013” - bà Hiền nhấn mạnh.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.