Từ ngàn đời nay, người Thái ở bản Co Có ấy chỉ quen sống ở lưu vực sông Đà, làm lúa làm nương, săn con thú trên rừng, bắt con cá dưới sông mưu sinh qua ngày. Ở nơi ấy, cái đói, cái rét cứ bám riết lấy họ hệt như con ma rừng khó đuổi nhưng họ vẫn bám làng bám bản.
Bỗng “thần đất” nơi ấy cựa mình giận dữ tạo ra những vết nứt dài hàng chục mét, sâu hoắm như chỉ chực cuốn phăng nhà cửa ruộng vườn của họ xuống dòng Đà Giang.
|
Những túp lều tránh nạn của người dân Co Có ở ven đường. |
Sống trong sợ hãi
“Cơn giận dữ” bất thường của thiên nhiên đã đẩy 47 hộ dân của bản Co Có buộc phải di dời đi nơi khác sinh sống bỏ lại nhà cửa ruộng nương. Hiện họ chưa biết chuyển đi đâu vì từ bao đời nay họ đã gắn bó với nương, với rẫy ở cái đất này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay, trước đây người dân trong bản sống ở cạnh dòng suối Nậm Giôn. Tuy nhiên, từ khi triển khai xây dựng Thuỷ điện Sơn La, bản Co Có thuộc diện phải di dân vén – chuyển lên nơi cao hơn tại địa phương. Được sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự đồng lòng của bà con trong bản, toàn bộ mấy chục hộ dân của bản sẽ phải di dân, tức là chuyển từ chân núi lên gần đỉnh núi sinh sống.
Sau mấy năm chuyển lên nơi ở mới, cuộc sống của bà con đã dần ổn định. Đặc biệt là từ ngày có điện, cuộc sống của bà con đang yên ấm thì tai hoạ đã xảy ra. Những vết nứt to và dài cứ ăn dần vào nhà và vườn của dân. Nó đẩy dần người dân nơi đây bắt buộc phải định cư bên mép vực. Sau mỗi mùa mưa, vết nứt này càng lan rộng, nhà cửa của bà con có nguy cơ bị trôi tuột xuống lòng hồ.
Đi thuyền trên lòng hồ sông Đà nhìn sang, bản Co Có đứng trên địa thế “tựa sơn quan hà” đẹp tựa một bức tranh sơn thuỷ. Những ngôi nhà sàn của bà con dân tộc Thái lấp ló dưới tán cọ già trông thật yên bình. Men theo con đường xuống bến sông, chúng tôi giật mình khi chứng kiến việc người dân dựng tạm lều lán dọc hai bên đường. Gia cầm, gia súc thả rông chạy tán loạn quanh khu lều trại. Cạnh đó là những cái bếp tạm bợ, toả khói mù mịt. Mấy đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc, chân không dép, mặc manh áo mỏng đứng co ro bên cột lều nhìn người khách lạ. Khu sinh sống của gần 100 con người giống như một cái trại tị nạn.
Chị Lò Thị Điệp ngồi chênh vênh bên vép vực để nấu xôi. Cái bếp tạm bợ được chị dựng lên bằng mấy cái cọc tre. Gia đình chị Điệp có 6 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất như thế này đã gần 2 tháng rồi.
Cạnh nhà chị Điệp là hàng chục căn lều khác cũng nhếch nhác, tạm bợ như thế. Ông Lò Văn Ương -Trưởng bản Co Có không giấu nổi lo lắng: “Ấy dà, mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa sắp tới bà con cũng chưa biết xoay xở ra sao nữa. Thôi thì cố được ngày nào tốt ngày đó. Dường như ông trời đang nổi giận đẩy người dân bản Co Có rơi vào thảm cảnh sống không nhà này. Chỉ thương nhất là đám trẻ thôi, đói rét kham khổ thế này liệu chúng chịu được bao lâu nữa…”.
Theo ông Ương, hiện có 47 hộ gia đình với gần trăm nhân khẩu đã bị… đẩy ra đường sống. Họ cũng chưa biết chuyển đi đâu về đâu. Ông Ương dẫn chúng tôi men theo con dốc dựng đứng. Rồi ông chỉ xuống chỗ khe nứt rộng như tấm phản và sâu thăm thẳm. Nó chạy dài như một con quái vật khổng lồ đang há miệng nuốt chửng cả nhà của người dân. Vết nứt chia đôi quả núi, rồi cả những vết nứt nhỏ đã ăn vào chân nhà sàn.
“Từ đầu năm 2011, ở bản bắt đầu xuất hiện những vết rạn. Đến mùa mưa thì nó càng ngày càng há to ra. Giờ thì chẳng ai dám ở nhà nữa, vì cả nửa bản đang có nguy cơ sạt lở xuống lòng hồ” - ông Ương cho biết thêm.
Chờ trông một phép màu
Ngay khi xảy ra hiện tượng nứt đất, UBND xã Nậm Giôn đã tích cực vận động bà con dân bản tạm thời làm lều bạt ở cạnh đường cái trên núi đồng thời cấp báo lên chính quyền cấp trên. Trong quá trình di dời, ngân sách của tỉnh đã kịp thời hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng.
Bà Quàng Thị Biển - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn cho biết: “Sau khi định cư tạm thời, hiện các hộ dân này đang rơi vào tình trạng rất khó khăn, không có điện nước sinh hoạt, xã lại thuộc diện xã miền núi quá nghèo chẳng có kinh phí giúp đỡ bà con. Sống trong những ngôi lều tạm bợ nên bọn trẻ đang độ tuổi đến trường cũng bị khổ lây. Điện thì không có, đèn đóm phập phù, cả nhà sống trong túp lều nên các em không có khoảng riêng để học.
Những vết nứt to và dài cứ ăn dần vào nhà và vườn của dân. Nó đẩy dần người dân nơi đây bắt buộc phải định cư bên mép vực.
Cũng theo bà Biển, trong thời gian tới, chắc chắn những hộ dân này sẽ phải di dân đi nơi khác. Nhưng lúc nào đi và đi đâu đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Người dân bản Co Có đang vô cùng lo lắng, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chẳng biết họ có thể trụ được lại bao lâu nữa. Họ vẫn đang ngày đêm mong mỏi được chuyển đến một nơi ở ổn định hơn. Tất thảy họ đều trông chờ vào một phép màu là mảnh đất nơi họ đang sinh sống giá như được liền lại, họ sẽ được trở về mái nhà cũ. Và cả trăm con người kia vẫn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Mặt trời đã treo bên vách núi, chúng tôi rời bản Co Có với tâm trạng thấp thỏm lo âu, thương bà con dân bản mà chẳng biết làm gì hơn. Lúc này khu lều bạt của các hộ dân đã chìm trong biển sương mù. Gió lạnh bắt đầu thổi, như thường ngày, cái giá rét thấu xương nơi miền sơn cước vẫn ùa về bủa vây những ngôi lều tạm…
Phước Long - Đào Tuy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.