Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại cuộc tọa đàm về giải pháp vốn cho DN do VCCI tổ chức tại Hà Nội, hôm qua (10.5). Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quy định được xê dịch khoảng 17-18%/năm.
Song trên thực tế, các DN đang phải vay ngân hàng với lãi suất lên tới 20-22%/năm. Với mức lãi suất cao như hiện nay, nhiều DN đã lâm vào cảnh khó khăn, không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Theo điều tra mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cũng chỉ có 1/3 DN có khả năng tiếp cận được vốn ngân hàng, còn lại là khó và không tiếp cận được...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai cho rằng, lời giải cho bài toán vốn của DN lúc này chính là DN phải tìm cách cứu mình trước khi cầu cứu tới ngân hàng. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay đã xuất hiện nhiều "kênh" mà DN có thể huy động vốn không chỉ từ ngân hàng. Đó là các DN có quan hệ cần liên kết cam kết tiến hành các nghiệp vụ mua-bán chịu để hữu dụng hóa nguồn vốn "gối đầu" tạm thời nhàn rỗi của từng bên để duy trì sản xuất và tiêu thụ.
Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chăn nuôi Aprocimex hiến kế: Để DN có thể "tự cứu" mình, hoạt động tín dụng của ngân hàng nên chăng cần được điều chỉnh hợp lý, hỗ trợ cho DN. Cụ thể, hạn mức tín dụng nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất của DN cần được tính lãi khi hàng của DN về chứ không nên tính từ khi DN mở LC tại ngân hàng (khi nhập hàng mở LC thì 2-3 tháng sau hàng của DN mới về). Hay khi tiền của DN về chờ ở ngân hàng, DN được trả ở mức phí hợp lý để DN không bị thiệt thòi nhiều, đồng thời cũng khuyến khích được DN để tiền ở ngân hàng...
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.