Nói cắt tới 38 dự án thủy điện, có lẽ chỉ là cách nói trấn an, làm giảm đi bức xúc của đại biểu Quốc hội và người dân. Bởi hầu hết các thủy điện bị thu hồi chưa hề gây hại cho ai vì đơn giản nó chưa ra đời, chúng bị thu hồi khi nằm trên giấy.
Chưa có thủy điện nào bị thu hồi vì “gây lũ”
Quảng Nam là tỉnh thu hồi nhiều thủy điện nhất ở miền Trung. Tỉnh này có 54 dự án thủy điện lớn, vừa và nhỏ được cấp phép. Sau khi kiến nghị lên Bộ Công Thương, Quảng Nam đã ra quyết định thu hồi 9 dự án thuỷ điện, gồm Sông Bui (Bắc Trà My), Nước Ta, Nước Làh, Sông Tranh 1 (huyện Nam Trà My), Phước Hiệp, Đăk Se 2 (huyện Phước Sơn), Pà Oi, Pà Dồn (huyện Nam Giang), Sông Tranh 5 (huyện Hiệp Đức).
|
Nhiều thủy điện miền Trung xả lũ làm tình hình ngập lụt ở hạ lưu thêm nặng nề. Ảnh chụp tại tỉnh Phú Yên. |
Những thủy điện này bị thu hồi không phải vì lý do “góp lũ” - lý do đang gây lo lắng và phẫn nộ xã hội- mà đơn giản vì nó chậm triển khai hoặc nếu triển khai chúng sẽ gây ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Tranh và Ngọc Linh.
Ngoài Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ra quyết định thu hồi 7 dự án thủy điện đã có chủ trương khảo sát, lập báo cáo xin phép đầu tư. Những thủy điện này bị xóa sổ từ “trong trứng” vì quá thời hạn quy định mà không được triển khai đầu tư.
7 dự án thủy điện bị thu hồi là Đăk Xô Rách 3 và Đăk Xô Rách 4, Ngọc Tem (thuộc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai), Đăk Man (Công ty Tứ Cường), Nước Chim (Xí nghiệp Xây lắp điện và xây dựng Minh Chiến), Đăk Plô (Công ty Đại Phát), Đăk Rơ Ke (Công ty Trung Đông).
Tỉnh Khánh Hòa cũng vừa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án thủy điện Khánh Thượng vì đã trễ thời hạn triển khai đầu tư đến 18 tháng. Cũng với lý do tương tự, tỉnh Thừa Thiên-Huế thu hồi 2 dự án thủy điện khi nó mới chỉ là hồ sơ, gồm thủy điện Tà Lương và Thượng Lộ.
Trong đó thủy điện Tà Lương (huyện A Lưới) trễ hạn đầu tư 2 năm, Thượng Lộ (huyện Nam Đông) trễ hơn 1 năm. 2 năm trở lại đây, Thừa Thiên- Huế có 12 dự án thủy điện được cấp phép đầu tư trong số hơn 20 dự án thủy điện đã được quy hoạch. Đến nay, chưa có dự án thủy điện nào trên địa bàn bị thu hồi vì lý do ảnh hưởng đến môi trường và gây lũ lụt.
Cần đặt lợi ích người dân lên trên hết
Nhìn lại việc thu hồi 9 dự án thủy điện ở tỉnh Quảng Nam, ông Trần Minh Cả -Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho rằng, việc thu hồi cũng làm thiệt hại ít nhiều đến một số đối tác, trong đó có chủ đầu tư.
“Bởi không ít thì nhiều, họ đã phải tốn kém kinh phí, thời gian, tâm sức để được phép triển khai dự án” - ông Trần Minh Cả nói.
Tuy nhiên theo ông Cả, lợi ích cộng đồng phải được đặt lên trên hết. Chấm dứt một vài dự án có thể gây lãng phí cục bộ nhưng lại đảm bảo lợi ích đại cục lâu dài”.
Lãnh đạo tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm khi đánh giá tổng thể quy hoạch thủy điện trên địa bàn không được tốt, lại không mạnh tay chấm dứt những dự án không phù hợp, ngay cả khi các dự án này trong quá trình xây dựng hay hoàn thiện.
Nghe thủy điện là sợ
Ông Huỳnh Tấn Sâm - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, vừa kiến nghị tỉnh Quảng Nam không cho xây thêm dự án thủy điện trên địa bàn huyện này. Một loạt địa phương khác của tỉnh Quảng Nam, như Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Phước Sơn, cũng kiến nghị tiếp tục bỏ bớt việc triển khai các dự án thủy điện trên địa bàn. Nhiều vị lãnh đạo chia sẻ: Nghe dự án thủy điện là sợ. Họ lo lắng nhất khi thủy điện đến là sự xáo trộn đời sống người dân.
Vân Anh - An Sơn - Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.