Chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn rút khỏi Việt Nam
Chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn rút khỏi Việt Nam
Quốc Hải - Phương Uyên
Thứ tư, ngày 24/11/2021 08:48 AM (GMT+7)
Có đến 99% doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn lạc quan ở các mức độ khác nhau về khoản đầu tư của mình tại thị trường Việt Nam, và chỉ có 1% muốn rút hoặc đóng cửa kinh doanh...
Đây là kết quả khảo sát mới nhất được Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) công bố tại hội thảo "Gặp gỡ Hoa Kỳ: Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam", diễn ra chiều tối ngày 23/11.
Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Amcham Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến ở nhiều đầu cầu trên cả nước.
99% doanh nghiệp lạc quan
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam - cho biết, khảo sát cho thấy bức tranh hồi phục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam khá lạc quan.
Cụ thể, hiện có khoảng 18% doanh nghiệp đã hồi phục hoạt động sản xuất trở lại bình thường hoặc tăng công suất, 45% doanh nghiệp hồi phục được 80%, và 22% doanh nghiệp hoạt động được trên 60% công suất...
Khảo sát cũng đặt ra câu hỏi, khi nào là thời điểm các doanh nghiệp Hoa Kỳ hồi phục hoàn toàn? Câu trả lời khá lạc quan khi 25% cho biết cuối năm nay và 37% cho biết thời điểm quý 1/2022, 29% các doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi hoàn toàn vào quý 2/2022.
Chia sẻ tầm nhìn trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam, có đến 99% doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn lạc quan ở các mức độ khác nhau về khoản đầu tư của mình tại thị trường này. Chỉ khoảng 1% doanh nghiệp nói có cái nhìn bi quan cho các khoản đầu tư ở đây và có ý muốn rút hay đóng cửa.
Dù vậy, trong số 99% doanh nghiệp Hoa Kỳ có cái nhìn lạc quan đó, vẫn có những rủi ro cơ bản đang hạn chế hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Việt Nam.
Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với các dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh thành. Hiện, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu... - bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam.
Cụ thể, 66% doanh nghiệp phản hồi về hạn chế đi lại quốc tế vào Việt Nam.
Khoảng 56% lo ngại sự đứt gãy về chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cùng một số vấn đề khác như sự hạn chế đi lại trong nước, các chính sách liên quan đến F0 hay F1.
57% doanh nghiệp cho biết tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch vẫn còn diễn ra mà nguyên nhân chủ yếu là người lao động đã về quê và không có ý định quay trở lại thành phố...
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lo ngại về thủ tục đưa chuyên gia, lao động nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, một tỷ lệ khá cao (79%) cảm thấy cách thực thi chống dịch trong điều kiện mới của các tỉnh không nhất quán. Nhiều nơi vẫn áp dụng chính sách cách ly F1 tại nhà kể cả khi họ đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính.
"Các chính sách thiếu nhất quán giữa các tỉnh, thành là mối quan ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi quay trở lại mở cửa hoạt động sản xuất cùng hồi phục kinh tế", bà Maria Tarnowkova nói.
Nhiều vấn đề cần làm…
Tại Hội thảo, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng có rất nhiều vấn đề hai bên cần làm việc với nhau để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư. Đặc biệt là Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) - đây chính là điểm hai nước cần nỗ lực hơn do vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn yêu cầu của hai bên.
Hơn nữa, theo đại diện Amcham, hiện tại chính sách thuế còn chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh thành, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng với đó là các thủ tục hành chính cần giảm thiểu, nhất là các thủ tục gây tốn kém nhiều chi phí.
"Hai bên cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện những vấn đề này nhằm đưa ra một cơ chế làm việc với nhau hiệu quả hơn", đại diện Amcham đề xuất.
Tại hội thảo, lãnh đạo TP.HCM và một số địa phương cũng chia sẻ các định hướng phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố, khẳng định, quyết tâm của chính quyền thành phố tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong đó, những điểm nhấn cơ bản là thành phố sẽ bắt tay thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết gia nhập WTO; nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có thị trường vốn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, thiết lập, áp dụng môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và nước ngoài; kiên quyết chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính…
"TP.HCM sẽ duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, để kịp thời có điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích phát triển của thành phố và lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, thành phố cam kết tiếp tục lắng nghe, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng là địa phương tiên phong, khởi xướng, thử nghiệm những mô hình, cơ chế mới để hợp tác phát triển với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương phía Nam", ông Hoan khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.