Góp vào chương trình văn nghệ sôi động là các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Quảng Nam và Đội Cồng chiêng Kon Tum, nơi Thu Bồn đã gắn bó cả trong chiến tranh và hòa bình. Nhiều bài thơ Thu Bồn được ngâm, nhiều bài hát phổ thơ Thu Bồn được trình diễn chen giữa các màn múa hát và cồng chiêng. Nhiều kỷ niệm về nhà thơ được những người bạn cùng thời kể lại để thấy tính cách và tầm vóc, sự gắn bó của Thu Bồn với đất nước, với quê hương. Chỉ có thể là tài năng Thu Bồn mới có sức tập hợp tự nguyện ấy từ bạn bè và người hâm mộ.
Chăm lo kinh phí cho ngày giỗ và đêm văn nghệ một phần là do mẹ con chị Đỗ Thanh Thu và con trai Hà Băng Ngàn. Nhà văn Nguyên Ngọc đã kể lại những gian truân, cách trở của mối tình lớn Thu Bồn và Thanh Thu, để đôi bạn trẻ cùng quê tìm lại được nhau sau mấy năm xa cách vì đất nước bị cắt chia. Vốn là bạn học từ nhỏ nhưng năm 1954, Thu Bồn theo đơn vị tập kết ra Bắc. Chị Thu ở lại tiếp tục hoạt động. Chị bị bắt vì tham gia biểu tình.
Thấy không thể sống ở quê, chị phải tránh vào Sài Gòn, móc nối hoạt động trong đội Biệt động của thành phố. Còn Thu Bồn năm 1955 tập kết ra Bắc, lần lượt học Trường Sĩ quan Lục quân, Đại học Sư phạm, Trường Tuyên huấn - Báo chí. Năm 1960, anh thuộc lớp văn nghệ sĩ đầu tiên trở lại chiến trường, cùng đi với Nguyễn Chí Trung, Thanh Giang… vào Tiểu ban Văn nghệ của Quân khu V.
Nhà thơ Thu Bồn
Trong một dịp về vùng giáp ranh công tác, Thu Bồn đưa một tấm ảnh nhỏ có hình một cô gái nhờ Nguyên Ngọc hỏi thăm tin tức. Sau 1954, đã có quá nhiều biến động, mãi mấy năm sau mới có một người quen chỉ cho nơi ở của bà mẹ cô gái trong ảnh.
Nhờ đó mà Thu Bồn biết địa chỉ chị Thu ở Sài Gòn. Nhiều phen thư từ đi lại, chẳng dễ dàng gì, nhưng cuối cùng họ đã nhận ra là không thể thiếu nhau. Nể tình tác giả “Bài ca chim Chơrao”, đích thân Bí thư Khu ủy Võ Chí Công phải liên hệ với Thành ủy Sài Gòn xin cho chị Thu về Khu V công tác, rồi lo đám cưới cho hai người.
Mọi chuẩn bị về vật chất như gạo thịt, gà, bánh kẹo mua từ vùng giáp ranh đã xong, nhưng lễ cưới sắp bắt đầu thì một trận bom tơi bời làm tanh bành tất cả. Căn cứ lập tức di chuyển. Một tuần sau trở về, thủ trưởng cơ quan tuyên bố coi như đám cưới đã tổ chức xong, cho hai người về ở với nhau. Những năm đó, rừng Khu V đã bị rải chất độc diệt cỏ.
Lính tráng uống nước suối đổi màu mà không biết hậu họa. Thu Bồn nằm trong số những người lính không may đó. Hà Thảo Nguyên, con đầu lòng của Thu Bồn và chị Thu bị bệnh máu trắng mất năm 16 tuổi… Năm 1969, chị Thu có bầu cháu thứ 2, Thu Bồn lại bị thương, cả hai được ra Bắc. Chưa ra đến cửa rừng thì chị Thu sinh cháu ở làng Ho, Tây Quảng Bình, đặt tên là Hà Băng Ngàn. Do ảnh hưởng chất độc da cam, nay gần 50 tuổi, Hà Băng Ngàn vẫn không có khả năng học tập và làm việc.
Có lẽ, không có thời nào, không có một đất nước nào như ở nước ta, bao nhiêu tình yêu đẹp đẽ lại sản sinh ra những sinh linh không hoàn chỉnh. Đó là hàng vạn con người dị dạng muôn vẻ vì ảnh hưởng chất độc da cam do chiến tranh.
Nhà thơ Liên Nam khi ra Bắc cũng có một người con bị bại não. Có nhiều lý do khi một cuộc tình bắt đầu rất đẹp, đã không duy trì được bền lâu sau chiến tranh. Những người con bị chất độc da cam cũng là một ám ảnh nặng nề. Sau này tan vỡ với chị Thanh Thu, dẫu có yêu và lập gia đình vài lần, nhưng nỗi ám ảnh và mặc cảm đó làm cho Thu Bồn sợ cả việc có con.
Ngoài 10 Trường ca, 10 tiểu thuyết, Thu Bồn còn các tập thơ; “Tre xanh” (1969), “Mặt đất không quên” (1970), “Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên” (1992), “Tôi nhớ mưa nguồn” (1999), “Đánh đu cùng dâu bể” (2001). Có khá nhiều mỹ nhân từng là nguồn cảm hứng cho Thu Bồn làm nên những bài thơ tình tha thiết.
Cũng có nhiều giai thoại xung quanh từng bài thơ, đều là do bạn bè thân thiết kể lại, nhưng là những người nhiều khả năng tưởng tượng, nên không phải ai cũng nói đúng sự thật. Mà sự thật trong tình cảm, cũng như trong thơ là những điều không phải bao giờ cũng rạch ròi. “Tạm biệt Huế” là một trong số đó.
Như một cơ duyên. Tháng 5 này trở lại Huế, nhà văn Tô Nhuận Vĩ nhắn tôi phải nhất thiết gặp một người, giờ là Việt kiều vừa ở Pháp về. Chị chính là nữ nhiếp ảnh Minh Châu, 35 năm trước chị là nguồn cảm hứng để Thu Bồn làm bài “Tạm biệt Huế”.
Hơn hai kiếp lưu lạc của nàng Kiều, rời Huế vô Sài Gòn, lấy chồng ở Đà Lạt, chồng mất đột ngột, một mình nuôi hai con, giờ đều đã trưởng thành trên đất Pháp. Mấy năm gần đây, mỗi năm về Huế mấy tháng để săn sóc mẹ già đã 95 tuổi. Đó cũng là thời gian chị cùng chồng mới là một cựu Đại tá quân đội Pháp dạy tiếng Pháp miễn phí cho một số học sinh, sinh viên, như một việc thiện nguyện ở Việt Nam.
Có lần nhà cháy, nhiều khi trắng tay, vậy mà buổi trưa gặp nhau ở một quán nhỏ ở Huế, có sự chứng kiến của nhà văn Tô Nhuận Vĩ và mấy bạn bè văn nghệ, người ấy quyết định chuyển cho tôi tờ giấy nhỏ, mực phai, giấy rách, nhưng còn nguyên vẹn bài thơ xưa Thu Bồn đã chép tặng mình. Bài thơ có tên: “Bởi vì em”.
Nữ nhiếp ảnh gia Minh Châu (giữa) với bạn văn nghệ ở Huế.
Tặng Minh Châu và Huế cùng những ai yêu Huế. 8-1983”. So với bài “Tạm biệt Huế” được công bố sau này, tác giả có sửa chữa và biên tập lại từ nguyên tác bài “Bởi vì em” cho dễ in hơn. Bài thơ được hoàn thành trong đêm 6.8.1983, một đêm không ngủ.
Đó là thời gian Thu Bồn cùng mấy người bạn về Huế. Hội Văn nghệ Huế cử một nghệ sĩ nhiếp ảnh dẫn các văn nghệ sĩ đi tham quan các di tích và chụp ảnh. Minh Châu khi ấy mới ngoài 20, gương mặt rạng rỡ, nụ cười thần tiên, đôi mắt luôn biết nhìn thấu lòng người, và một vóc dáng cao lớn xinh đẹp. Một người say cái đẹp và hoạt khẩu như Thu Bồn đã không bỏ lỡ cơ hội để được trò chuyện và tiếp cận nữ nhiếp ảnh trẻ trung, hấp dẫn. Họ có ba ngày “say sóng” bên nhau, khi đi tham quan các lăng tẩm, đền đài của Huế, thù tạc cùng các bạn văn nghệ sĩ xứ Huế.
Buổi sáng chia tay, Thu Bồn trao cho Minh Châu bài thơ làm sau một đêm không ngủ. Mười năm sau, Thu Bồn có dịp trở lại thăm Huế, rất nhiều hướng dẫn viên du lịch đã đọc cho khách tham quan nghe bài thơ như một cách giới thiệu những vẻ đẹp của Huế. Nhưng bóng dáng người xưa đã biệt tích. Trong bản thơ viết tay tặng Minh Châu có những câu như một lời tiên tri: “Xin chào Huế một lần anh đến / Để ngàn lần anh nhớ hư vô / Em rất thực nắng thì mờ ảo / Xin đừng nhầm em với Cố đô / Tạm biệt Huế với Châu là vĩnh biệt / Hải Vân ơi xin Người đừng tắt ngọn sao khuya / Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng /Anh trở về hóa đá phía bên kia”.
Dẫu đã 15 năm tác giả yên nghỉ trong nấm mộ đá hoa cương có rất nhiều kỷ vật bạn bè tứ xứ gửi theo trong nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bài thơ “Bởi vì em - Tạm biệt Huế” vẫn hiện diện trong lòng những người yêu thơ, yêu Huế.
Sau khi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, gia đình và bạn bè nhà thơ Thu Bồn đều mong ước ở trường học nơi quê nhà Điện Thắng có một phòng lưu niệm những di vật và tác phẩm của Thu Bồn - nhà thơ lớn của quê hương.
Hà Nội 10.6.2018
BỞI VÌ EM
Tặng Minh Châu và Huế cùng những ai yêu Huế
***
Bởi vì em dẫn anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu
Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ hư vô
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng nhầm em với Cố đô
Tạm biệt Huế với Châu là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin Người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia
Anh chẳng phải người đi niệm Phật
Lần đầu ăn bữa cơm chay
Rau quả Kim Long, đậu tương Hoài Đức
Môi anh gần giống vị ớt cay
Nhịp cầu cong và tà áo lụa
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Con sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Áo trắng hỡi anh tìm em đâu thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Trường Tiền
Nón rất Huế mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Đêm 6-8-83 Một đêm không ngủ.
(Ký tên) THU BỒN
|
Ngô Thảo (cstc.cand.com.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.