Má Năm kho quẹt của tôi

Ng.T. Minh Châu Thứ hai, ngày 18/06/2018 14:00 PM (GMT+7)
Trong giới Văn học - Nghệ thuật, ai cũng ngưỡng mộ cặp vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang không những bởi đóng góp to lớn của họ cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà mà còn kính trọng họ bởi nhân cách sống.
Bình luận 0

Con đi tìm câu hát thuở xa xăm

Gặp mẹ sống trăm năm như bà tiên của đất

(Mẹ cho con xin câu hát quê mùa - Lê Giang)

Người đi tìm câu hát bỏ quên, người mắc nợ dân ca, người khơi nguồn dân ca, người mò trai dưới biển, người đi tìm ngọc trong đất, người đi hớt váng phù sa trên mặt sông lòng suối, người lang thang gió cát, người tự hát cho mình, người nối quá khứ vào hiện tại… khó mà kể hết những biệt danh mà người đời dành tặng cho cặp đôi thơ và nhạc Lê Giang - Lư Nhất Vũ.

Ta nôn nao nghe câu hò gieo mạ

Em bùi ngùi nghe mẹ lý chim quyên…

(Đi tìm điệu lý nàng dâu - Lê Giang)

Mấy chục năm cùng chồng lặn lội ngược xuôi tìm lại những câu hát đang vơi dần trong nhân gian, nhà thơ Lê Giang đã phải lòng ca dao, rồi nặng lòng yêu dân ca đến độ thuộc nằm lòng bao nhiêu lời hát của ông bà tổ tiên nhưng lại không thuộc thơ mình, đọc thơ của chính mình mà cứ phải nhìn giấy!

img

Vợ chồng nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ - Lê Giang.

Song thơ của bà luôn được hát lên. Đây nhé, khi phổ thơ cho dân ca, đặt lời mới để phổ cập các làn điệu xa xưa, thơ của bà đã được sống cuộc đời của ca dao. Hơn nữa, theo tôi, bà còn là nhà thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Là nàng thơ của chàng nhạc Lư Nhất Vũ thì hẳn nhiên rồi. Ngoài lời ca trong nhiều ca khúc, ca cảnh, nhạc cảnh của ông xã - người hết lòng thủy trung với thơ của vợ, còn có không ít bài thơ của bà được chắp cánh bởi giai điệu của các nhạc sĩ gạo cội, như Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp…

Trong làng nhạc, cũng vẫn theo tôi, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là người viết tự truyện hay nhất với giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên. Giọng văn ấy rất “ăn giơ” hợp điệu với một giọng văn khác mà tôi vẫn ngưỡng mộ bởi vẻ yêu đời và dí dỏm: giọng văn Lê Giang. Không biết ai lây sang ai, nhưng cả hai đều là “thần tượng của tôi” và tôi vô cùng háo hức mỗi lần nhận sách mới xuất bản của họ.

Tôi mê lối viết cứ như chơi, viết ngon lành, dễ dàng như trong đầu có cái gì bày ra cái nấy. Chân chất, dung dị, khôi hài, mộc mộc, quê quê trong lối hành văn đầy phương ngữ làm nên cái duyên riêng “rặt ròng Nam bộ”, những cuốn sách của tác giả Lê Giang đã cho tôi học được từ đó bao điều ngọt ngào ý nhị về tình đời, tình người và tình nghề.

Đọc bà, tôi được cười khoái trá, được ngậm ngùi bâng khuâng, được hào hứng lạc quan, được học cách luôn hài lòng với từng thời kỳ tuổi tác của mình, học cách tự trào và không để nỗi buồn xâm chiếm vô lô cốt tình cảm của mình…

Đọc bà có bao câu chuyện tôi muốn đọc lại

Từ pha chết lặng đứng tim của chàng lính Trường Sơn tỉnh giấc thấy nàng rắn đang uốn éo âu yếm trườn qua lượn lại trên mình chàng; đến cái thực đơn nhứt nhựt đế vương của bếp nhà hàng ngàn sao trong rừng già thời đạn bom, toàn món “trời sanh” có tên gọi thật kinh dị: vũ nữ lăn bột chiên, nhền nhện hùm kho tiêu, trứng rắn hổ úp mề, trùn đất xào bông cải…

Từ câu chuyện cụ ông tên Chơi, cụ bà tên Bèo, bình dị như chính cái tên của họ, những con người lam lũ phận bèo ấy cất giọng hò giọng lý “chơi đôi câu” thôi cũng đủ mùi nát ruột nát gan; đến cái vụ người đàn ông của đời bà đốt thuốc mịt mùng chẳng khác gì “cây đuốc sống”, rồi vì thương vợ mà âm thầm vật vã cai bằng được cơn ghiền để nàng được “bỏ… khói thuốc lá”.

Từ em chó Misa tận tụy, nghĩa tình, khoái những câu ca điệu nhạc mùi mẫn êm ái và biết nhõng nhẽo hờn ghen như đứa trẻ được cưng chiều; đến những giây lát cười nhòe cả mắt ông bà vì đám cháu nội ngoại luôn háo hức rình rập quanh bàn làm việc của ông, cái bàn viết kỳ bí biết làm ra những bài đồng dao cho chúng hát.

Và từ lâu, tôi đã coi người đàn bà “sót lại của đồng quê” ấy là má Năm của tôi.

Má Năm của tôi đó: người tham công tiếc việc đến độ “đang ngủ thấy trời sáng mừng lắm con ơi”, người ham khóc ngon lành cho quá khứ và mỉm cười trong nước mắt khi thấy nhiều đứa trẻ bi quan hay đòi hỏi, nay đã học được từ câu ca “bây giờ con đã nên người, dù no dù đói cho tươi mặt mày”.

Má Năm của tôi đó: nhà thơ, nhà sưu tầm dân ca, nhà soạn lời dân ca, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu dân gian, nhà văn, và… nhà bếp!

Má Năm của tôi đó: người coi nấu nướng là một nghệ thuật tinh vi hấp dẫn, và người đứng bếp cũng như nghệ sĩ sáng tác, phải biết thả hồn gởi cả tấc lòng vô món ăn. Bạn bè yêu thương gọi bà không chỉ “chị Năm dân ca” mà còn là “chị Năm kho quẹt”. Kho quẹt - món ăn số dách khiến tình đời càng thêm khăng khít đậm đà, món ăn thương hiệu độc quyền của bà khiến bạn bè chỉ nhắc tới cũng nuốt nước miếng. Biệt danh Năm-kho-quẹt là niềm “tự hào dân tộc” của phu quân Lư Nhất Vũ, đâu phải vô cớ mà ông chỉ thích về nhà ăn những món vợ nấu.

Má Năm của tôi đó: người luôn tìm cách gửi quà cho tôi, có lúc giữa hè đổ lửa còn xa mới tới tết vẫn dúi tiền vào tay tôi nói ông bà lì xì cháu ngoại, lại còn than bố mẹ thật vô dụng chẳng giúp được gì cho đứa con gái khó khăn.

Ôi, má Năm! Bố mẹ giúp con nhiều lắm chứ. Bố mẹ là chỗ dựa lớn về tinh thần, về tình cảm, mà cái tình cái tâm còn đáng giá hơn mọi thứ. Cái tình ấy - như lời ru của mẹ, như bao làn điệu dân ca được bố mẹ chắt lọc giữ lại cho đời - đã giúp con lớn hơn nhiều trong cái nghiệp làm nhạc này.

Nhà thơ Nguyễn Duy nói sao mà đúng thế: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem